Một tháng sau khi điều chỉnh môn Lịch sử: Lúng túng trong xây dựng lại tổ hợp
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước vào năm học 2022-2023, Lịch sử chính thức trở thành môn học vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn. Ngoài 52 tiết bắt buộc/năm ở cấp trung học phổ thông thì môn Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn ở nhóm tổ hợp.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kéo dài 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Theo thiết kế ban đầu, môn Lịch sử ở cấp tiểu học và trung học cơ sở là môn học bắt buộc được thiết kế cùng với một số môn học khác để trở thành môn học tích hợp (Lịch sử và Địa lý). Đến cấp trung học phổ thông thì môn Lịch sử được đứng độc lập nhưng là môn học lựa chọn của cấp học này.
Tuy nhiên, môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông đã có sự thay đổi ở phút chót. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8/2022.
Như vậy, trong chương trình mới ở lớp 10 trong năm học 2022-2023 tới đây thì môn học này vừa là môn học bắt buộc, vừa là môn học lựa chọn.
Lộ trình chuyển đổi môn lịch sử từ lựa chọn sang "vừa bắt buộc, vừa lựa chọn"
Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo 2 giai đoạn (giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm, (từ lớp 10 đến lớp 12). Đối với giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử là nội dung bắt buộc nhưng đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn.
Tháng 6/2022, Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV về lĩnh vực giáo dục đào tạo đã yêu cầu: "Thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh...".
Việc môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc cùng với các môn Toán, Văn, Anh… ở cấp trung học phổ thông là việc hệ trọng bởi môn này liên quan đến rất nhiều yếu tố để giúp cho học sinh hiểu sâu, kĩ về lịch sử dân tộc mình, từ đó giúp cho các em có một tình yêu, trách nhiệm với tương lai của đất nước.
Song, điều đó cũng có nghĩa ngành giáo dục và các nhà trường đã rơi vào tình cảnh phải phá bỏ kế hoạch cũ, làm lại từ đầu kế hoạch mới.
Việc sửa đổi, thẩm định lại chương trình môn Lịch sử trong một thời gian ngắn ngủi chỉ khoảng hơn 1 tháng là bước vào năm học mới sẽ không tránh được cập rập và khó bảo đảm được tính hệ thống và khoa học như ban đầu xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các trường phải xây dựng lại tổ hợp lựa chọn
Chủ trương đưa môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông từ môn học "lựa chọn" sang "vừa bắt buộc, vừa lựa chọn" ở phút chót cũng khiến cho nhiều kế hoạch giáo dục phải thay đổi theo.
Về phía các trường phổ thông trung học phải xây dựng lại các tổ hợp lựa chọn và chuyên đề học tập cho học sinh của mình.
Trước đây Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ đã hướng dẫn: "Mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 05 môn học được chọn từ 03 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 01 môn học)" trong bối cảnh Lịch sử đang là môn học lựa chọn.
Hiện nay, môn Lịch sử đã gánh 2 chức năng khác nhau "vừa bắt buộc, vừa lựa chọn" thì các trường phải xây dựng lại nhóm tổ hợp và chuyên đề học tập. Trên thực tế, các trường có phần đang lúng túng khi chuyển hướng và phải chờ hướng dẫn từ bộ phận chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, các bộ sách giáo khoa cũng đứng trước thực tế phải biên soạn lại. Thời điểm này gần như tất cả đã phát hành sách giáo khoa đến các nhà sách, các địa phương. Việc chỉnh sửa để thêm bớt nội dung kiến thức ở sách giáo khoa môn Lịch sử có thể sẽ kéo theo sự chắp vá, không liền mạch kiến thức bởi thời gian quá gấp rút, cận kề năm học mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp Phổ thông trung học phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.
Cùng đó, biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở GD-ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12.
Bộ yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp Phổ thông trung học và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8/2022.
Ngoài ra, thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp Phổ thông trung học phần bắt buộc đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8/2022.
Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tập huấn đại trà về tổ chức dạy học chương trình Lịch sử cấp Phổ thông trung học phần bắt buộc cho cán bộ quản lý, giáo viên để nâng sự phù hợp với điều kiện địa phương.
Ngoài 52 tiết bắt buộc/năm ở cấp Trung học phổ thông mà tất cả các học sinh đều phải học, Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn (học sinh nào có mong muốn học thêm) ở cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/mot-thang-sau-khi-dieu-chinh-mon-lich-su-lung-tung-trong-xay-dung-lai-to-hop-179220720143021771.htm