Người mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát đối mặt với nguy cơ nào?

16:11 - 10/10/2022

Nhiều người đặt câu hỏi liệu các nhà đầu tư mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát sẽ bị đối mặt với những rủi ro gì?

Mới đây, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm đã bị cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công đã bắt tạm giam vì hành vi lừa đảo trong việc phát hành, mua bán trái phiếu tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông.

Người mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát đối mặt với nguy cơ nào? - Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm đã bị cơ quan
Cảnh sát Điều tra Bộ Công đã bắt tạm giam.

Ai trả tiền cho người mua trái phiếu doanh nghiệp của bà Trương Mỹ Lan?

Tại cuộc họp báo thông tin về hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chiều 8/10, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông.

Đây là một trong những doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch Hội đồng quản trị - người vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi cố và bắt giữ để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Giải đáp về những vấn đề liên quan, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định, khi người dân gửi tiền ngân hàng thì ngân hàng là nơi huy động vốn của người dân để kinh doanh tiền tệ. Tiền gửi là tài sản và được đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp khi rút tiền. Với nhà đầu tư trái phiếu, người có trách nhiệm trả tiền đầu tư là công ty phát hành trái phiếu, cụ thể ở đây là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

“Trái phiếu là kênh đầu tư, huy động vốn khi một công ty có nhu cầu vay và kênh đầu tư này được thực hiện theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì phải đảm bảo trả tiền gốc và lãi cho nhà đầu tư vào ngày đáo hạn”, ông Tuấn nói.

Theo chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, Chủ tịch Ban Đại diện Quỹ Đầu tư Manulife, đối với các trái chủ của An Đông, đây là một doanh nghiệp khá lớn nằm trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát nhưng không phải là công ty đại chúng, không niêm yết nên rủi ro khá cao.

Sau khi ban lãnh đạo bị bắt tạm giam, trường hợp công ty phá sản thì các trái chủ sẽ là đối tượng sau cùng được nhận lại số tiền còn lại sau khi đã xử lý nợ theo trình tự ưu tiên như nợ ngân hàng, công nhân viên, nhà nước. Do đó, nếu như tài sản của An Đông vẫn còn để trả nợ thì khả năng trái chủ vẫn mất từ 10 - 50% số tiền đã mua trái phiếu.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, Chủ tịch Ban Đại diện Quỹ Đầu tư Manulife

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích, trong trường hợp công ty không tuyên bố phá sản, đến kỳ hạn thanh toán trái phiếu mà doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán, trái chủ có thể chọn phương án thỏa thuận hoặc nộp đơn kiện yêu cầu tuyên bố phá sản ra tòa án. Khi đó mọi trình tự sẽ theo quyết định của tòa và nếu tuyên bố công ty An Đông phá sản thì cũng sẽ theo các thủ tục quy định.

Một số chuyên gia tài chính dự báo, các trái chủ của An Đông có khả năng khó thu hồi lại vốn sau khi ban lãnh đạo công ty này đã bị bắt tạm giam. Vì hiện công ty như "rắn không đầu" nên cũng khó thu xếp đủ tài chính để hoàn trả vốn cho khách hàng đã mua trái phiếu. Đồng thời, các lô trái phiếu đã phát hành của An Đông đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 mới đến kỳ tất toán nên phải tiếp tục chờ.

Trước đó, ngày 8/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án và các bị can liên quan đến vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty, đơn vị liên quan Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của người dân trong năm 2018 - 2019.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với: Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor); Nguyễn Phương Hồng (Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông hoạt động từ tháng 4/2007, trụ sở tại số 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty hoạt động chính với ngành nghề đăng ký là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là ông Kwok Hakman Oliver, quốc tịch Australia.

Công ty có 2 chi nhánh là chi nhánh Công ty Tập đoàn Đầu tư An Đông - Khách sạn Thương mại An Đông và chi nhánh Công ty Tập đoàn Đầu tư An Đông - The Garden Complex.

Công ty Tập đoàn Đầu tư An Đông đang có 3 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên gần 25.000 tỉ đồng. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm, gồm 2 lô trái phiếu được phát hành vào tháng 9/2018, kỳ hạn trả lãi lần lượt là 3 tháng và 6 tháng, đáo hạn ngày 10/9/2023 với tổng giá trị phát hành gần 15.000 tỉ đồng.

Nguồn: Thùy Linh/BNews

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-mua-trai-phieu-cua-van-thinh-phat-doi-mat-voi-nguy-co-nao-179221010155752948.htm