Ly Minh Cường: Văn hoá Mông cho tôi sống một đời “có lãi"

15:44 - 09/07/2024

Ly Minh Cường là chàng trai người Mông đến từ cao nguyên đá Hà Giang, bằng tài năng âm nhạc của mình, anh đã chinh phục khán giả và đạt được nhiều giải thưởng danh giá.

img

Gọi em bên suối - tác phẩm độc tấu sáo, biểu diễn: Ly Minh Cường.

Sở Văn hoá Thông tin và Du lịch tỉnh Hà Giang vừa tặng bằng khen cho Lý Minh Cường vì đóng góp cho sự phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang. Cảm xúc của Ly Minh Cường trước sự ghi nhận này như thế nào?

Ly Minh Cường: Tôi rất bất ngờ bởi vì những gì tôi đang làm vốn nằm trong hành trình và mục tiêu của cá nhân. Tôi không nghĩ việc bản thân mình tham gia những cuộc thi, gặt hái được một số giải thưởng nhất định và tạo được sự lan tỏa trên mạng xã hội lại khiến bản thân tôi có cơ hội báo cáo thành tích và nhận đề xuất là người có đóng góp trong sự phát triển văn hoá, du lịch tỉnh Hà Giang. 

Tôi rất vui và tự hào, vì luôn có được sự đồng hành, sự dõi theo hành trình phát triển bản thân từ chính quyền địa phương - nơi tôi đã sinh ra, lớn lên. 

Đây cũng là động lực rất lớn, để tôi tiếp tục cố gắng và đem hình ảnh quê hương mình, văn hoá của người Mông đi xa hơn nữa. Đây cũng chính là trách nhiệm và ước mơ của chính tôi, đối với quê hương, cộng đồng dân tộc thiểu số của tôi.

Tôi thấy mình “có lãi" trên hành trình khám phá tri thức

Hành trình xuống Hà Nội, trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Việt Nam, những khó khăn mà Ly Minh Cường gặp phải trên hành trình này thế nào và đã cố gắng ra sao để có thể hiện thực hóa giấc mơ đó của mình?

Ly Minh Cường: Tôi khá mông lung. Lúc đó tôi chỉ nghĩ mình xuống Hà Nội để học thôi, không hề nghĩ đến việc bản thân phải học gì, làm gì. Sau một thời gian tiếp xúc với âm nhạc, tôi nhận ra các bài học càng ngày càng khó đối với tôi. 

Rào cản mà tôi gặp phải chính là khoảng cách giữa tôi và các bạn cùng trang lứa. Đó là sự cách biệt giữa miền ngược và thành thị. Những hạn chế ban đầu đó khiến tôi gặp khó khăn trong giao tiếp, hoà nhập.

Tuy nhiên, bản thân tôi là một người hướng ngoại. Tôi trong mắt các bạn là một điều mới lạ. Từ đó, sự tò mò về “điều mới lạ" đã kéo tôi và các bạn lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và trở nên thân thiết. Chúng tôi chia sẻ sự khác biệt của nhau, những điều mới mẻ mang đến sự giao thoa văn hóa vùng miền tạo nên sự gắn kết. 

Từ đó, tôi giống như các bạn của mình, từ một cái đầu trống rỗng, tôi dần dần có mục tiêu để phấn đấu, một tinh thần học hỏi không ngừng...

Khi tham gia các hoạt động biểu diễn ở trong và ngoài nhà trường, tôi nhận ra tình yêu quê hương trong mình lại càng dấy lên gấp nhiều lần hơn. Tôi nghĩ bản thân cần làm gì đó cho quê hương, cần có một hành động cụ thể. 

Tôi bắt đầu tham gia các cuộc thi, bước lên những sân khấu lớn, và cũng không ngừng trau dồi kiến thức. Tôi thường không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để học hỏi ở mỗi một cuộc thi hoặc một chương trình biểu diễn nào đó. 

Sự va chạm và cọ xát đó đã mang về cho tôi một số giải thưởng lớn nhỏ. Quan trọng hơn là tôi thấy mình “có lãi" trên hành trình khám phá tri thức và khám phá chính mình.

Ly Minh Cường: Văn hoá Mông cho tôi sống một đời “có lãi"- Ảnh 1.

Hình ảnh một chàng trai người Mông ở một bản làng xa xôi đang dần trưởng thành, đang bước ra thế giới, đó là một chặng đường rất dài và rất xa. Không thể coi rằng, những gì Ly Minh Cường đạt được là may mắn. Chắc hẳn đó là một sự rèn luyện chăm chỉ, nỗ lực học tập, để có thể cất lên “tiếng nói" thay cho cộng đồng của mình - tiếng nói của tài năng!

