Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn nhận danh hiệu "Học không bao giờ cùng"

16:28 - 11/07/2025

Ngày 11/7, Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên đến thăm và làm việc với Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn tại xã Tiền Hải, tỉnh Hưng Yên và trao tặng danh hiệu "Học không bao giờ cùng" ghi nhận tấm gương tự học thành tài của nghệ nhân.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn nhận danh hiệu "Học không bao giờ cùng" - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên trao tặng Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Ngắn danh hiệu "Học không bao giờ cùng" ghi nhận, động viên và tôn vinh đóng góp của nghệ nhân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị nghề truyền thống gắn với khuyến học, khuyến khích nghề tại địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn là người đã có hơn 35 năm gắn bó, tận tâm gìn giữ nghề đan truyền thống của quê hương. Với vai trò Giám đốc Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An.

Bà đã tiên phong đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ vươn ra thị trường quốc tế, vừa bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề, vừa tạo sinh kế ổn định cho hàng chục ngàn lao động trong tỉnh.

Hành trình tự học tập, tự nghiên cứu, đổi mới sáng tạo giữ lửa nghề truyền thống

Xuất phát từ một cơ sở thủ công mỹ nghệ nhỏ, chỉ với khoảng 30 lao động, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn đã từng bước đưa nghề đan lát truyền thống của quê hương Tây An phát triển vững chắc. 

Với tinh thần đổi mới sáng tạo, bà không ngừng nghiên cứu, cải tiến hoa văn, mẫu mã để các sản phẩm đan lát trở nên bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng quốc tế.

Từ sự nhạy bén trong nắm bắt xu hướng thị trường và lòng đam mê với nghề, bà đã định hướng phát triển sản phẩm theo hướng xuất khẩu, từng bước khẳng định vị thế hàng thủ công mỹ nghệ của quê hương trên thị trường quốc tế. Hiện nay, Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An do bà làm Giám đốc đã đạt doanh thu hơn 60 tỷ đồng mỗi năm, với trên 300 mẫu sản phẩm đa dạng được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Italia, Đài Loan, Hồng Kông và nhiều nước khác.

Đóng góp vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương

Không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn còn có những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương. Hiện nay, Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An đã tạo việc làm cho trên 50.000 lao động trong tỉnh, trong đó có nhiều lao động cao tuổi, người dân ở các vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn nhận danh hiệu "Học không bao giờ cùng" - Ảnh 2.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn nhận danh hiệu "Học không bao giờ cùng" - Ảnh 3.

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên thăm Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An - cơ sở sản xuất của bà Phạm Thị Ngắn.

Chính sách lao động của bà thể hiện tính nhân văn sâu sắc khi luôn quan tâm hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc", bố trí công việc phù hợp với độ tuổi và tay nghề của người lao động. Đặc biệt, bà phân công những lao động lớn tuổi, từ 55 tuổi trở lên, thực hiện các sản phẩm có mẫu mã đơn giản hơn; đồng thời tổ chức các đội chuyên đan sản phẩm phức tạp đặt tại công ty và các xã lân cận.

Nhờ đó, người lao động nông thôn có thu nhập ổn định, bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Nghệ nhân ưu tú - người thợ tài hoa và tâm huyết, gương sáng tự học thành tài

Trên hành trình hơn 35 năm gắn bó với nghề đan lát truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn không chỉ là người thợ tài hoa mà còn là hình mẫu về tâm huyết, tận tụy và trách nhiệm. Bà luôn coi trọng chữ tín, đảm bảo chất lượng và tiến độ, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Nhờ nỗ lực sáng tạo không ngừng, năm 2016, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; Công ty do bà làm Giám đốc được công nhận là Doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, khẳng định vị thế và chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ Tây An trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ngắn nhận danh hiệu "Học không bao giờ cùng" - Ảnh 4.

Lớp học làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nghệ nhân Phạm Thị Ngắn.

Chuyến thăm của Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên khẳng định vai trò đồng hành trong khuyến học, khuyến nghề, động viên tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng lao động nông thôn. Đây cũng là dịp để Hội ghi nhận, học hỏi mô hình sản xuất, khởi nghiệp gắn với bảo tồn di sản văn hóa làng nghề.

Mô hình của bà Phạm Thị Ngắn là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn nghề truyền thống với phát triển kinh tế hiện đại, góp phần nâng cao đời sống người dân. Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để lan tỏa tinh thần khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển bền vững.

Mạnh Vũ

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nghe-nhan-uu-tu-pham-thi-ngan-nhan-danh-hieu-hoc-khong-bao-gio-cung-179250711162856022.htm