Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học

12:25 - 27/04/2023

Phạm Sĩ Long, chàng trai sinh năm 1988 vốn là một người khuyết tật có nghị lực rất lớn khi vượt qua được những khiếm khuyết bản thân để trở thành một diễn giả truyền cảm hứng. Không chỉ có vậy, mới đây Long còn được vinh danh là một trong những người khuyết tật tiêu biểu của cả nước.

img

Phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học vừa có cuộc trò chuyện cùng với Phạm Sĩ Long để hiểu hơn hành trình đầy gian khó mà chàng trai quê Hà Tĩnh này đã trải qua.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Chào Phạm Sĩ Long! Được biết, từ khi sinh ra đến khi trở thành một thiếu niên thì Long là một người hoạt bát, lanh lợi và thông minh. Tuy nhiên, vụ tai nạn đáng tiếc 20 năm trước đã cướp đi của Long gần như tất cả…

Phạm Sĩ Long: Xin cảm ơn phóng viên, thật ra trước kia tôi hoạt bát, lanh lợi thì có. Còn thông minh thì không dám nhận đâu (cười).

Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học - Ảnh 1.

Phạm Sĩ Long (áo đỏ) - chàng trai đã vượt lên số phận với nghị lực phi thường.

Khoảng 15h ngày 2/9/2003, khi tôi đi chăn bò ở cánh đồng trước nhà, chỉ vì hiếu động mà tôi đã trèo lên cây phi lao rồi không may bị ngã từ trên cao xuống đất theo hướng đâm thẳng đầu xuống. Cú ngã làm hai hàm răng tôi cắn vào nhau, gãy hàng loạt răng của cả hai hàm và còn cắn đứt một đoạn lưỡi, khiến cho lúc đó tôi không thể nói ra tiếng được. Nhưng nghiêm trọng nhất là bị dập hai đốt sống cổ, nên tôi không thể nào cử động được nữa.

Những người chứng kiến chỉ thấy máu và răng rơi rớt từ trong miệng tôi ra mà không hề biết là cổ của tôi đã bị gãy. Khi nghe mọi người bàn tán nhanh chóng bế tôi đi cấp cứu, tôi đã rất lo lắng, bởi tôi đọc đâu đó là đã bị gãy xương thì cần phải cố định lại chứ không được tác động trực tiếp vào. Tôi không nói ra tiếng được, tôi chỉ biết cử động môi và cố gắng ra hiệu nhưng tiếc là mọi người lại cho rằng tôi không còn đủ tỉnh táo nữa nên họ vẫn cử người bế tôi đưa đi viện.

Bạn có thể tưởng tượng được lúc đó tôi đã phải chịu nỗi đau đớn đến thế nào không? Xương cổ của tôi đã bị dập nát rồi mà còn bị bế võng lên, hết đi rồi lại chạy, khiến cho dọc đường đầu của tôi cứ giống như quả bóng bị tâng lên rồi lại rơi xuống, liên tục. Bất lực vì không ai hiểu mình, bất lực với nỗi đau khủng khiếp đó nên không biết đã bao nhiêu lần tôi thầm ước mình có thể ngất đi và thậm chí là chết đi chứ tôi không muốn phải chịu đựng nỗi đau ấy thêm phút giây nào nữa. Nhưng có lẽ ông trời muốn tôi phải cảm nhận hết nỗi đau khủng khiếp đó nên càng đau đớn bao nhiêu thì tôi lại càng tỉnh táo bấy nhiêu.

Cũng vì vụ tai nạn ấy đã khiến cho tôi bị liệt và mất cảm giác từ vai xuống.

Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học - Ảnh 2.