Ly Minh Cường đã có những cơ hội như nào, cố gắng ra sao để có được ngày hôm nay?

Ly Minh Cường: Khác với đa số bạn bè, tôi không chơi game, cũng không tham gia mạng xã hội. Bố tôi luôn nhắc nhở rằng" “Con hãy tập trung vào việc học". Bố tôi đã truyền cho tôi rất nhiều động lực để học tập không ngừng với mong muốn đơn giản khi ấy là được đi ngắm Hồ Gươm, tới thăm Lăng Bác và khám phá các di tích lịch sử.

Nhà tôi làm nghề chế biến chè shan tuyết cổ thụ, nhờ đó, tôi cũng có cơ hội gặp gỡ những người khách đến từ Hà Nội tới với nhà của mình. Dịp đó, người khách lớn tuổi tình cờ nghe thấy tôi thổi sáo. Người khách khi đó rất thích thú và tiến lại nói chuyện với tôi, động viên tôi hãy chịu khó học hành để về thủ đô học tập, phát triển hơn. Người khách ấy sau này là bố nuôi của tôi. 

Khi xuống Hà Nội, tôi bắt đầu tập trung vào thế mạnh của bản thân, đó chính là âm nhạc. Thêm vào đó, tôi ra sức học văn hoá. Nhưng càng sống ở Hà Nội, tôi càng nhận ra bản thân mình may mắn biết bao nhiêu, khi tôi được “tắm mình" trong cái nôi văn hoá của dân tộc, thả hồn vào những điệu nhạc, lễ hội, phong tục, tập quán của người Mông suốt những năm tháng tuổi thơ. 

“Chỉ có văn hoá mới là điều bền nhất để sống trong hiện tại và hướng tới tương lai. Càng văn hoá, càng bản địa thì càng quốc tế”. Tôi ngày càng tự tin để phóng mình ra “biển lớn", tham gia các cuộc thi của nước ngoài để có cơ hội “khoe" với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc.

Ly Minh Cường

Ly Minh Cường có rất nhiều lần tiếp xúc với các bạn dân tộc thiểu số, có chung hoàn cảnh và xuất phát điểm từ những vùng núi xa xôi, xuống thành phố lớn để học tập, theo đuổi ước mơ, thay đổi cuộc đời. Cường và các bạn đã gặp phải những khó khăn cụ thể nào?

Ly Minh Cường: Tôi nghĩ vấn đề đầu tiên cũng là hàng đầu đối với tôi và các bạn sinh viên dân tộc thiểu số là vấn đề kinh tế. Hiện tại, các trường đều có học bổng cho những sinh viên như tôi. Tuy nhiên, học bổng thường được trao vào cuối kỳ. Cho nên chuyện ăn uống, phí thuê trọ hay phí ở ký túc xá, là những thứ chúng tôi phải lo hàng ngày.

Khi vừa xuống Hà Nội, tôi và các bạn đều cần một khoảng thời gian nhất định để hòa nhập với môi trường mới. Lúc đầu, chúng tôi còn không dám tự đi xe ra đường vì giao thông đông đúc, gặp gỡ ai cũng sợ nên chưa thể đi làm thêm ngay được. Nên một số bạn đã không thể trụ lại được trước những khó khăn đó. Gánh nặng tài chính quá lớn khiến các bạn gần như suy sụp. 

Bởi vậy, đối với tôi hay các bạn khác, muốn xác định có thể theo học dài hơi tại đây, cần phải thật vững vàng, chịu khó làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh và tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình.

Khi được học hành, chúng tôi cũng xác định rõ hơn về lý tưởng của bản thân. Tuy nhiên, sau khi học xong, làm gì, xin việc ở đâu, về quê hay ở lại… vẫn là vấn đề hóc búa đối với chúng tôi. 

Phong tục của rất nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số là gắn liền với quê hương, cội nguồn. Nhiều bạn học xong quay về, lại không thể thi đỗ công chức, viên chức, không có việc làm như những gì mình đã học... 

Lúc đi học thì mong đến lúc tốt nghiệp. Lúc tốt nghiệp thì lại đồng nghĩa với thất nghiệp. Chúng tôi theo đuổi ước mơ rồi bị ước mơ vùi dập vì thực tế “cơm áo gạo tiền". Hiện tại và tương lai đều rất mông lung.

Ly Minh Cường

Ly Minh Cường tại "Show của Đen".

