Nâng cao cảnh giác với tội phạm bắt cóc trẻ em

12:01 - 03/10/2023

Gần dây xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc rất liều lĩnh, manh động, gây hoang mang dư luận. Vì vậy, mỗi phụ huynh cần dạy con cách phòng tránh và đối phó với kẻ xấu để tự bảo vệ bản thân, từ đó hạn chế nguy cơ trẻ bị dụ dỗ, bắt cóc.

Nhiều vụ bắt cóc trẻ em manh động, đòi tiền chuộc hàng tỷ đồng

Trong 2 tháng vừa qua, cả nước đã xảy ra liên tiếp 3 vụ bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc với những thủ đoạn tinh vi, manh động, liều lĩnh, diễn biến phức tạp, khó lường.

Ngày 2/10, đối tượng Nguyễn Thanh Sơn đến một trường Mầm non tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, dụ dỗ, đón một bé gái 3 tuổi (con một người quen). Sau đó, đối tượng liên tục nhắn tin cho cha mẹ của bé để đòi số tiền chuộc là 2 tỷ đồng. Nhận được số tiền 1 tỷ đồng, Sơn nhốt bé gái trong một khách sạn ở Thành phố Hồ Chí Minh và đón xe khách đi tỉnh Lâm Đồng để tẩu thoát. Lực lượng chức năng sau đó đã bắt giữ đối tượng Sơn và giải cứu cháu bé thành công.

Nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm bắt cóc trẻ em - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Thanh Sơn bị bắt giữ khi đang điều khiển ô tô chạy trên quốc lộ 20 (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: VTC News

Ngày 19/9, đối tượng Giáp Thị Huyền Trang đã bắt cóc cháu bé N.H.T. (sinh năm 2021) tại xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội để đòi số tiền 1,5 tỷ đồng, nếu không sẽ giết cháu T (Trang là người được gia đình thuê đón cháu T). 

Nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm bắt cóc trẻ em - Ảnh 2.

Hình ảnh đối tượng Giáp Thị Huyền Trang và cháu bé bị bắt cóc. Ảnh cắt từ clip

Công an Thành phố Hà Nội xác định, sau khi đón cháu T từ trường mầm non; Trang sử dụng xe máy liên tục di chuyển qua nhiều huyện. Trên đường đi, cháu bé bị mệt, quấy khóc nhiều. Trang sợ lộ nên đã trắng trợn ra tay sát hại cháu bé để xóa dấu vết truy bắt của lực lượng công an và để bịt đầu mối, trước thời điểm gia đình bị hại đến cơ quan công an trình báo.

Sau khi sát hại cháu bé, đối tượng Trang tiếp tục đòi tiền chuộc, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Trên đường lẩn trốn, biết các lực lượng công an đang ráo riết truy lùng, truy bắt, không thể trốn thoát và sẽ phải đương đầu với mức án cao nhất nên đối tượng đã tự sát.

Một vụ việc khác, ngày 14/8, đối tượng Nguyễn Đức Trung đã bắt cóc cháu N.T.P (sinh năm 2016) để đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng tại Khu đô thị Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.

Ngày 15/8, các đơn vị trong Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ được đối tượng Nguyễn Đức Trung, giải cứu thành công cháu bé về với gia đình bảo đảm an toàn. Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận, do vay nợ tiền của nhiều người, không có khả năng chi trả nên nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em để đe dọa cưỡng đoạt tiền của gia đình cháu bé. 

Tội bắt cóc trẻ em để tống tiền bị xử phạt như thế nào?  

Điều 169, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" quy định như sau:

1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Đối với 2 người trở lên;

e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết người;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bảo vệ, dạy trẻ kỹ năng cách phòng tránh và đối phó với kẻ bắt cóc

Những vụ bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc ngày càng manh động, liều lĩnh là hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng trong việc quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm minh loại tội phạm này.

Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này chủ yếu là lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ nhỏ và sơ hở của người lớn để thực hiện hành vi phạm tội của chúng. 

Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bắt cóc, vai trò quan trọng nhất thuộc về các bậc phụ huynh với cách quản lý con một cách khoa học. Phụ huynh cần chú ý đến con mình hơn ở nơi công cộng. Đặc biệt cả con trẻ và phụ huynh cũng cần có những kỹ năng phòng tránh bắt cóc, cũng như cách đối phó, xử trí khi lâm vào tình huống này. Dưới đây là một số quy tắc quan trọng giúp cha mẹ bảo vệ con mình khỏi nguy cơ bị bắt cóc:

Luôn cảnh giác với người lạ

Phụ huynh cần dạy trẻ không được cầm, nhận quà, hoặc bất cứ đồ vật gì từ người lạ. Giữ khoảng cách an toàn (2,5-3m) khi có người lạ tiếp xúc với trẻ. Trong bất cứ trường hợp nào đều không được đi theo người lạ.

Nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm bắt cóc trẻ em - Ảnh 4.

Phụ huynh cần dạy trẻ cảnh giác với người lạ. Ảnh minh họa: Shutterstock/Tatiana Gordievskaia

Bên cạnh đó, dặn dò trẻ không cung cấp bất kỳ thông tin gì về gia đình và thông tin cá nhân cho người lạ. Trước những câu hỏi khai thác của người lạ, trẻ chỉ cần trả lời “Cháu không biết”.

