Nên loại bỏ các phương thức xét tuyển quá ít thí sinh đăng ký?

17:43 - 03/03/2023

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các trường đại học cần cân nhắc hiệu quả giữa các phương thức xét tuyển. Từ đó, loại bỏ những phương thức xét tuyển không cần thiết, không hiệu quả.

Các trường dựa vào đặc thù của mình để chọn phương thức xét tuyển

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển.

Nên loại bỏ các phương thức xét tuyển quá ít thí sinh đăng ký? - Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy trình bày tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023.

Tuy nhiên, có những phương thức xét tuyển rất ít thí sinh đăng ký như chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển, xét tuyển qua phỏng vấn,…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cho rằng các cơ sở đào tạo cần đánh giá lại hiệu quả của các phương thức xét tuyển đó. 

Đồng thời, chủ động đánh giá kết quả học tập của sinh viên ở từng phương thức xét tuyển. Từ đó, loại bỏ những phương thức xét tuyển không cần thiết, không hiệu quả.

"Các trường cũng cần lưu ý phải thuyết phục, minh chứng, giải trình được các phương án xét tuyển đảm bảo công bằng", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định mỗi phương thức xét tuyển thể hiện sự đặc thù của một đơn vị.

Nên loại bỏ các phương thức xét tuyển quá ít thí sinh đăng ký? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính nêu quan điểm tại hội nghị.

Ví dụ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có một phương thức xét tuyển là tuyển thẳng 1 sinh viên giỏi nhất trường trung học phổ thông do nhà trường giới thiệu.

"Nếu theo cách chia của Bộ là tỉ lệ "sinh viên nhập học của 1 phương thức / tổng sinh viên nhập học các phương thức của trường đó" thì rõ ràng phương thức  tuyển thẳng này của Đại học Thành phố Hồ Chí Minh đang không hiệu quả, vì sẽ rất ít thí sinh đạt tiêu chí.

Nhưng thực tế, qua phương thức xét tuyển này, nhà trường muốn thu hút nhân tài. Tương tự, mỗi trường sẽ có những phương thức xét tuyển khác nhau như IELTS, phỏng vấn…

Nếu chỉ dựa vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển của từng phương thức để đánh giá hiệu quả của phương thức đó là chưa hoàn toàn chính xác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không nên yêu cầu trường đại học bỏ phương thức xét tuyển ít học sinh đăng ký vì các phương thức là đặc thù và quyền tự chủ của từng trường", Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính phân tích.

Tại sao chọn 22,5 điểm làm mốc giảm điểm ưu tiên

Trước thông tin năm 2023, thí sinh đạt từ 22,5 – 30 điểm sẽ giảm điểm ưu tiên, đại diện Đại học Đại học Thái Nguyên đặt vấn đề: "Tại sao không đặt ngưỡng 20 điểm. Ví dụ, 20 điểm dùng phép chia cho 10 sẽ phần nào thuận lợi hơn trong việc cộng điểm. Không rõ Bộ dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức điểm 22,5".

Trả lời thắc mắc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã dựa trên cơ sở khoa học, phân tích cơ sở dữ liệu để ra mức điểm trên, không phải vì ngẫu nhiên hay để dễ chia.

Trước đó, theo Quy chế tuyển sinh đại học ban hành năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển sinh bắt đầu từ năm 2023 này.

Với quy định mới, thí sinh các khu vực được cộng điểm ưu tiên thi đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển sinh từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm ưu tiên giảm dần.

Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên.

Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 - nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn. Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực.

Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố danh mục ngành thí điểm, điều chỉnh thời gian xét tuyển sớm, nâng cấp, cải tiến hệ thống để lọc ảo tốt hơn, tránh sai sót trong quá trình học sinh đăng ký,…

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nen-loai-bo-cac-phuong-thuc-xet-tuyen-qua-it-thi-sinh-dang-ky-179230303165508304.htm