Phạm Sĩ Long trong sự kiện vinh danh người khuyết tật tiêu biểu.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Tỉnh dậy sau khi bị tai nạn, biết mình đã trở thành một người khuyết tật, khi đó suy nghĩ của Long thế nào? Rất nhiều người có chung hoàn cảnh như bạn, khi hỏi họ tỏ ra buông xuôi, thậm chí muốn chấm dứt cuộc sống để cho không là gánh nặng với những người xung quanh…

Phạm Sĩ Long: Lúc đó, không hiểu sao tôi lại thấy sợ màu trắng và độ cao. Bất cứ thứ gì có màu trắng trong phòng của tôi hay trong tầm mắt của tôi đều phải đổi hết.

Vì biến cố xảy ra khi tôi đang ở độ tuổi trưởng thành, vậy nên điều khó khăn nhất đối với tôi chính là khủng hoảng tâm lý. Mỗi khi ở nhà một mình là tôi đều khóc vì tủi thân, vì sợ hãi. Tủi thân khi mình phải nằm liệt một chỗ, chẳng thể nào nhúc nhích được nữa. Trước kia tôi năng động, hoạt bát bao nhiêu thì giờ tất cả mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người khác. Những việc khác còn đỡ, nhưng việc tắm rửa, vệ sinh, thay quần áo… là những việc vô cùng tế nhị mà bình thường không ai để cho người khác nhìn thấy hay động chạm vào. Nhưng lúc đó tôi lại chỉ có thể nhìn người khác làm cho mình. Thật sự rất xấu hổ, tủi nhục.

Còn sợ hãi là vì có cảm giác sợ bị bỏ rơi. Và hầu như mỗi lần như vậy tôi đều nổi điên lên, khi mẹ về là tôi trút lên đầu mẹ những lời nặng nề, những hành động khiến cho mẹ bị tổn thương. Nhưng mẹ chưa từng oán trách tôi, bởi mẹ hiểu được rằng trong tôi đang đau đớn.

Thời gian đầu tôi hay nhớ, hay mơ về vụ tai nạn ấy và tôi lại có khả năng nhớ rất rõ từng chi tiết nên cảm giác như đang diễn ra vậy. Nó ám ảnh tôi trong suốt một thời gian dài.

Và một trong những khó khăn thời điểm đó của tôi chính là sự mặc cảm về tội lỗi. Tôi ân hận và tự trách vì mình là đứa con bất hiếu, vì đã khiến cho cha mẹ, cho chị em và mọi người phải lo lắng, vất vả, khổ sở vì tôi. Khiến cho gia đình gần như tuyệt vọng với tương lai khi tôi, đứa con trai duy nhất, đứa cháu đích tôn của ông bà đã trở thành người khuyết tật, phải nằm liệt một chỗ. Tôi cũng đã từng tìm đến cái chết để giải thoát cho mình và cho cả những người thân yêu nữa.

Nhưng rồi dần dần tâm lý của tôi cũng ổn định lại, nhìn thấy mọi người, nhất là mẹ phải ngày đêm vất vả để chăm sóc cho tôi, khiến tôi nhận ra mình không thể nào quay ngược trở lại quá khứ để thay đổi chuyện đã xảy ra, không thể nào thay đổi được số phận là người khuyết tật. Tôi đã biết chấp nhận số phận, nhưng tôi lại không muốn đầu hàng số phận. Tôi hy vọng cha mẹ và mọi người không phải buồn bã, đau khổ vì tôi nữa. Vậy nên từ đó tôi không còn sợ, không còn khóc nữa, dù ở nhà một mình cả ngày thì tôi cũng nằm hát hò thôi.

Tôi muốn hiến mình cho y học, dù thành công hay thất bại cũng đều có ý nghĩa!

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Được biết, đã có thời gian Long có ý định hiến đầu mình cho y học. Xuất phát từ đâu mà Long có ý tưởng này? Nếu thật sự y học thực hiện được kỹ thuật ghép đầu, thời điểm này Long có còn ý định đó không?

