Người dân khổ sở xếp hàng mua xăng
Những ngày gần đây, xuất hiện nhiều tình trạng người dân xếp hàng dài chờ mua xăng. Nhiều cây xăng đóng cửa ngừng bán, ảnh hưởng không nhỏ đến nhịp sống của người dân. Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan địa phương đều khẳng định đủ xăng cung ứng cho thị trường.
Người dân gặp khó khi hàng loạt cây xăng đóng cửa
Từ cuối tuần, tại nhiều cây xăng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu xuất hiện cảnh chen lấn. Thậm chí, người dân đi tới 10 cây xăng mới có thể mua được xăng. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ngày 10/10, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết qua kiểm tra, xác định tính tới 17 giờ cùng ngày, có 121 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu với lý do chính là đã đặt xăng nhưng phía đơn vị cung cấp chưa phản hồi, hoặc chưa thông tin về thời gian giao hàng. Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số cửa hàng xin đóng cửa hoặc tạm ngừng bán tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến.
Trên địa bàn TP.HCM có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%).
Được biết, các cửa hàng hết xăng nằm trên địa bàn thành phố Thủ Đức và 17/21 quận, huyện; trong đó, Quận 12 có 17 cửa hàng, thành phố Thủ Đức 21 cửa hàng, quận Bình Tân 15 cửa hàng, huyện Củ Chi có 14 cửa hàng tạm hết xăng. Ngoài ra còn có 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động.
Hiện, đã có 9 cửa hàng thông báo đã nhập được xăng để tiếp tục kinh doanh. Trong số đó có 3 cửa hàng ở quận Bình Thạnh và 4 ở thành phố Thủ Đức.
Cảnh người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng tại các cây xăng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thực tế đáng lo ngại khi vấn đề hết xăng không chỉ xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn xuất hiện tại nhiều tỉnh thành khác.
Cụ thể, ngày 10/10, người dân trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và một số vùng phụ cận thuộc tỉnh Bình Dương cũng đổ xô ra các cây xăng xếp hàng chờ mua xăng. Nguyên nhân của việc ùn ứ này được cho là do nhiều cây xăng trên địa bàn đồng loạt nghỉ bán.
Thậm chí, tình trạng này được ghi nhận đã xảy ra từ hơn một tuần qua, nhưng đến hôm nay đã trở nên phổ biến tại nhiều cây xăng trên những trục đường chính tại tỉnh Bình Dương.
Tương tự, tỉnh Ninh Thuận cũng xuất hiện tình trạng này khi hàng loạt cây xăng treo biển hết xăng, tạm ngừng chờ nhập hàng, hoặc bán cầm chừng. Lượng người mua xăng đổ về quá đông, vì vậy để đáp ứng nhu cầu người dân, thậm chí có nhiều trạm xăng tại đây chỉ bán tối đa 30.000 đồng/lần/xe máy.
Không chỉ xảy ra tại các tỉnh phía Nam, tình trạng này đã "lan" cả ra thủ đô Hà Nội. Khi trong tối 10/10, hàng loạt cây xăng trên địa bàn thành phố đều xuất hiện cảnh người dân xếp hàng dài, xe máy nối đuôi nhau chờ vào đổ xăng.
Người dân thủ đô xếp hàng dài tại các cây xăng vào giờ tan tầm ngày 10/10. Ảnh: Huy Minh, Tuyết Trinh
Không thiếu nguồn cung xăng
Trước tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa, người dân phải xếp hàng dài đợi mua xăng, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định tình hình kinh doanh xăng dầu vẫn tương đối ổn định, tuy nhiên tình hình thiếu nguồn xăng dẫn đến phát sinh một số cửa hàng không còn xăng để bán. Các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.
Cục đã tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường giám sát đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.
Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Với tình hình tại Bình Dương, ông Đoàn Minh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - đơn vị cung cấp đầu mối xăng dầu lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ khẳng định vẫn duy trì đảm bảo cung ứng xăng dầu đầy đủ ra thị trường.
Ông này thông tin có nhiều cây xăng trên địa bàn thuộc hệ thống cung cấp xăng dầu của công ty khác nghỉ bán là do một phần trước đó, Sở Công Thương Bình Dương tạm rút giấy phép một số cửa hàng xăng dầu đang chuyển đổi công năng vì không đủ điều kiện, nên đã xảy ra tình trạng người dân tập trung lại các cây xăng còn lại, gây ra tình trạng đông đúc tại đây.
Ông Quang khẳng định nguồn cung xăng không thiếu, nhưng do nhiều cửa hàng xăng dầu bị lỗ trong thời gian gần đây vì giá dầu thế giới tăng trở lại.
Tại Ninh Thuận, Sở Công Thương tỉnh này cho biết đã nhận được 13 đơn đề nghị ngừng bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Để đối phó với tình hình thiếu xăng, Sở Công Thương tỉnh này đề nghị các doanh nghiệp thuộc hệ thống thương nhân đầu mối trên địa bàn tỉnh chia sẻ nguồn cung hợp lý cho các đơn vị nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-dan-kho-so-xep-hang-mua-xang-bat-chap-nhung-no-luc-on-dinh-179221010201709055.htm