Nắng nóng khủng khiếp ở châu Âu, biến đổi khí hậu đang giết chết con người
Một đợt nắng nóng khủng khiếp đang diễn ra ở khắp châu Âu đã làm bùng phát các đám cháy rừng dữ dội tại Tây Ban Nha và Pháp, khiến hàng ngàn người phải sơ tán.
Nắng nóng khủng khiếp bao trùm khắp châu Âu
Máy bay chữa cháy và các nhân viên cứu hỏa ở đây đang phải đối mặt với những ngọn lửa mang sức nóng khủng khiếp, sẽ thiêu rụi "tất tần tật" mọi thứ trên đường đi của chúng.
Trong những ngày gần đây, nhiệt độ tăng cao bất thường đã bao trùm khắp các khu vực của châu Âu, gây ra các đám cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến khu vực bán đảo Balkan. Một số quốc gia của châu lục này cũng đang phải trải qua những đợt hạn hán kéo dài.
Biến đổi khí hậu đã làm cho những hiện tượng cực đoan đe dọa đến tính mạng con người xảy ra nhiều hơn. Bằng chứng là những đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ tăng cao kỷ lục, thậm chí những nơi như Anh – vốn có khí hậu đại dương ôn hòa, nhiệt độ không thấp hơn nhiều mức 0 độ C vào mùa đông và không cao hơn nhiều mức 32 độ C vào mùa hè, cũng đang phải chống chọi với mức nhiệt tăng cao vào có thể phá kỷ lục trước đó.
Thời tiết nắng nóng ở Anh được dự báo sẽ diễn ra khắc nghiệt trong tuần này đến mức các nhà điều hành tàu hỏa cảnh báo nhiệt độ do nắng nóng gây ra có thể làm cong đường ray và một số trường học đã tạo lập các hồ bơi để giúp trẻ em giải nhiệt.
Cháy rừng lan rộng ở nhiều nơi
Trong khi đó, các nhà khoa học dự báo khí tượng của Pháp cũng cảnh báo về nhiệt độ kỷ lục có thể xảy ra tại quốc gia này khi gió nóng cộng với mức nhiệt được sinh ra từ những vụ cháy rừng phức tạp ở phía Tây Nam của nước này.
Người đứng đầu cơ quan cứu hỏa khu vực, Marc Vermeulen, cho biết: "Ngọn lửa đang bùng phát theo đúng nghĩa đen. Các thân cây bị thiêu rụi thành tro khi ngọn lửa lan tới chúng. Và những cục than hồng đang cháy bị hất lên không trung khiến ngọn lửa lan rộng hơn. Chúng tôi đang đối mặt với tình thế đặc biệt và rất khắc nghiệt".
Đã có nhiều thị trấn hơn phải sơ tán. Các nhà chức trách đã di rời 11.500 người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ trở thành đường đi của đám cháy và bị bao trùm bởi những đám khói đen đặc. Như vậy, số người bị buộc phải di rời ở vùng Gironde, Pháp lên con số gần 28.000 người kể từ khi vụ cháy rừng bắt đầu xảy ra vào ngày 12/7 vừa qua.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết vào tối 17/7, 3 máy bay đã được bổ sung cùng với 6 máy bay khác đang thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Những máy bay này lấy nước biển vào khoang chứa và phun nước vào những đám khói dày đặc. Hơn 200 quân tiếp viện tham gia cùng lực lượng 1.500 lính cứu hỏa đang chiến đấu ngày đêm để ngăn chặn ngọn lửa ở vùng Gironde.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, báo cáo cho thấy đã có thêm người thứ 2 ở nước này tử vong trong hỏa hoạn.
Thi thể của một nông dân chăn cừu 69 tuổi được tìm thấy ngày 18/7 tại cùng một khu vực đồi núi ở tỉnh Zamora, thuộc Tây Bắc Tây Ban Nha, nơi một lính cứu hỏa 62 tuổi đã chết trước đó một ngày khi bị mắc kẹt trong ngọn lửa.
Hơn 30 vụ cháy rừng xảy ra trên khắp đất nước Tây Ban Nha đã buộc hàng nghìn người dân nơi đây phải sơ tán và thiêu rụi 220km2 rừng và cây bụi.