Phạm Sĩ Long: Trước kia, bây giờ hay sau này cũng vậy. Cho dù chỉ có 1% hy vọng thì tôi vẫn muốn thực hiện. Bởi vì đó là cơ hội duy nhất để tôi có thể tự mình đi, đứng được trên đôi chân của mình, tự mình bưng cơm ăn, nước uống được. Nếu như ca phẫu thuật không thành công thì tôi cũng không sợ, tôi cũng nguyện hiến toàn bộ cơ thể của mình cho y học. Biết đâu nhờ có ca phẫu thuật thất bại của tôi mà những ca sau lại thành công thì sao. Sống hay chết cũng đều rất ý nghĩa. Vậy nên dù thành hay bại thì tôi vẫn sẽ làm.

Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học - Ảnh 3.

Phạm Sĩ Long trong vai trò diễn giả truyền cảm hứng.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Kể từ khi bị tai nạn, bao lâu sau thì Long mới tìm được sự cân bằng trong cuộc sống? Động lực nào giúp Long có thể vượt lên khiếm khuyết cơ thể, vượt lên số phận để bắt đầu cho một hành trình mới, với những hy vọng mới ở phía trước?

Phạm Sĩ Long: Có lẽ bạn cũng biết, tâm bệnh thì chỉ có tâm dược mới chữa được, mà môi trường sống và gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng giúp tác động trực tiếp đến người bệnh. Và thật may mắn khi tôi vừa được sống trong môi trường yên tĩnh với không khí trong lành của vùng quê nghèo. Vừa có một gia đình đầy ắp tình yêu thương. Nhưng bởi vì bị nạn khi đang ở độ tuổi trưởng thành, độ tuổi được xem là đẹp nhất, năng động nhất với biết bao ước mơ, hoài bão lớn lao cho tương lai. Vậy nên tình trạng càng nghiêm trọng bao nhiêu thì cú sốc tâm lý càng lớn bấy nhiêu. Vì thế nên tôi đã phải mất đến vài năm sau mới có thể ổn định lại được tâm lý.

Cũng giống như tôi đã nói ở trên, nhờ có tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, đặc biệt là bố mẹ, nên dần dần tôi đã biết chấp nhận số phận của mình, tôi phải làm điều gì đó để mọi người được vui hơn, yên tâm về tôi hơn.

Ngoài gia đình, thì thiết nghĩ một phần lớn cũng là nhờ bản tính vô tư, hồn nhiên, yêu đời của tôi trước kia đã kịp thời trỗi dậy, dù biến cố xảy ra lớn như vậy, đã hoàn toàn thay đổi vận mệnh, số phận của cuộc đời tôi, đúng là "bản tính khó dời" (cười).

Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học - Ảnh 4.

Chàng trai nghị lực luyện viết chữ bằng miệng.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Được biết, dù tay chân không cử động được nhưng Long vẫn có thể viết chữ bằng miệng, thậm chí sau đó còn viết sách, viết thơ bằng miệng. Vậy quá trình tập luyện để đạt được thành quả đó khó khăn như thế nào?

Phạm Sĩ Long: Sau 4 năm bị nạn, tôi nghĩ: "Không lẽ cả đời mình chỉ suốt ngày nằm ăn và ngủ qua ngày thôi sao? Không lẽ mình thật sự hoàn toàn vô dụng rồi sao?"

Với thân hình bại liệt gần như hoàn toàn, chỉ còn mỗi cái đầu nữa thì liệu tôi có thể làm được việc gì đây? Sau bao nhiêu ngày đêm vắt óc suy nghĩ vẫn không biết mình có thể làm được gì. Nhưng rồi một ngày đẹp trời, tôi đang nằm hoài niệm về những kỷ niệm, trong đó có kỷ niệm hồi lớp 5 làm bài kiểm tra môn lịch sử, tôi và một người bạn cùng bàn được điểm cao nhất lớp. Tuy bài của cả hai đều giống nhau, nhưng tôi chỉ được 6 điểm, còn bạn ấy lại được 8 điểm. Lý do là vì chữ của tôi quá xấu, làm cô phải dịch mãi… 

