Một người mẹ hạnh phúc
Chuyện về sau này thì tôi chưa biết, nhưng nhìn con trai chị lúc này, linh tính của tôi rằng có điều không hay rồi sẽ diễn ra. Chỉ mong rằng tôi lầm! Mong lắm vậy…
Ảnh minh họa: IT
Một buổi sáng đáng nhớ đối với các sinh viên và phụ huynh nhiều nước trên thế giới. Hôm đó phụ huynh ở nhiều nước được một trường đại học gửi thư mời đến dự Lễ trao bằng tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ tại sân vận động lớn ở thành phố Melbourne (Úc). Đó là một Lễ tốt nghiệp quy mô lớn và hoành tráng. Hàng ngàn sinh viên quốc tế và cả vạn phụ huynh dự lễ ngồi kín đặc cả sân vận động. Các thầy cô và sinh viên ngồi ở nhiều hàng ghế dưới sân, chờ xướng tên để lên sân khấu nhận bằng và lời chúc mừng của lãnh đạo trường; các phụ huynh ngồi san sát kín cả 4 khán đài như xem World cup.
Xong tất cả các thủ tục có thể nói là rất đặc biệt, hiếm có của buổi lễ tốt nghiệp của một trường đại học, sinh viên và phụ huynh í ới tìm nhau, tay bắt mặt mừng. Những cái ôm, cái hôn tíu tít…
Tôi quan sát thấy mắt của những người mẹ châu Á đỏ hoe vì vui sướng. Họ nhìn đứa con của mình với ánh mắt ngưỡng mộ, tự hào. Cũng đúng thôi, đi từ những đất nước phần lớn là lam lũ, cha mẹ nào chẳng tự hào khi con của mình đã tốt nghiệp một trường đại học danh giá ở nước phát triển như nước Úc.
Tôi chú ý đến một người phụ nữ Việt khoảng hơn 50 tuổi, thân hình nhỏ thó, trông dáng vẻ hơi lam lũ, mặc dù bộ quần áo chị mặc còn rất mới. Chị ôm nâng niu tấm bằng cử nhân của con trai trước ngực như ôm một báu vật. Chị rụt rè và ngơ ngác giữa đám đông người nước ngoài nhưng đôi mắt chị lấp lánh, ánh nhìn bừng lên nguồn sáng của hạnh phúc. Vẻ mặt của chị như muốn nói với mọi người xung quanh rằng "Đây là bằng tốt nghiệp đại học của con tôi đấy"! Rồi chị mấp máy môi như muốn nói gì với con trai đang đứng bên cạnh nhưng lại thôi. Con trai chị là một cậu chàng mặc áo đội mũ dành cho sinh viên nhận bằng tốt nghiệp, trắng trẻo, mặt bấm ra sữa. Cậu chàng nhăn nhó nhìn mẹ tỏ vẻ không hài lòng.
Tôi bắt chuyện. Chị mừng quá khi mà giữa đám đông xa lạ có người nói với mình bằng tiếng mẹ đẻ. Chị nhìn tôi và lại nhìn xung quanh bằng ánh mắt đầy vui sướng như khoe: Con trai tôi đấy, con trai tôi đã có bằng đại học ở Úc đấy!
Chúng tôi ngồi xuống hàng ghế trên khán đài. Lúc này chị ấy vẫn cứ khư khư ôm tấm bằng đại học của con trai...
Chị kể. Nhà chị ở một thành phố nhỏ miền Trung, chị vừa mới sang Úc được 3 ngày để dự lễ tốt nghiệp của con trai. Lần đầu tiên một mình bay sang với con trai, chị mừng và lo lắng không ngủ đến mấy đêm liền. Chồng mất sớm, chị ở vậy nuôi con. Con trai học giỏi nên có một phần học bổng, nhưng phần học phí còn lại, chi phí ăn ở, sinh hoạt thì chị phải lo. Vì thế mà chị đã phải làm việc cật lực để có tiền cho con trai đi học mấy năm bên này. Ban ngày chị làm nhân viên ở một cơ quan nhà nước, buổi tối chị đi giúp việc nhà theo giờ cho những nhà có điều kiện. Mấy năm qua chị không có khái niệm ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. Mỗi đồng tiền kiếm được, chị ăn uống quấy quá, còn lại dành dụm gửi cho con. Khi con tốt nghiệp đại học, hạnh phúc đến như mong đợi, chị không nén được cảm xúc, đi khoe khắp họ hàng.
Cậu con trai tỏ vẻ không bằng lòng về câu chuyện mẹ kể với tôi nên luôn miệng nhắc với giọng khó chịu. Dù con trai càu nhàu nhưng chị vẫn không hề ngớt vui sướng khi nói chuyện với tôi. Cậu con trai nói to trước khi dứt khoát đứng dậy: "Thôi đi mẹ. Có gì đáng để kể đâu"!
Quan niệm của đạo Phật về hạnh phúc là "an lạc trong từng bước chân". Tức là hạnh phúc ở ngay hiện tại, ở từng giây phút mình đang sống chứ không phải ở quá khứ, cũng không phải ở tương lai. Quá khứ cần quên đi, tương lai không nghĩ đến, tâm an trong hiện tại mới là hạnh phúc. Còn đa số người mẹ Việt Nam, hạnh phúc tức là hy vọng vào tương lai con cái trưởng thành. Hạnh phúc tức là hy vọng. Vì thế nên rất nhiều người mẹ phải làm việc cật lực để con cái được học hành, đỗ đạt, để sau này chúng ít nhất cũng tự lo được cuộc sống. Nhiều bà mẹ còn lo xa hơn nữa, đó là lo cho cháu của mình (thế hệ thứ 3). Chính vì hy vọng cũng chính là hạnh phúc, nên người mẹ luôn chịu thương, chịu khổ kiếm tiền, dành dụm cho con cái ăn học. Họ tìm thấy niềm vui trong từng nỗi cực nhọc để đạt được hạnh phúc trong tương lai.
Tôi chắc rằng, lúc này chị nghĩ là mình hạnh phúc nhất trong cả vạn phụ huynh dự lễ tốt nghiệp. Bao nhiêu ngày vất vả, lam lũ cũng để chỉ mong có ngày hôm nay, làm sao mà không vui sướng được, nhất là đối với một người mẹ nghèo như chị. Cái giá đối với hạnh phúc mỗi người hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai. Và cảm giác về hạnh phúc của mỗi người cũng hoàn toàn khác nhau. Nhưng có một điều chung của các bà mẹ hy sinh vì con, đó là sự vĩ đại của tình thương yêu.
Tôi bỗng chạnh lòng nghĩ, cậu con trai của chị có hiểu và có biết ơn sự hy sinh của mẹ hay không? Chuyện về sau này thì tôi chưa biết, nhưng nhìn con trai chị lúc này, linh tính của tôi rằng có điều không hay rồi sẽ diễn ra. Chỉ mong rằng tôi lầm! Mong lắm vậy…
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/mot-nguoi-me-hanh-phuc-179230323224113639.htm