Ngày 15/11/2022, dân số thế giới "cán mốc" 8 tỷ người: Thực trạng và hệ lụy
Liên Hợp Quốc dự báo dân số thế giới sẽ lên 8 tỷ người vào ngày 15/11 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080. Dân số ngày càng gia tăng và già hóa cũng là một thách thức lớn về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Dân số thế giới hiện cao hơn gấp 3 lần năm 1950
Liên Hợp Quốc dự báo dân số thế giới sẽ lên 8 tỷ người vào ngày 15/11, cao hơn gấp 3 lần so với con số 2,5 tỷ người vào năm 1950.
Với tuổi thọ và số người trong độ tuổi sinh nở tăng lên, Liên Hợp Quốc dự đoán dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, khoảng 9,7 tỷ người vào năm 2050 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080.
Trong khi đó, trong nghiên cứu năm 2020, Viện Thống kê và đánh giá y tế (IHME) có trụ sở tại Mỹ ước tính dân số thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2064 và sẽ giảm xuống 8,8 tỷ người vào năm 2100.
Tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Đại học Washington - Stein Emil Vollset cho biết: Nghiên cứu này sử dụng mô hình tính toán tỷ lệ sinh nở khác, trong đó ước tính dân số thế giới sẽ chỉ lên tới trong khoảng 9 -10 tỷ người.
Ấn Độ sẽ là nước đông dân nhất thế giới
Theo Liên Hợp Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ hoán đổi vị trí vào năm 2030.
Cụ thể, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2023 và tăng lên 1,7 tỷ người vào năm 2050 dù tỷ suất sinh hiện tại đã giảm xuống dưới mức thay thế. Dân số Trung Quốc 1,4 tỷ người sẽ giảm xuống 1,3 tỷ người vào năm 2050.
Đến cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống còn 800 triệu người.
Mỹ tiếp tục là quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới vào năm 2050 và sẽ ở mức ngang bằng với Nigeria là 375 triệu người.
Tốc độ tăng dân số thế giới đã giảm mạnh
Trưởng nhóm dân số và phát triển của Bộ phận kỹ thuật thuộc Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, bà Rachel Snow chỉ ra rằng sau khi đạt đỉnh vào đầu những năm 1960, tốc độ tăng dân số thế giới đã giảm mạnh.
Cụ thể, tốc độ tăng dân số hằng năm đã giảm từ mức 2,1% trong giai đoạn 1962-1965 xuống còn dưới 1% vào năm 2020. Liên Hợp Quốc nhận định con số này có thể giảm xuống khoảng 0,5% vào năm 2050 do tỷ lệ sinh giảm.
Năm 2021, tỷ suất sinh là 2,3 con/phụ nữ, giảm từ mức 5 con/phụ nữ vào năm 1950. Liên Hợp Quốc dự đoán con số này sẽ giảm xuống 2,1 con/phụ nữ vào năm 2050. Bà Rachel Snow nhận định thế giới đang bước vào giai đoạn phần lớn các quốc gia và người dân đang sinh sống tại nơi có tỷ suất sinh thấp hơn mức sinh thay thế là khoảng 2,1 con/phụ nữ.
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh xu hướng tăng dân số sẽ không đồng đều giữa các khu vực, theo đó hơn 50% dân số tăng lên vào năm 2050 sẽ tập trung tại 8 quốc gia là Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.
Tuổi thọ con người tiếp tục tăng lên
Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng dân số toàn cầu là việc tuổi thọ tiếp tục tăng lên 72,8 năm vào năm 2019, cao hơn 9 năm so với năm 1990. Liên Hợp Quốc dự báo tuổi thọ trung bình vào năm 2050 là 77,2 năm. Kết quả này đồng nghĩa rằng tỷ lệ những người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050.
Độ tuổi trung bình tại các khu vực khác cũng có sự chênh lệch lớn chưa từng thấy, với độ tuổi trung bình tại châu Âu là 41,7 và vùng hạ Sahara châu Phi là 17,6. Theo bà Snow, hai con số này có thể bù trừ cho nhau. Tuy nhiên, không như trước đây, khi độ tuổi trung bình ở các nước hầu hết phản ánh dân số trẻ, trong tương lai, độ tuổi này sẽ phản ánh xu hướng dân số già hóa ở hầu hết các nước.
Già hóa dân số và hệ lụy
Đánh giá về dự báo dân số thế giới đạt 8 tỷ người, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Natalia Kanem cho rằng đây là cột mốc quan trọng cho thấy những tiến bộ trong việc tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm đói nghèo trên toàn cầu. Sức mạnh của 8 tỷ người cũng là nguồn lực quan trọng trong mục tiêu xây dựng một tương lai bền vững.
Cơ quan dân số của Liên Hợp Quốc đã nhận định "một thế giới 8 tỷ người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của cá nhân sẽ mang đến những khả năng vô hạn - khả năng để con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng".
Tuy nhiên, xu hướng dân số già hóa sẽ tác động đến thị trường lao động và hệ thống hưu trí quốc gia, đòi hỏi tăng cường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, con số 8 tỷ người là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết, bởi dân số ngày càng gia tăng và già hóa cũng là một thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, tác động tới vấn đề bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Cụ thể, xu hướng tăng và già hóa dân số ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, việc làm, phân phối thu nhập, nghèo đói và các biện pháp an sinh xã hội. Chúng cũng ảnh hưởng đến các nỗ lực đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, vệ sinh, nước, thực phẩm và năng lượng.
Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người cần đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhà ở, cũng như sự cần thiết phải có thêm các nguồn lực để chăm sóc người cao tuổi.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngay-15-11-2022-dan-so-the-gioi-can-moc-8-ty-nguoi-thuc-trang-va-he-luy-179221114165724594.htm