Rồi bỗng nhiên tôi lại ước gì bây giờ mình cũng có thể viết được thì mình sẽ cố gắng luyện tập để chữ đẹp hơn. Nhưng, tôi nhìn 2 cánh tay của mình… Cũng không hiểu sao cái suy nghĩ có thể viết được cũng từ đó cứ ám ảnh tâm trí của tôi. Nghĩ đi nghĩ lại thì chỉ còn mỗi cái miệng thôi, nhưng miệng thì làm sao mà viết được, tôi mới chỉ biết có người viết bằng chân thôi, còn viết bằng miệng thì chưa. Nhưng rồi một ngày nọ tôi nghĩ sao mình không thử dùng miệng ngậm bút để tập viết xem sao? Vậy nên tôi liền quyết định nhờ mẹ dựng sổ và bút cho mình tập viết.

Tôi không biết dùng chân kẹp bút để viết thì khó khăn ra sao. Nhưng dùng miệng ngậm bút để tập viết thì không hề đơn giản, không chỉ rất khó để có thể điều khiển được ngòi bút di chuyển theo ý của mình, mà quãng thời gian đầu hai hàm răng của tôi vừa đau buốt, mà miệng của tôi còn thường xuyên bị lở loét, có những thời điểm tôi đã phải húp nước cháo loãng đến hơn nửa tháng, chỉ vì luyện chữ.

Ngoài ra, vì phải dựng sổ sang một bên để viết, nên rất mỏi, rất đau nhức cổ. Rồi vì mắt phải ghé sát vào sổ nên cũng thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt nữa. Nhưng rồi sự kiên trì của tôi cũng đã được đền đáp. Ban đầu nét chữ nguệch ngoạc, nhưng sau gọn dần và khi "cầm" chắc bút bằng miệng tôi còn vẽ tranh. Sau này tôi còn học đánh máy bằng miệng trên các thiết bị điện tử.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Long đã có rất nhiều tác phẩm đến với bạn đọc muôn nơi, hiện đã có được bao nhiêu tập thơ, truyện ngắn hay hồi ký được xuất bản? Long có thể chia sẻ nội dung các tác phẩm của mình?

Phạm Sĩ Long: Tôi có 367 bài thơ, 6 truyện dài, 4 quyển sổ tự truyện. Nhưng hiện tại tôi mới chỉ xuất bản được một tập thơ gồm 32 bài mang tên Miền khát vọng, do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2013, được tái bản 3 lần, và lần gần nhất là năm 2020 do Nhà xuất bản Nghệ An tái bản.

Còn có một tập truyện dài mang tên Không chỉ là giấc mơ, do Nhà xuất bản Nghệ An xuất bản năm 2020.

Những tác phẩm của tôi có rất nhiều chủ đề khác nhau, về bản thân tôi, về tình yêu, về cha mẹ, về trường lớp.

Những nét chữ, bức tranh đẹp của chàng trai khuyết tật luôn vươn lên không ngưng nghỉ.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Khi các cuốn sách được xuất bản, độc giả đón nhận tác phẩm của Long như thế nào? Được biết mới đây, Long còn viết kịch bản và làm diễn viên luôn cho bộ phim tự sản xuất, Long có thể bật mí cho đọc giả được biết về bộ phim này?

Phạm Sĩ Long: May mắn là hai quyển sách - hai đứa con tinh thần của tôi đã được rất nhiều người đón nhận, đặc biệt là có rất nhiều trường cấp 2, cấp 3 đã mua và được các bạn học sinh yêu thích. Những tác phẩm của tôi được nhận xét là không quá kỹ thuật, không quá văn vẻ, hoa mỹ. Tất cả đều rất đời, rất thực nên dễ chạm vào lòng độc giả. Tất nhiên là cũng có những lời góp ý giúp tôi rút ra kinh nghiệm để những tác phẩm sau được hay hơn.

