Miền quê hiếu học
Người La Điền vừa học, vừa sản xuất và đánh giặc. Đó chính là ý chí cao cả của một miền quê quý chữ thánh hiền.
Ngồi bên bàn trà, thưởng thức hương vị quê mẹ, tay vuốt vuốt chòm râu bạc, chú tôi kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện của làng.
Quê tôi cũng như nhiều miền quê khác, có cánh đồng xanh bát ngát, có lũy tre bao bọc quanh làng, có dòng sông nước mát quanh năm và có những mái nhà ấm cúng.
Xa xưa, làng tôi có cái tên rất thơ mộng: Làng La Điền, với các xóm Đình Trong, xóm Gòi, xóm Chay, xóm Trại (nay là các thôn Nam Long, Kiều Mộc, Đông An, Bắc Sơn).
Ruộng đất thuở đó rất ít. Cả làng chỉ vẻn vẹn 39ha. Đất canh tác chủ yếu nằm trong tay địa chủ.
Trước khi làng có tên là La Điền, nơi đây là ấp Điền Sa, trang La Van, thuộc trấn Sơn Nam… La Vanh thuở ấy có hai thôn là Nhiễm và Phẫn. Năm Canh Thân, ngày rằm tháng 7, triều đình Lê Trịnh triệt hạ La Vanh vì dân làng này theo Tú Cao khởi nghĩa. Mãi đến năm 1861, La Vanh mới được lập lại lấy tên là La Điền, trực thuộc xã Thượng Điền.
Dân La Điền có niềm tự hào riêng, vì một thôn mà có đến hai ngôi đình là đình Trong (còn có tên là đình Cây Trôi) và đình Ngoài. Cả hai đình đều thờ một vị nhân thần, đó là Hương sư Đỗ Phụng Trân - một thầy giáo của năm làng, bốn xã. Đấy là nếp "tôn sư trọng đạo" và cũng là nét duyên của nghiệp văn chương.
Ngài Đỗ Phụng Trân sinh ngày 8 tháng 9 năm Mậu Tuất, tại Hồng Châu. Ngài khôi ngô tuấn tú, một tuổi đã biết nói, năm tuổi đã am hiểu luật, 12 tuổi nhập học tại Tĩnh Đường, nghe một, biết mười, văn võ toàn tài. Người đời cho là Thánh đồng giáng thế.
Khi ngài tròn 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời. Ngài an táng cho song thân, dưỡng đường hương hỏa phụng sự đủ 3 năm, sau đó đi chu du thiên hạ.
Một ngày kia, ngài đến trấn Sơn Nam, phủ Kiến Xương, ấp Khê Kiều (nay là Minh Khai, Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Thấy sơn thủy oanh vu, long hổ hoàn lão, biết là nơi thắng địa, ngài chọn đất, mở trường dạy dân học chữ, người đến theo học rất đông.
Tên tuổi của Hương sư Đỗ Phụng Trân nổi tiếng khắp vùng. Được đúng ba năm thì giặc Ân đến xâm lược nước ta, Hương sư họ Đỗ xếp bút nghiên, cùng môn đệ chiêu mộ quân lương, giúp Vua Hùng đánh giặc.
Ngài đuổi giặc đến Châu Sơn thì giặc tan. Đỗ Phụng Trân về Hồng Châu bái yết tổ tiên rồi bay lên trời mà hóa.
Vua phong ngài là "Trợ đổng Thần uy, Uyên dung Quảng bác Đại vương, Linh tề Hiển thánh, Hoàng hưu Huệ nhân", lại phong là phúc đẳng thần, sức cho các làng tôn làm Thành hoàng, phụng thờ đến ngàn năm.
Ngài là người khai trí cho dân, đem chữ thánh hiền đến vùng đất này đầu tiên, vì vậy dân làng mình là người dân hiếu học. Miền quê mình là miền quê hiếu học.
Dưới triều nhà Nguyễn, làng ta có cụ Tổng sư Phạm Văn Phơn, cụ đậu nhị trường, lại có hơn mười môn đệ đậu cử nhân, tú tài; hàng chục thầy đồ đỗ đậu cao, đem kiến thức giúp dân, giúp nước.
Khi Pháp chiếm Đông Dương, người La Điền lại tìm đến Khê Kiều, gặp thầy giáo Tống Văn Phổ để được nghe thầy giảng về cuốn "Đường Kách Mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ ánh sáng của cờ búa liềm, của "Đường Kách Mệnh", dân La Điền đã tiến bước theo ngọn cờ vinh quang của Đảng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.
Ngay sau khi đã giành được chính quyền, dân La Điền theo tiếng gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch: "Thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt, sẵn sàng diệt giặc ngoại xâm", các lớp bình dân học vụ được mở ra ở cả hai đình làng.
Chỉ sau một năm, làng La Điền và cả xã Tự Tân đã xoá xong nạn mù chữ. Truyền thống hiếu học của người dân La Điền cứ thế được hun đúc, mỗi ngày thêm tiến triển.
Đến khi Pháp chiếm lại Thái Bình, chúng bắn súng cối, đại bác vào làng, phá trường học, giết trẻ em… Dân làng La Điền khiêng xác em Thíu lên đồn, yêu cầu chúng không được bắn vào làng, yêu cầu chúng phải mở lại trường học. Chúng chấp thuận, nhưng bắt thầy Cao Văn Phúc phải dạy học sinh theo chương trình Đại chủng học vụ của chúng. Thầy Phúc đã dạy học sinh của mình về lịch sử, địa dư, luân lí… theo chương trình của ta. Mỗi lớp học khi đó là một lớp tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho lớp trẻ.
Trong những năm đánh Mỹ, rất nhiều thanh niên La Điền, có cả giáo viên, đã mang theo sách ra trận. Người La Điền vừa học, vừa sản xuất và đánh giặc. Đó chính là ý chí cao cả của một miền quê quý chữ thánh hiền.
Truyền thống hiếu học vẫn được phát huy. Những người là con em La Điền siêng năng học tập, học giỏi và đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, rất nhiều kĩ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà báo, nhà văn…
Ông chú tôi bỗng dưng thở dài chép miệng, tôi lo lắng hỏi nhỏ: "Hình như chú có điều gì băn khoăn?".
Chú bảo: "Từ khi chuyển xóm thành thôn, xã mình có chín xóm, thành chín thôn. Thế là mất béng cái tên La Điền. Cái tên đẹp quá, mất thì tiếc quá!".
Cháu tôi chen ngang: "Ông ơi, dẫu tên làng La Điền có mất, nhưng truyền thống hiếu học của dân vẫn còn. Vậy là mừng… Mừng lắm ông ơi. Truyền thống hiếu học không bao giờ mất được".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/mien-que-hieu-hoc-179220706151249981.htm