Ngộ độc lá Lộc mại

07:34 - 06/08/2022

Năm nào cũng có gần chục ca ngộ độc Lộc mại và không ít ca cận kề tử vong. Nhưng hình như người dân vẫn theo lối mòn nguy hiểm là tự ý dùng trong khi không biết liều lượng bao nhiêu sẽ gây nguy hiểm!

Nhập viện vì uống lá Lộc mại

Ngày 25/7, bé L.T.K, 32 tháng tuổi, ở huyện Quế Phong, Nghệ An, vào bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An với biểu hiện da xanh nhợt, khó thở, tỏ vẻ rất mệt mỏi. Xét nghiệm định lượng thấy huyết sắc tố 32g/l - mức rất thấp.

Huyết sắc tố (Hemoglobin) - thành phần quan trọng tạo nên hồng cầu, là một protein gồm nhân heme (tiếng Hy Lạp nghĩa là máu, có bốn vòng Porphyrin - một loại protid, một ion Fe²⁺, được sản xuất ở tủy xương và gan) màu đỏ và globin (cũng là protein), có chức năng vận chuyển Oxy và Carbonic. Hàm lượng huyết sắc tố bình thường ở người trưởng thành là 135gam/lít máu (nam) và 120gam/lít máu (nữ); với trẻ 6 - 59 tháng tuổi phải đạt 110gam/lít máu, 70gam/lít máu đã là thiếu máu nặng. 

Người nhà khai, trước khi vào viện một ngày, đã cho bé uống lá Lộc mại để chữa đi ngoài. Sau đó, nước tiểu bé đi màu đỏ, mệt mỏi nhiều, chán ăn, da xanh nhợt. Bác sĩ chẩn đoán ngộ độc lá Lộc mại, tan máu cấp, thiếu máu nặng. Bé phải truyền cấp cứu 2 đơn vị khối hồng cầu (khối hồng cầu là máu ly tâm, bỏ đi 80 - 90% huyết tương, thêm vào các dịch nuôi hồng cầu; 1 đơn vị khối từ 150 - 200ml), sau 5 ngày điều trị, tình trạng thiếu máu của bệnh nhi cải thiện tốt. 

Đáng nói là từ đầu năm đến nay, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đã chữa 5 ca ngộ độc do dùng lá Lộc mại chữa bệnh. Các cháu hầu hết đều nguy kịch do tan máu cấp, thiếu máu rất nặng.

Ngộ độc lá Lộc mại - Ảnh 1.

Lá cây Lộc mại. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cây Lộc mại là cây gì?

Cây Lộc mại (Mercurialis indica Lour, họ Thầu dầu - Euphorbiaceae), có nhiều tên gọi khác: Lục mại, Mọ trắng, rau Mại, rau Mọi, Du Mại; có các loại Lộc mại trái láng (bóng), Lộc mại lá dài, Lộc mại nhỏ; là cây thân gỗ, cao 2 - 3 mét đến 15 mét; mọc hoang nhiều các tỉnh miền núi: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình...

Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi (1919 - 2008), Nhà dược học nổi tiếng, "cây đại thụ" y học cổ truyền Việt Nam, thì các tinh chất và tác dụng dược lý của cây Lộc mại chưa có tài liệu nghiên cứu. 

Lộc mại là một vị đông dược, tính bình, liều thấp tác dụng nhuận tràng, liều cao tác dụng tẩy; tiêu độc, sát trùng; nhân dân dùng Lộc mại chữa táo, kiết lỵ cấp, đau bụng, vàng da, lở ngứa; châu Âu dùng để phá thai và làm mất sữa… 

Biểu hiện của ngộ độc Lộc mại

Ngộ độc biểu hiện nhịp tim nhanh; mệt yếu; da xanh; ăn không tiêu, đầy bụng, đau bụng do viêm dạ dày, ruột; phân lỏng hoặc táo; viêm thận; tiểu rắt, tiểu buốt; nước tiểu màu đỏ hoặc sẫm màu như cocacola do có nhiều nhân heme bị tiêu hủy, giải phóng Porphyrin; ly tâm nước tiểu không có hồng cầu. Nếu bệnh nặng, tan máu quá nhiều có thể tử vong, nhất là những người thuộc nhóm máu hiếm AB (khoảng 4% dân số) và Rh (-). 

Ngoài hệ nhóm máu A, B, AB và O (zero - vì hồng cầu không chứa kháng nguyên a và b) còn có gần 30 hệ nhóm máu khác (hay gọi là các yếu tố dưới nhóm máu), trong đó yếu tố Rh là quan trọng nhất. 

Yếu tố này được bác sĩ Karl Landsteiner (1868 - 1943, Viện giải phẫu bệnh lý, đại học Viên, Austria, giải Nobel y học 1930) và Alexander S.Wiener (1907 - 1976, người New York, Mỹ, phát hiện năm 1937, khi tiêm hồng cầu khỉ Macacus Rhesus (khỉ nâu) cho thỏ, để gây miễn dịch với hồng cầu khỉ Rhesus. Lại lấy huyết thanh thỏ đã miễn dịch với hồng cầu khỉ trộn với hồng cầu người, thấy ngưng kết (đông vón) hoặc không. Họ gọi hiện tượng ngưng kết là yếu tố Rh (+) - viết tắt chữ Rhesus, không ngưng kết là yếu tố Rh (-). Sau này Rh được xác định là những protein di truyền mang tính kháng nguyên (giống như kháng nguyên a của nhóm máu A, b của máu B và ab của máu AB) có trên bề mặt hồng cầu. 

