Ngành hàng không không kịp trở tay đón làn sóng du lịch "bùng nổ" sau giãn cách

12:53 - 17/06/2022

Các hãng hàng không và sân bay đã không dự tính được làn sóng du lịch lại "bùng nổ" mạnh như vậy khi làn sóng COVID-19 lắng xuống cộng hưởng với cao điểm kỳ nghỉ hè.

Nguồn nhân lực hàng không thiếu hụt trầm trọng
Các hãng hàng không không kịp chuẩn khi làn sóng du lịch bùng phát sau giãn cách - Ảnh 1.

Du khách xếp hàng dài chờ qua cửa kiểm tra an ninh tại sân bay Heathrow ở London, ngày 1/6. Ảnh: Carl Court / Getty Images/ Bloomberg

Khi các quốc gia dần dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19, hoạt động du lịch bùng nổ dẫn đến cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực chưa từng có trong ngành hàng không.

Sự thiếu hụt nhân viên trầm trọng từ phi công, tiếp viên đến nhân viên hậu cần mặt đất làm cho tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến, chờ đợi đông đúc, bức xúc, diễn ra phổ biến ở nhiều sân bay trên khắp các châu lục.

Trước tình trạng hoãn, hủy chuyến diện rộng, ngành hàng không đang nỗ lực tuyển dụng, đào tạo thêm nhân lực để khắc phục. 

Emirates Airlines, hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới, cho biết sẽ tuyển thêm ba nghìn nhân viên trong nửa đầu năm 2022, nhất là cho hai vị trí tiếp viên và phi công.

Hãng máy bay Airbus cũng đang tuyển thêm sáu nghìn nhân viên cho nhiều vị trí để đáp ứng nhu cầu mua máy bay mới của ngành hàng không trong thời gian tới.

Sân bay Changi của Singapore cần tuyển 6.600, từ nhân viên an ninh đến phục vụ ăn uống.

Gần một nửa lực lượng lao động (khoảng 33.000 người) của sân bay Sydney đã bị mất việc trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. 

Trong một bài viết đăng trên Bloomberg, Geoff Culbert, Giám đốc điều hành của sân bay Sydney, cho biết: "Tất cả các sân bay và hãng hàng không đều thiếu nhân viên vào lúc này. Sân bay đang cố gắng xây dựng lại một cách khẩn trương, nhưng "đây không còn là nơi làm việc hấp dẫn như trước nữa", và "vẫn còn một yếu tố đáng quan tâm là khả năng đảm bảo việc làm".

Nhu cầu nhân lực cao, nhưng tuyển dụng khó

Dịch bệnh bùng phát, hàng trăm nghìn lao động bị sa thải, trong đó có nhiều nhân viên chuyển sang các nghề nghiệp khác, ít bị ảnh hưởng hơn. Khi dịch lắng xuống, nhiều nhân viên từng bị sa thải không muốn quay trở lại công việc cũ của mình.

Trong một bài đăng trên LinkedIn vào tuần trước, Jens Ritter, Giám đốc điều hành của Lufthansa, cho biết hãng đang phải vật lộn để vận hành lịch trình đã định với chất lượng và thời gian đã hứa. "Nhiều người đã rời bỏ lĩnh vực hàng không trong thời kỳ đại dịch và tìm việc ở nơi khác. Giờ đây, các đối tác trong hệ thống của hãng như sân bay và nhà cung cấp dịch vụ ăn uống đang gặp phải tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng và gặp khó khăn trong việc thuê nhân viên mới".

Các hãng hàng không không kịp chuẩn khi làn sóng du lịch bùng phát sau giãn cách - Ảnh 3.

Du khách xếp hàng dài chờ qua cửa kiểm tra an ninh tại sân bay Heathrow ở London, vào ngày 1/6. Ảnh: Carl Court / Getty Images/ Bloomberg

Tính ổn định của công việc là nỗi quan ngại của nhiều người khi quay trở lại công việc trước đây của mình. Chẳng hạn, liệu tỷ lệ lạm phát cao, áp lực kinh tế lớn có ảnh hưởng đến nhu cầu việc làm hiện nay ở các hãng hàng không và sân bay không?

Thêm vào đó, các hãng hàng không cũng không thể lường trước được cần tuyển dụng như thế nào và bao nhiêu là hợp lý. Lạm phát cao làm tăng chi phí sinh hoạt, giá vé máy bay tăng hơn nhiều so với mức sẵn sàng chi trả của phần đông du khách… khiến nhiều người có thể sẽ lựa chọn ở nhà hoặc đi nghỉ trong nước. Cảm giác hào hứng, phấn khích được đi du lịch sau một thời gian dài bị "cầm chân" do giãn cách xã hội cũng sẽ dần lắng xuống.

Vì thế, cùng với những khó khăn để tuyển dụng nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện nay lại đính kèm một mối quan ngại: Liệu nhu cầu về nhân lực kéo dài bao lâu? Nếu tuyển dụng đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu bùng phát hiện nay, thì sau này có phải đối mặt với tình trạng thừa công suất cả về đội bay và nhân lực hay không?.

Robert Mann - người đứng đầu công ty tư vấn hàng không RW Mann & Co. có trụ sở tại New York cho biết: "Sau các tháng du lịch cao điểm ở bắc bán cầu từ tháng sáu đến tháng tám, các trường học mở cửa trở lại, kỳ nghỉ hè kết thúc, sự sụt giảm nhu cầu du lịch bình thường theo mùa sẽ buộc các hãng hàng không giảm giá vé, hoặc có nguy cơ phá hủy nhu cầu hơn nữa.

Dự kiến, tình trạng thiếu hụt nhân viên trầm trọng dẫn đến sự chậm chuyến, hủy chuyến sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận tại cuộc họp đại hội đồng thường niên lần thứ 78 của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế diễn ra tại Doha và ngày chủ nhật tới.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nganh-hang-khong-khong-kip-tro-tay-don-lan-song-du-lich-bung-no-sau-gian-cach-179220617074946926.htm