Nâng cao năng lực chuyển đổi số, bảo đảm môi trường mạng lành mạnh
Chiều ngày 4/11, kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề về thông tin và truyền thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã có tác động rất lớn tới toàn xã hội, góp phần cải cách hành chính, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống người dân.
Đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số, phát triển dữ liệu mở
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm ban hành và triển khai hiệu quả Đề án, tăng cường nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương, có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin.
Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương hoàn thiện 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi và tăng cường kết nối, chia sẻ, khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trên toàn quốc. Tích cực phát triển dữ liệu mở để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện danh mục dữ liệu mở cửa của cơ quan nhà nước, kích thích phát triển kinh tế số và xã hội số. Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ phía các cơ quan Nhà nước. Thực hiện phổ cập kỹ năng số miễn phí giúp người dân dễ dàng khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường cung cấp thông tin ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cũng trong phiên chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông chiều ngày 4/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, dùng thông tin mà đã đến lúc khẳng định chuyển đổi số là thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, doanh nghiệp, xã hội…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội, thể hiện rõ ở quyết tâm của người đứng đầu trong việc ra "đầu bài" thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình “Sóng và máy tính cho em” cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hỗ trợ cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phấn đấu trong năm 2023 giải quyết cơ bản tình trạng chưa có dịch vụ viễn thông di động tại gần 300 thôn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Triển khai đồng bộ giải pháp quản lý các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử, dịch vụ viễn thông
Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng; có chính sách phát triển mạng xã hội trong nước, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người dùng và hướng tới cân bằng, tỉ lệ người sử dụng mạng xã hội ở nước ngoài.
Rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đăng tải tin giả, tin xấu độc trên mạng năm 2023, giải quyết cơ bản vấn đề báo hóa tạp chí và trang thông tin điện tử.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm khi cung cấp, sử dụng thông tin, ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thường xuyên rà soát việc bảo đảm an toàn cho dữ liệu, thông tin cá nhân của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Viễn thông sửa đổi, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện pháp luật về quản lý thuê bao phù hợp với xu thế phát triển mới, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, rà soát, hoàn thiện triển khai có hiệu quả việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Áp dụng công nghệ xác thực thuê bao và tiếp tục chủ động, tích cực xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro cho bản thân, cho xã hội khi sử dụng sim đăng ký không đúng quy định.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nang-cao-nang-luc-chuyen-doi-so-bao-dam-moi-truong-mang-lanh-manh-179221104164829304.htm