'Nhà bà Nữ' vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Giáo viên nói gì?

15:33 - 13/02/2023

'Nhà bà Nữ' vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum khiến nhiều giáo viên không đồng tình.

'Nhà bà Nữ' vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Giáo viên nói gì? - Ảnh 1.

Bộ phim "Nhà bà Nữ" đề cập đến chủ đề người trẻ và lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum vừa tổ chức kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12, trong đó có môn Ngữ văn. Đáng chú ý, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn luận một ý kiến trong bộ phim "Nhà bà Nữ" khiến nhiều giáo viên không đồng tình.

Theo đó, nội dung đề thi như sau: "Trong bộ phim 'Nhà bà Nữ', vì không muốn theo học ngành mẹ chọn lựa và muốn tự lập, nhân vật Ngọc Nhi đã thẳng thắn nói lên mong ước của mình dù cô biết mẹ vô cùng đau đớn: "Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ".

Là người trẻ đang trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp tương lai, anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?"

Giáo viên Ngữ văn nói gì?

Cô Nguyễn Thúy Hà, giáo viên trung học phổ thông ở Cần Thơ, nêu quan điểm: "Tại sao không phải là 'thành công của con cũng là ước mơ của mẹ. Vậy nên con sẽ thành công trong ước mơ của con để biến ước mơ của mẹ thành hiện thực". Thay vì phủ nhận mọi mong muốn của cha mẹ thì tại sao không thuyết phục để cha mẹ thấy quyết định của mình là đúng đắn.

Câu nói này đang ảnh hưởng đến một vài học sinh của tôi, trong đó có con tôi, rằng: Phải để con tự quyết định chứ không nghe cha mẹ nữa, bởi "con thà....". Có những người cha, người mẹ vất vả cả đời để hy sinh, vun đắp cho con với ước mơ con sẽ là người này người kia nhưng nếu nghe con thốt lên câu này chắc sẽ buồn lắm.

"Nhìn ở góc độ nghệ thuật (phim ảnh) thì có thể ủng hộ suy nghĩ của Nhi. Nhưng ở góc độ học thuật thì không (văn học không phản ánh hiện thực khách quan thì sao mà toát lên hết được giá trị tác phẩm). Nhìn chung, tổng thể thiếu tính chỉnh thể thì khó đưa vào đề thi quan trọng được", thầy Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên trung học phổ thông ở Long Xuyên chia sẻ.

Cô Diệp Thảo, giáo viên dạy Ngữ văn bậc phổ thông ở Hà Nội, bình luận về đề thi này như sau: "Cách đây vài ngày học sinh có bảo mình: 'Cô ơi, cô là một người mẹ thì con nghĩ cô nên đi xem phim "Nhà bà Nữ" đi'. Rồi chúng nhao nhao: "Cô đi xem đi, về cô đừng mắng bọn con nữa". Mình cũng chần chừ mấy lần định đi xem phim nhưng mình bận quá, đi xem cũng không có thời gian. Học sinh bảo vậy thì cũng đi.

Phim lấy bối cảnh một gia đình lao động bình thường, ba thế hệ. Bà Nữ là người mẹ nhân vật chính, là trụ cột gia đình. Bà và chồng mâu thuẫn nên ly hôn. Như bao gia đình trong xã hội, nhà nào cũng có những câu chuyện khác nhau. Bà Nữ là một người mẹ hết lòng lo cho con mà không ai thấu hiểu.

Bà Nữ có hai cô con gái, cô con gái cả đã lấy chồng, cô thứ hai là Ngọc Nhi - sinh viên trường Ngân hàng theo ý mẹ mặc dù em thích làm nghệ nhân gốm. Tuổi 18 đôi mươi Nhi bồng bột, vội vàng yêu một anh thiếu gia nhà giàu rồi có bầu. Sau đó Nhi về và cãi nhau với mẹ và nói câu nói như trong đề thi và bỏ nhà ra sống với người yêu.

Ban đầu theo đuổi tình yêu cô rất hạnh phúc, được sống với ước mơ, cho tới khi cơm áo gạo tiền bám lấy họ. Ngọc Nhi cãi nhau với người yêu. Cô tìm về nhà và chỉ dám đứng ngoài và bị sẩy thai ở tháng thứ 6. Lúc này, gia đình đón cô về và cô làm lại từ đầu.

Bộ phim thật sự đời thường, khiến cho mình liên tưởng tới gia đình, tới hôn nhân, và cũng cho mình sống lại một thời tuổi trẻ. Xem phim mình rút ra được nhiều thứ, để hoàn thiện bản thân hơn.

Nhưng với cương vị của một người làm con, một khán giả, một người làm mẹ mình nghe câu nói của Ngọc Nhi mình chỉ thấy sự bồng bột, hão huyền của tuổi trẻ. Mà nếu trở về mình cãi nhau với bố, bố mình sẽ bảo: 'Mày ngu thì chết'. Bởi sau khi chạy theo ước mơ thứ mà Ngọc Nhi trả giá là thập tử nhất sinh, là đau khổ của mẹ, là mất đi tình yêu và đứa con...

Còn với cương vị là giáo viên Văn thì mình không đồng tình với dạng đề thi này."

Có thể phản biện đối với đề thi Ngữ văn mở?

Tuy vậy, một số giáo viên dạy Ngữ văn bậc trung học phổ thông phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đề ra là một chuyện, quan trọng là học sinh cần biết phản biện sao cho hợp tình hợp lí, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mĩ tục và có góc nhìn riêng thì giám khảo sẽ đánh giá cao.

Đối với các đề Ngữ văn dành cho học sinh giỏi, việc lập luận xác đáng sẽ khiến thí sinh có điểm cao. Hơn nữa, đối với một vấn đề lớn như hướng nghiệp là việc hệ trọng của cả đời người, một quan điểm đưa ra trong một bộ phim không khái quát được xu hướng thời đại cũng như khát vọng của tuổi trẻ. 

Việc ra đề thi Ngữ văn cần cân nhắc hơn và lường trước khả năng phản biện, đánh giá của thí sinh đối với quan điểm được đưa ra. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-ba-nu-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-giao-vien-noi-gi-179230213152004695.htm