Ngân hàng Thế giới kiến nghị Việt Nam hỗ trợ hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần thận trọng trước rủi ro lạm phát và nên trợ giá có mục tiêu tạm thời cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính.
Tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ
Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB), sản xuất công nghiệp của nước ta tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% (so cùng kỳ năm trước). Chỉ số PMI (quản lý sức mua) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 51,7% trong tháng 4 lên 54,7% trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bật tăng với tốc độ tăng 4,2% so tháng trước và 22,6% so cùng kỳ năm trước. Một phần nguyên nhân của sự bật tăng này đến từ hiệu ứng cơ sở thấp do doanh thu bán lẻ tháng 5/2021 đã giảm 2,1% sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 buộc Chính phủ phải áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.
Tốc độ tăng trưởng này cũng phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng trong nước và sự quay trở lại của du khách quốc tế sau khi Chính phủ mở cửa biên giới vào cuối tháng 3 năm nay.
Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhích tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng và giá dầu diesel tăng lần lượt đến 5,9% và 4,0% so tháng trước. Thậm chí, trong tháng 5, giá xăng dầu đã tăng tới khoảng 54,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, trong tháng 5, lạm phát giá sản xuất lại "hạ nhiệt" với chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra tăng với mức tăng thấp nhất trong 3 tháng qua.
Về tín dụng, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5 tăng khoảng 29,4% so cùng kỳ năm trước giúp Ngân sách Nhà nước duy trì bội thu tháng thứ 5 liên tiếp. Khối lượng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh phát hành trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 14,1% kế hoạch, chưa bằng một nửa tỉ lệ ghi nhận cùng kỳ năm trước là 31,3% kế hoạch.
Thận trọng với rủi ro lạm phát
Theo nhận định của WB, kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất ổn toàn cầu.
Mặc dù vậy, WB vẫn cảnh báo cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.
Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng. Do cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải, nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, theo WB, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung. Khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.