Nói về bộ phim ngắn của tôi thì lúc đầu tôi chỉ định làm một vở kịch ngắn về tình cha con, do tôi và một cô bé học trò đóng, mỗi người tự quay video rồi ghép lại. Nhưng khi đặt bút viết kịch bản thì tôi nghĩ "cái gì cũng phải có đầu có đuôi, có cha, có con thì cũng phải có vợ, có mẹ…". Vậy nên bộ phim đã được mở rộng ra. Tiếc là bộ phim cần ghi hình trực tiếp chứ không thể quay video riêng rồi ghép lại, mà nhân vật đóng vai người con thì lại ở quá xa, không thể về gần với tôi được. Đến giờ vẫn chưa có ai nhận đóng vai người con. Vậy nên tôi đành phải thay đổi, tạm thời chỉ làm hai phần đầu, nói về mối tình đẹp, do tôi và một cô học trò thủ vai. Tôi phải đổi tên tác phẩm từ "Tình cha và con gái" thành "Nợ duyên". 

Đây là lần đầu tiên tôi viết kịch bản phim và cũng không được đầu tư về các thiết bị ghi hình chuyên dụng, cũng không có chuyên gia ghi hình. Tôi và cô học trò cũng là lần đầu tiên đóng phim nên nhiều thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Nhưng chúng tôi đã rất cố gắng để hoàn thành tốt nhất có thể bộ phim này rồi. Tôi hy vọng bộ phim này cũng sẽ là một bước đột phá cho tương lai của tôi.

Có rất nhiều người đã nói với tôi rằng, người khuyết tật như tôi thì không nên yêu, không nên lập gia đình, bởi vì sẽ làm khổ đối phương. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Qua bộ phim này, vừa gửi gắm một mối tình đẹp, một gia đình hạnh phúc trong mơ của tôi. Vừa mong muốn mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật như tôi đều hiểu rằng, dù là người khuyết tật, nhưng chúng tôi cũng có quyền yêu và được yêu, quyền được mưu cầu hạnh phúc. Chỉ cần mình sống có ích cho đời, có niềm tin và hy vọng thì rồi hạnh phúc cũng sẽ đến với mình. 

Hiện tại phim đã quay xong và đang trong quá trình biên tập, mà tôi cũng chính là người biên tập video luôn. Vẫn còn thiếu một số cảnh quay nữa nên dự kiến khoảng vài tháng tới sẽ xong và được đăng lên kênh youtube của tôi. Hy vọng lúc đó bạn cùng mọi người sẽ đón xem và cho tôi ý kiến khách quan nhất.

Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học - Ảnh 6.

Phạm Sĩ Long cũng các gương người khuyết tật tiêu biểu được vinh dự đến thăm Văn phòng Chủ tịch nước.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Với những cống hiến cho xã hội, và cả sự đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ người cùng cảnh ngộ, Long vinh dự là một trong số các gương mặt người khuyết tật tiêu biểu của cả nước được vinh danh “Tỏa sáng nghị lực Việt” - Long đón nhận sự vinh danh ấy như thế nào?

Phạm Sĩ Long: Đầu tiên tôi đã rất bất ngờ khi nhận được tin mình có tên trong danh sách. Ngàn lời biết ơn đến các đồng chí cán bộ đoàn xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã luôn quan tâm đến những người khuyết tật như tôi. Các đồng chí ấy đã đề cử tôi lên tỉnh và trung ương, rồi tôi đã được chọn. Tôi thật sự rất hạnh phúc, rất biết ơn.

Tôi còn hạnh phúc hơn, vinh dự hơn khi được đến tận Văn phòng Chủ tịch nước, được gặp Phó Chủ tịch nước và các vị lãnh đạo của đất nước. Tôi còn được lên sân khấu, trước hàng trăm người để chia sẻ về câu chuyện của mình. Đó là điều mà trước kia tôi chưa từng dám nghĩ tới.