Đã điều tra được tỷ lệ máu Rh (+) ở người da trắng là 85%, người Phi da đen là 100%, người Mỹ da đen là 95%, người Việt là 99,96%, nghĩa là Rh (-) ở người Việt rất hiếm: 0,04%. Thực chất, Rh gồm 13 kháng nguyên, quan trọng nhất là kháng nguyên d, khi hồng cầu có kháng nguyên d thì máu là Rh (+), không có kháng nguyên d thì máu là Rh (-). Máu Rh d (-) có thể truyền cho người máu Rh d (+) cùng nhóm máu ABO mà không ngưng kết hồng cầu, nhưng người có máu Rh d (-) chỉ được nhận máu từ người cùng nhóm máu ABO và Rh d (-). 

Cha có máu Rh d (+), mẹ có máu Rh d (-) mang thai lần thứ nhất, có ít nhất 50% bào thai mang máu Rh d (+). Thai mang nhóm máu Rh D (+) vẫn phát triển bình thường cho đến khi sinh nếu trong thai kỳ bánh nhau không bị tổn thương. Từ lần thứ 2 trở đi, nếu thai vẫn là máu Rh d (+) sẽ có bất đồng nghiêm trọng máu mẹ - con, vì lần mang thai đầu cơ thể mẹ đã sinh kháng thể chống Rh d (+). Kháng thể qua bánh nhau làm tan máu thai, gây sảy, thai lưu, sinh non hoặc sinh trẻ thiểu năng trí tuệ.

Đặc biệt, trẻ có bệnh bẩm sinh thiếu men Glucose-6-phosphat dehydrogenase (G6PD), tan máu do Lộc mại sẽ tiến triển rất nhanh, trầm trọng, tử vong nhanh. Thiếu men Glucose-6-phosphat dehydrogenase là bệnh di truyền lặn ở nhiễm sắc thể X, với hơn 140 đột biến gene, tỷ lệ mắc ở trẻ trai cao hơn trẻ gái. Men này giúp duy trì bền vững màng tế bào, đặc biệt là màng hồng cầu, chống lại các chất oxy hóa trong thức ăn, thuốc, các tác nhân gây bệnh ngoại lai và stress. 

Người thiếu men này hồng cầu dễ vỡ (tan máu) khi sốt, dùng một số thuốc, thực phẩm có chất oxy hóa mạnh. Đặc biệt dị ứng nặng với đậu Fava (đậu răng ngựa, đậu tằm), do có các Alkaloid: Vicine, Isouramil, Covicine thúc đẩy mạnh tán huyết. Bệnh còn gọi là Favism với khoảng 400 triệu người toàn cầu mắc. Người thiếu men Glucose-6-phosphat dehydrogenase khi ăn, uống phải những thứ có chất oxy hóa mạnh sẽ đột ngột sốt cao, đau đầu, đau bụng, đau thắt lưng, nhịp tim nhanh, khó thở. Tan máu gây vàng da, vàng mắt, suy thận. 

Đặc biệt, nếu ngộ độc Lộc mại ở sơ sinh 2 tuần tuổi (truyền qua sữa mẹ) sẽ rất nguy hiểm do kết hợp với vàng da do tan máu sinh lý (có ở mọi trẻ), có thể dẫn đến bại não, thiểu năng tâm thần.

Người lớn cũng lâm nguy với Lộc mại

Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng lâm nguy với Lộc mại. Khoa Nội, Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu, Nghệ An, phải cấp cứu anh L.V.C, sinh năm 1985, ở bản Tà Sỏi, Quỳ Châu, Nghệ An, ăn lá Lộc mại bị ngộ độc. Anh này nhập viện trong tình trạng mệt lả, nước tiểu đỏ, đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng nhiều lần, không ăn uống được, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. 

Trước đó, anh C ăn rau sống trong đó có lá Lộc mại để gói thịt. Xét nghiệm thấy men gan gấp 4 lần bình thường; chỉ số huyết sắc tố giảm nặng… Trước anh C, Trung tâm y tế Quỳ Châu cấp cứu 4 ca ngộ độc vì lá Lộc mại. 

Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bệnh viện Hữu nghị Nghệ An, điều trị cho anh L.T.N, sinh năm 1980, ở huyện Con Cuông, Nghệ An, bị thiếu máu nghiêm trọng do tan máu cấp. Anh N bị táo từ lâu, gần đây tần xuất táo dày lên, nghe theo truyền miệng dân gian uống nước lá Lộc mại sẽ khỏi. Anh nấu canh loáng thoáng lá Lộc mại để ăn, thấy hiệu quả nên sắc trong ấm lớn để uống. Rồi thấy rất mệt mỏi, sốt, vàng da, chóng mặt… 

Tháng 5 mới đây, một thanh niên 28 tuổi, sau ăn lá Du Mại bị vàng da, vàng mắt; tiểu ít, nước tiểu màu đỏ; rất mệt mỏi, phải vào khoa Hồi sức - chống độc, bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Xét nghiệm thấy thiếu máu nặng; suy gan, tổn thương thận cấp, rối loạn nước - điện giải trầm trọng.

Năm nào cũng có gần chục ca ngộ độc Lộc mại và không ít ca cận kề tử vong, nhưng hình như người dân vẫn theo lối mòn nguy hiểm là tự ý dùng trong khi không biết liều lượng bao nhiêu sẽ gây nguy hiểm!



Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngo-doc-la-loc-mai-179220805163226838.htm