Ngân hàng Nhà nước: Giải ngân gói 120.000 tỷ đồng không quá ngày 31/12/2030

15:43 - 18/04/2023

Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về việc triển khai cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và đang yêu cầu các Ngân hàng thương mại, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình.

Khẩn trương thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Theo văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 gửi các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ giao NHNN: “Chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (Chương trình) để chỉ đạo các NHTM, trong đó chủ lực là 4 NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các NHTM nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường và các NHTM ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản tham gia của 4 NHTM nhà nước, NHNN hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu các NHTM, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình.

Cho vay đúng đối tượng, thời hạn giải ngân không quá 31/12/2030

Đối tượng vay vốn (khách hàng) của Chương trình là: pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, gồm: khách hàng là Chủ đầu tư đầu tư dự án (chủ đầu tư) và khách hàng là người mua nhà ở tại dự án (người mua nhà).

Về nguyên tắc cho vay: khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật. Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần.

Thời hạn giải ngân của Chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.

Được biết, thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư là 03 năm và đối người mua nhà là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. 

Về lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi: lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 01/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các NHTM tham gia Chương trình.

Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay do NHTM và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.

cho vay nhà ở xã hội - Ảnh 1.

NHNN yêu cầu các NHTM định kỳ hàng tháng báo cáo NHNN kết quả triển khai. Ảnh: SBV.

Đồng bộ phối hợp triển khai trong hệ thống ngân hàng

Để thực hiện Chương trình cho vay ưu đãi gói tín dụng này, Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank là 4 ngân hàng được chỉ định đã khẩn trương thực hiện Chương trình từ ngày 1/4/2023 và ban hành hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, các NHTM khác cũng đồng hành tham gia Chương trình với yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn tại công văn này và có văn bản báo cáo NHNN tham gia Chương trình, đồng thời gửi văn bản đăng ký khai thác thông tin về Chương trình cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

Với những thông tin này, khách hàng đều có thể thực hiện vay vốn bằng nhiều nguồn vốn tự huy động của chính các NHTM cùng tham gia. Việc tiếp cận gói vay sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn khi các ngân hàng cùng tham gia. Theo đó, NHTM có thể chủ động xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay thuộc Chương trình này theo quy định của pháp luật.

Được biết, NHNN cũng thường xuyên yêu cầu các NHTM định kỳ hàng tháng báo cáo NHNN kết quả triển khai Chương trình; kịp thời báo cáo NHNN những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cho vay theo Chương trình. 

Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc thực hiện, theo dõi tình hình và thanh tra, giám sát việc cho vay của các NHTM tham gia Chương trình trên địa bàn; kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN những vướng mắc phát sinh; Phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong việc cho vay của các NHTM tham gia Chương trình trên địa bàn; kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Ý nghĩa của việc "kích cầu" phân khúc nhà ở xã hội

Có thể nói, ra đời vào lúc nền kinh tế đang cần một cú "hích" mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội… Việc thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ được đánh giá là động thái kịp thời để "giải cứu" thị trường bất động sản đã rất trầm lắng và không có nhiều cơ hội phục hồi trong năm 2023. 

Chính sách về nhà ở xã hội được thông qua cũng giúp cho người dân và các đối tượng chính sách xã hội có khả năng tiếp cận nguồn vốn, thực hiện việc mua bán, giải ngân, tạo ra sự chuyển động tích cực trong thị trường bất động sản. Theo đó, nhà ở xã hội có thể là nhà riêng, nhà thuê thuộc sở hữu cá nhân, sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu cộng đồng và Nhà nước. Với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu trọng tâm kích cầu trong lúc này đang đóng vai trò khá quan trọng nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh có sự suy giảm động lực phát triển từ bên ngoài.

Thực hiện kích cầu đầu tư ưu tiên các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao, hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đặc biệt là các dự án có ý nghĩa tổng hợp cả kinh tế - xã hội và môi trường… Theo tinh thần đó, cần đặc biệt khuyến khích các dự án phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, cải thiện căn bản quỹ nhà ở xã hội.

Trên thực tế, thị trường tiêu thụ rộng lớn đang bị bỏ ngỏ của hàng chục triệu hộ gia đình cán bộ, công nhân viên chức và người lao động khắp cả nước đang gặp khó khăn về nhà ở. Theo ước tính của Sở Tài nguyên - Môi trường - Nhà đất Hà Nội thì có tới 10.000 hộ gia đình ở Hà Nội trước khi mở rộng địa giới Thủ đô đang thực sự bức xúc về nhà ở.

Về cung, xây dựng nhà ở dành cho người có thu nhập thấp không đòi hỏi vốn lớn, nên phù hợp với khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, ngân hàng và người dân; phù hợp với năng lực xây dựng của các doanh nghiệp và tư nhân trong nước… Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại. 

Hơn nữa, việc xây dựng nhà ở dành cho người có thu nhập thấp còn phù hợp định hướng XHCN của nền kinh tế, cũng như trực tiếp góp phần vào an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và kích cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp; tạo động lực phát triển liên ngành xây dựng, sản xuất vật liệu, nội thất, tranh thủ được nguồn nguyên liệu giá rẻ đang tồn đọng trên thị trường, cũng như thu hút lao động nhàn rỗi đang gia tăng từ các khu công nghiệp gặp khó khăn về thị trường phải thu hẹp sản xuất…

Nguồn: NHNN, Bộ Tài chính

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngan-hang-nha-nuoc-giai-ngan-goi-120000-ty-dong-khong-qua-ngay-31-12-2030-179230418153643576.htm