Người Mông ở Si Ma Cai mở Lễ cúng rừng đầu năm
Lễ cúng rừng là dịp để tuyên truyền vận động người dân chung tay góp sức bảo vệ, gìn giữ rừng, không săn bắn động vật, không chặt phá rừng bừa bãi.
Lễ cúng rừng - gắn tín ngưỡng với tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng ở Lào Cai
Tại xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), vào ngày 2 tháng 2 âm lịch, đồng bào dân tộc Mông tập trung tại khu rừng thiêng của xã để tổ chức Lễ cúng rừng đầu năm.
Lễ hội mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới một gốc cây cổ thụ.
Lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm một cặp gà trống mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.
Đến giờ lành, mọi người kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phía và khấn mời Thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
Sau đó, một số thanh niên được cắt cử từ trước sẽ thực hiện các nghi lễ khác lên gốc cây cổ thụ.
Sau nghi lễ cúng tế Thần rừng, người dân các thôn, bản tập trung dưới khu rừng thiêng của thôn mình để bàn bạc xây dựng bổ sung các bản hương ước của năm trước cho phù hợp.
Kết thúc buổi lễ, người dân cùng mổ lợn liên hoan.
Sau lễ cúng rừng, sẽ thực hiện cấm rừng trong ba ngày. Theo tập tục, những ngày này mọi người không được đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không động thổ để thần rừng được nghỉ ngơi.
Nghi lễ cúng rừng đã có từ rất lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Mông ở các xã trên địa bàn huyện Si Ma Cai.
Ngoài việc cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, còn là dịp để tuyên truyền vận động người dân chung tay góp sức bảo vệ, gìn giữ rừng, không săn bắn động vật, không chặt phá rừng bừa bãi.
Ông Thào A Tráng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Chéng cho biết, nghi lễ cúng rừng là nét văn hóa truyền thống, gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp Việt Nam, theo đó người dân luôn tin rằng có thần rừng cai quản, che chở, phù hộ cho người dân sống trong khu vực được mạnh khỏe, bình yên, làm ăn phát triển, no ấm, hòa thuận, hạnh phúc.
Cũng theo ông Thào A Tráng, đây là nghi lễ có giá trị văn hóa truyền thống, đáng được lưu giữ và phát huy tại địa phương, góp phần bảo vệ rừng cấm, rừng thiêng, rừng đầu nguồn, tăng tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương.
Lễ cúng rừng của người Mông ở Si Ma Cai được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2021.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-mong-o-si-ma-cai-mo-le-cung-rung-dau-nam-179240313091122719.htm