Tôi biết ơn mọi người đã giúp tôi tham gia chương trình ý nghĩa ấy, biết ơn các anh chị em phóng viên báo chí đã lan tỏa sự nỗ lực của tôi, biết ơn những người thân, người bạn, những học trò đã hỗ trợ cho tôi, đã ủng hộ và cùng chung vui với tôi. Nhưng, người mà tôi thấy biết ơn nhất chính là mẹ của tôi, nếu không có tình yêu thương không gì đong đếm được từ mẹ, không có sự hy sinh cao cả của mẹ thì cũng sẽ không có tôi của hôm nay. Mẹ không chỉ là người "ban cho tôi sự sống mà còn là người đã cứu vớt cuộc đời tôi".

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Giờ đây Long còn được biết đến là một diễn giả có rất nhiều người yêu mến, vậy trong mỗi lần trò chuyện, Long mong muốn truyền tải nhất tới mọi người điều gì? Từ một người từng tự ti với bản thân, để rồi trở thành diễn giả truyền cảm hứng, Long đã học và rèn luyện như thế nào?

Phạm Sĩ Long: Từ một người tưởng chừng như không còn có tương lai, một người tưởng  như vô dụng bỗng nhiên trở thành một diễn giả truyền cảm hứng, điều đó đã khiến cho rất nhiều người bất ngờ về sự thay đổi lớn này của bản thân. Thật ra cho đến bây giờ nhiều lúc tôi vẫn cứ ngỡ rằng đây chỉ là giấc mơ đẹp.

Hiện tại tôi đang là một diễn giả truyền cảm hứng trong Trung tâm thức tỉnh giọng nói bên trong bạn - do chính tôi mở ra. Nhờ có sự hỗ trợ từ các chuyên gia và các học viên mà Trung tâm của tôi đã hoạt động được hơn một năm với 8 khóa học.

Tôi cũng chia sẻ tới mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật như tôi hiểu rằng, có thể cơ thể chúng tôi bị khiếm khuyết, chúng tôi phải chịu rất nhiều thiệt thòi và được gọi là "người yếu thế", nhưng tôi tin rằng, mỗi người khuyết tật đều là một thiên tài, đều là một tấm gương truyền cảm hứng. Chỉ là họ có tự tin, có dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình để có thể tìm thấy và phát huy khả năng thiên tài của mình hay không.

Để trở thành một diễn giả truyền cảm hứng như bây giờ, tôi đã phải mất gần nửa năm vùi đầu vào học tập và rèn luyện. Và trong quá trình đó cũng chẳng dễ dàng gì khi tôi phải chịu rất nhiều những khó khăn, thử thách. Bởi đó cũng là thời điểm tôi bị gãy chân, sức khỏe rất yếu và nguy hiểm đến tính mạng nữa. Nhưng tất nhiên, như bạn thấy đó, tôi đã vượt qua được tất cả những khó khăn nên mới có kết quả như bây giờ.

Và có một điều chắc chắn rằng, tuy bây giờ tôi đã là một diễn giả, có rất nhiều lời khen dành cho tôi nhưng tôi không dám nhận mình giỏi mà vẫn luôn tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng từ các chuyên gia khác để luôn liên tục nâng cao hiểu biết và hoàn thiện mình.

Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học - Ảnh 7.

Hình ảnh trong phim do Long đạo diễn, sản xuất, kiêm diễn viên chính - nơi Long gửi gắm ước mơ về mái ấm gia đình đầy tình yêu thương.

Tôi vẫn có nhu cầu yêu và được yêu, được mưu cầu hạnh phúc cho mình

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Xin hỏi Long câu riêng tư Long có thể trả lời hoặc không, vài năm trước được biết Long có ý định lập gia đình và có không ít cô gái đã tình nguyện đến bên Long, nhưng, người ta đến rồi lại đi…