Biến đổi khí hậu gây ra chết chóc
Các nhà khoa học nghiên cứu về khí tượng, khí hậu cho biết, các đợt nắng nóng gay gắt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cùng với hạn hán đã làm cho các vụ cháy rừng trở nên khó chữa và khó kiểm soát hơn nhiều.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn, các vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và mang tính hủy diệt.
Trong chuyến thăm ngày 18/7 đến khu vực Extremadura - nơi các nhân viên cứu hỏa đã phải đối mặt để giải quyết 3 vụ cháy lớn, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết: "Biến đổi khí hậu đang giết chết con người, giết chết hệ sinh thái và đa dạng sinh học của chúng ta."
Sau hơn 10 ngày nhiệt độ trên 40 độ C và chỉ hạ nhiệt vừa phải vào ban đêm thì mọi thứ tại đất nước này vẫn còn đáng sợ trong những ngày tới.
Trong cuộc họp về khủng hoảng khí hậu với bộ trưởng đến từ 40 quốc gia hôm 18/7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo nhân loại đang "tự sát tập thể" nếu tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch.
"Một nửa nhân loại đang trong vùng nguy hiểm do lũ lụt, hạn hán, bão lớn và cháy rừng. Không quốc gia nào miễn nhiễm, nhưng chúng ta vẫn đang theo đuổi nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta có thể lựa chọn, hành động tập thể, hoặc tự sát tập thể. Điều đó nằm trong tầm tay chúng ta", ông Antonio Guterres nói.
Tại Bệnh viện Carlos III của Tây Ban Nha, nơi ghi nhận các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ hàng ngày, từ ngày 10 - 14/7, đã có 237 ca tử vong tại nước này do nhiệt độ tăng cao.
Đợt nắng nóng này ở Tây Ban Nha được dự báo sẽ giảm bớt vào ngày 19/7, nhưng thời gian giảm nhiệt sẽ rất ngắn ngủi vì chỉ ngày 20/7, nhiệt độ sẽ tăng trở lại, đặc biệt là ở khu vực phía Tây Extremadura khô hạn.
Tại Anh, các quan chức nước này đã ban hành cảnh báo đầu tiên về nhiệt độ cực đoan. Cơ quan thời tiết nước này dự báo mức nhiệt kỷ lục 38,7 độ C được thiết lập vào năm 2019, có thể bị phá vỡ trong đợt nắng nóng này.
Giám đốc điều hành của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, Penelope Endersby cho biết nhiệt độ đạt đến 41 độ C không phải là không thể xảy ra. Trong mô hình dự báo của cơ quan này đưa ra mức nhiệt có thể lên đến 43 độ C, nhưng ông hy vọng nó sẽ không cao như vậy.
Khu vực Balkans cũng đã từng chứng kiến những đám cháy rừng lẻ tẻ và dự kiến điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.
Ngày 18/7, các nhà chức trách ở Slovenia cho biết, nhân viên cứu hỏa nước này đã kiểm soát được một đám cháy. Croatia cũng đã cử một chiếc máy bay chữa cháy đến đó để giúp lực lượng cứu hỏa chống lại ngọn lửa đang ngày càng lan rộng sau khi nước này phải chống chọi với vụ cháy rừng xảy ra trong nước dọc theo bờ biển Adriatic Sea vào tuần trước. Ngoài ra, một đám cháy ở Sibenik đã khiến một số người phải sơ tán khỏi nhà, rất may sau đó đám cháy đã được dập tắt.
Tại Bồ Đào Nha, thời tiết mát mẻ hơn nhiều vào ngày 18/7 đã giúp các đội cứu hỏa đạt được những kết quả khả quan trong việc chống lại hỏa hoạn. Hơn 600 nhân viên cứu hỏa được điều động tham gia chữa cháy ở 4 vụ cháy lớn tại miền bắc nước này.
Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biết thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỉ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế, và tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn.
Những xu hướng này được dự báo sẽ tăng cường theo thời gian. Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình dự kiến tăng thêm 1-2 độ C có thể dẫn đến tỉ lệ hạn hán cao hơn với cường độ lớn hơn và tăng lượng mưa dẫn đến mực nước biển dâng cao 1 mét dọc theo các vùng ven biển.
Nguồn: unicef.org
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nang-nong-khung-khiep-o-chau-au-bien-doi-khi-hau-dang-giet-chet-con-nguoi-179220718144011911.htm