Nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ kéo dài bao lâu?
Theo dự báo, nắng nóng gay gắt ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10/8, ở khu vực Trung Bộ có khả năng còn kéo dài trong những ngày tới.
Những ngày tới, nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ ở Bắc Bộ - Trung Bộ trên 38 độ
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 08/8, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.
Dự báo, ngày 09/8, ở Bắc Bộ có nắng nóng, riêng Nam Sơn La, Hòa Bình và đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.
Ngày 08-09/8, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-55%.
Dự báo chi tiết:
Thời điểm dự báo | Khu vực ảnh hưởng | Nhiệt độ cao nhất (oC) | Độ ẩm tương đối thấp nhất (%) | Thời gian nóng (giờ)
|
Ngày 08/8 | Phía Đông Bắc Bộ, Nam Sơn La, Hòa Bình | 35-37, có nơi trên 37 độ | 55-60 | 12-16 |
Thanh Hóa đến Phú Yên | 35-38, có nơi trên 38 | 50-55 | 11-17 | |
Ngày 09/8 | Bắc Bộ | 35-38 | 50-55 | 12-16 |
Thanh Hóa đến Phú Yên | 36-38, có nơi trên 38 | 45-50 | 11-17 |
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: nắng nóng ở khu vực Trung Bộ có khả năng còn kéo dài trong những ngày tới; nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10/8.
Dự báo tác động của nắng nóng: Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Một số biện pháp phòng, tránh tác hại của nắng nóng gay gắt
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…), việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy).
Cùng với đó, nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài có thể gây hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt làm các bệnh dịch càng dễ phát triển trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi do thiếu nước sạch…
Theo đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân một số biện pháp phòng, chống nắng nóng nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, như:
- Cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi.
- Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng.
- Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.
- Giữ nhà cửa thông thoáng, cần mở hết cửa sổ nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhằm giúp gia tăng luồng luân chuyển không khí trong nhà.
- Cần cố gắng chỉ ra nắng trong thời gian ngắn và phải thoa kem chống nắng, cần tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.
- Khi dùng quạt và điều hòa cần lưu ý hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.
- Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng, người dân cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống xung quanh...
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nang-nong-gay-gat-o-bac-bo-va-trung-bo-keo-dai-bao-lau-179240808125441867.htm