Trẻ nhỏ cần cảnh giác với những lời gạ gẫm nhờ giúp đỡ từ người lạ. Khi muốn giúp đỡ ai đó, trẻ cần hỏi ý kiến bố mẹ (nếu bố mẹ không ở nhà thì có thể gọi điện).

Trong trường hợp người lạ có hành vi nguy hiểm như tiến gần để ôm, bế đi thì trẻ phải hét lớn “bắt cóc, bắt cóc” để người xung quanh nghe thấy được. 

Ngoài việc gào thét kêu cứu, trẻ cũng nên phản kháng bằng thể lực như cào, cắn, đá. Nhiều kẻ bắt cóc vì bị cắn đau mà đã phải buông nạn nhân ra, khiến đứa trẻ có cơ hội bỏ chạy.

Việc chống trả, tấn công này cũng là thông điệp để những người xung quanh đó nghi ngờ rằng kẻ đó không phải thân nhân đứa trẻ và đang thực hiện hành vi bắt cóc, họ sẽ để ý và can thiệp.

Nếu đối tượng dùng hung khí để khống chế trẻ, trẻ cần giữ bình tĩnh đợi thời cơ (ví dụ đi qua trạm Cảnh sát giao thông, chỗ đông người…) để thoát thân. Đối với những trẻ quá nhỏ, chưa nhận thức được, bố mẹ cần kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu hằng ngày, đồng thời cho trẻ xem các video clip về cách tự bảo vệ khi trẻ bị bắt cóc.

Bảo mật thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân của trẻ (như: tên, tuổi, hình ảnh của trẻ, địa chỉ nhà, trường học, những nơi trẻ hay đến…) cần được bảo vệ, tuyệt đối không chia sẻ, để lộ trên mạng xã hội. Ngoài ra, cha mẹ nên hạn chế con sử dụng các thiết bị điện tử, trẻ còn nhỏ không được mở tài khoản mạng xã hội. Trẻ lớn hơn nếu được phép dùng mạng xã hội cũng cần có sự kiểm soát và không đăng công khai thông tin cá nhân, không kết bạn hay trò chuyện với người lạ. Kẻ xấu thường lợi dụng thông tin trẻ đăng tải trên mạng để khéo léo tiếp cận, làm quen với trẻ rồi dụ gặp mặt bên ngoài.

Những thông tin cá nhân của bố, mẹ cũng không nên chia sẻ rộng rãi vì những đối tượng xấu có thể khai thác để tạo sự tin tưởng và dụ dỗ trẻ.

Đảm bảo an toàn khi trẻ ở nhà một mình

Phụ huynh không nên để trẻ ở nhà một mình. Trong trường hợp bất khả kháng, không còn lựa chọn nào khác hãy đảm bảo mọi thứ phải an toàn (khóa cửa, cổng chắn chắn, nhờ được người đến trong trường hợp khẩn cấp mà bố mẹ về không kịp) trước khi bố, mẹ ra khỏi nhà. Trong trường hợp này, bố mẹ hãy để ở nhà một máy điện thoại để bé có thể liên lạc với bố, mẹ trong những trường hợp khẩn cấp.

Đặc biệt, không cho người lạ vào nhà. Đây là kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản mà mọi đứa trẻ đều phải biết. Những lúc người lớn đi vắng, kẻ xấu có thể nhận là người quen của gia đình, thợ sửa đồ, nhân viên thu tiền dịch vụ…. để dụ dỗ trẻ mở cửa. Trẻ nếu ở nhà một mình tuyệt đối không được đến gần, tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ. Khi có ai đó ở ngoài gọi vào, hãy đứng ở khoảng cách xa và nói vọng ra. Nếu kẻ xấu cố tìm mọi cách để vào nhà, trẻ cần hô hoán và gọi ngay 113 để báo Công an, sau đó gọi cho cha mẹ.

Lưu ý trong trường hợp trẻ bị lạc

Để phòng trường hợp trẻ bị lạc, phụ huynh cần dạy trẻ nhớ được số điện thoại của bố, mẹ. Bên cạnh đó, bố mẹ cần dạy cho trẻ biết những người lạ có thể tin tưởng và nhờ giúp đỡ trong trường hợp bị lạc như chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, bảo vệ nhà trường, nhân viên cửa hàng... (đặc điểm chung của những người này là họ thường mặc quần áo đồng phục) hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường. Với những người này, khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể nhờ giúp đỡ để thoát khỏi nguy cơ bị bắt cóc, chiếm đoạt và liên lạc ngay với bố mẹ của mình.

Nếu có điều kiện, phụ huynh nên thường xuyên tập dượt cho trẻ những kỹ năng trên để chắc chắn trẻ nhớ và thực hiện đúng những quy tắc đã được học.

Ngoài ra, bố mẹ có thể trang bị cho trẻ đồng hồ thông minh có tính năng định vị để có thể xác định được vị trí của trẻ trong trường hợp cần thiết.

Trong trường hợp trẻ không may bị bắt cóc, phụ huynh không nên tự mình làm theo yêu cầu của đối tượng mà nên thông báo và tin tưởng phối hợp, làm theo những chỉ dẫn của cơ quan Công an.

Khi trẻ đã được giải cứu, cha mẹ phải luôn bên cạnh động viên con, tuyệt đối không nên dọa nạt, trách móc trẻ vì lúc này tâm lý các em đang bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu cần thiết, có thể nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội để an ủi, giúp trẻ vượt qua được nỗi sợ hãi.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nang-cao-canh-giac-voi-toi-pham-bat-coc-tre-em-179231003113147538.htm