Phạm Sĩ Long: Có nhiều người nói tuy tôi nằm liệt một chỗ, nhưng lại rất đào hoa. Cho đến bây giờ tôi đã trải qua một số mối tình, một người cùng huyện với tôi, chỉ cách tôi khoảng 16km, sau đó lần lượt 3 người khác đều ở trong miền nam, cách xa tôi hơn 1.000km. Họ, có người từng có thời gian sống bên tôi, chăm sóc cho tôi, người đến với tôi vì tình yêu, người thì vì tình thương và cũng có người vì nỗi niềm riêng nào đó của họ. Về nguyên nhân chia tay, có người không vượt qua được áp lực của gia đình, nhưng thôi, có thể xem như là tôi chưa đủ tốt để giữ họ lại, hay là tôi chưa có duyên, chưa có phúc được làm chồng, làm cha.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Thời điểm hiện tại Long có ý định lập gia đình không?

Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học - Ảnh 8.

Các tác phẩm của Phạm Sĩ Long.

Phạm Sĩ Long: Đây là câu mà nhiều người đã từng hỏi tôi. Câu trả lời của tôi vẫn không có gì thay đổi, mặc dù có rất nhiều người, kể cả trong gia đình tôi phản đối, không muốn tôi nghĩ đến chuyện yêu đương, lập gia đình, vì tôi đã từng chịu nhiều tổn thương trong tình yêu rồi. Nhiều người phản đối là vì có quan điểm kỳ thị, rằng người khuyết tật như tôi mà lập gia đình là làm khổ thậm chí là làm hại đối phương. Nhưng tất nhiên là tôi vẫn có mong muốn được lập gia đình chứ! Bởi như tôi đã nói, dù là người khuyết tật, nhưng đầu óc của tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận thức và chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Tôi nghĩ, càng là người khuyết tật nặng thì nhu cầu yêu và được yêu lại càng cao.

Tuy cơ thể của tôi bị liệt, nhưng tâm sinh lý của tôi vẫn bình thường, tôi vẫn có nhu cầu yêu và được yêu, được mưu cầu hạnh phúc cho mình. Điều quan trọng là liệu tôi có thể gặp được người hữu duyên, thật lòng yêu thương và chấp nhận được hoàn cảnh của tôi, có thể vượt qua được áp lực từ gia đình mà đến với tôi hay không?! Dù là ai phản đối hay ủng hộ tôi thì họ cũng không thể buồn vui thay tôi được.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Dự định của Long trong thời gian tới là gì? Long có thể chia sẻ mong muốn lớn nhất của Long cho bản thân, gia đình và nhất là cộng đồng những người có hoàn cảnh giống như Long là như thế nào?

Phạm Sĩ Long: Tôi mong muốn bộ phim của tôi sớm được hoàn thành tốt nhất có thể và được nhiều người đón nhận.

Nghị lực phi thường của chàng trai muốn hiến đầu cho y học - Ảnh 9.

Phạm Sĩ Long và hành trình truyền năng lượng tích cực tới mọi người.

Tôi đang viết sách về những chuyến phiêu lưu mà tôi nghĩ vừa có chút điên rồ, nhưng cũng vừa được xem là kỳ tích của tôi trong năm 2022 và đầu năm 2023, với tựa đề "Chàng Rồng phiêu lưu ký". Tôi rất mong quyển sách sẽ sớm được hoàn thiện và sẽ đến với nhiều bạn đọc.

Tôi rất mong Trung tâm, các khóa học Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa, để tôi có thể giúp được nhiều người hơn nữa, đặc biệt là những học sinh, sinh viên, người khuyết tật như tôi trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn trong giao tiếp và cuộc sống.

Tôi cũng rất mong mình có thể tự lo được kinh tế để trước hết là có thể nuôi được bản thân và còn có thể đỡ đần được cho mẹ.

Và cuối cùng, tôi rất mong trong năm nay tôi có thể gặp được tình yêu và có một gia đình nhỏ hạnh phúc của mình.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Chúc Long luôn mạnh khỏe, sáng tác được nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật và luôn giữ bầu nhiệt huyết để truyền tải năng lượng tích cực tới tất cả mọi người!


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-chang-trai-muon-hien-dau-cho-y-hoc-179230427112746273.htm