Có câu nói rất hay là: “Cuối cùng rồi sẽ ổn thôi. Nếu chưa ổn thì chưa phải cuối cùng". Bởi thế, tôi nghĩ, tôi hay các bạn đều cần bươn chải, va chạm, tuổi trẻ còn dài và tương lai còn ở phía trước, ai cũng có may mắn riêng của mình. Trên hành trình khám phá, đừng bao giờ bỏ cuộc.

Là một người trẻ, Cường có sợ đánh mất bản thân trước những cám dỗ về vật chất, danh vọng, sự nổi tiếng hay không?

Ly Minh Cường: Tiền bạc thì ai cũng cần. Trong một cuốn sách tôi từng đọc, có một câu tôi rất tâm đắc: “Biết đủ là hạnh phúc". Tôi cũng như bao người khác, cần sự ổn định về kinh tế. Nhưng trước những cơ hội mà có thể khiến tôi đánh mất bản thân, hoặc ảnh hưởng đến gia đình và người thân của mình, tôi sẽ không chọn.

Tôi chỉ sống một đời thôi. Sự giàu có, nổi tiếng không quan trọng với tôi bằng sự bình yên, bằng những giá trị cộng đồng mà tôi có thể làm.

Ly Minh Cường có thể nói gì với tư cách một người trẻ nói về khái niệm “thành công" trong cuộc sống?

Ly Minh Cường: Tôi nghĩ đơn giản thôi, tôi chỉ coi thành công như một hành trình. Ví dụ tôi đang ở quãng tuổi 20 thì tôi đặt câu hỏi với chính mình là: “Tuổi 20 nên làm gì?”. 

Thành công không phải đích đến. Với tôi nó là những nấc thang, tôi bước từng bậc, từng bậc một, khai phá những giới hạn của bản thân. Ví dụ như lúc trước, tôi chỉ thổi sáo cho bố mẹ tôi nghe. Rồi tôi bước đến những sân khấu có hàng nghìn rồi hàng chục nghìn khán giả. Tôi không bao giờ chỉ đứng ở một điểm. Tôi coi việc đem văn hoá người Mông tới gần hơn với khán giả, với cộng đồng lớn trong nước và quốc tế là một “thành công" mà tôi khá tự hào.

Tôi luôn băn khoăn về việc làm sao để những người trẻ như tôi có thể gìn giữ và phát triển văn hoá cộng đồng. Làm thế nào để vừa giữ được bản sắc, vừa hòa nhập được với đất nước và thế giới. 

Thế hệ của công dân toàn cầu, là đại diện cho một cộng đồng dân tộc thiểu số, tôi tự hào mang khèn Mông ra nước ngoài. Kể với bạn bè quốc tế về nhạc cụ truyền thống của người Mông. 

Tôi cũng cùng những bạn khác nữa, tạo ra một Nhóm mang tên “Người Mông xuống phố" để kể với tất cả mọi người về bản sắc Mông, những lễ hội, nhạc cụ, những bộ trang phục truyền thống. 

Tôi tin rằng những sắc màu của 54 dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển, sẽ làm nên nét đặc biệt, để cùng nhau kể câu chuyện văn hoá đầy tự hào, phong phú khi bước ra biển lớn. 

Di sản văn hoá còn lại chút nào trong tương lai, phụ thuộc rất nhiều vào những người trẻ.

Ly Minh Cường

Theo Ly Minh Cường, văn hoá có phải đang “mai một" trong nếp sống của những người trẻ, trong những con đường và ngôi nhà bê tông hoá? Liệu sau này có bạn trẻ nào cần mẫn ngồi trồng lanh, dệt vải; thêu thùa, nhuộm chàm, xâu cườm, và tự tay làm tất cả những món đồ truyền thống như thế hệ các bà các mẹ đã và đang làm?
Ly Minh Cường: Văn hoá Mông cho tôi sống một đời “có lãi"- Ảnh 5.

Ly Minh Cường: Tôi tin rằng chuyện này phụ thuộc rất nhiều vào tư duy và hành động của những người trẻ. Hay nói cách khác là: “Những người trẻ muốn nhìn di sản văn hóa trong tương lai như thế nào?

Muốn con cháu hiểu thế nào về văn hoá dân tộc?”. Bản thân tôi là một người may mắn đi lên từ văn hoá. Nhờ văn hoá của chính cộng đồng mình mà tôi có cơ hội được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết thêm nhiều điều mới lạ. 

Cái nôi văn hoá đã chắp cánh cho tôi, nâng tôi lên. Bởi thế, nếu như đánh mất đi văn hoá của dân tộc mình, con cháu của chúng tôi sau này sẽ dựa vào đâu để đi xa, cái gì sẽ nâng họ lên? 

Văn hóa là cội nguồn. Nếu từ bỏ văn hoá là từ bỏ chính mình. Những việc tôi đang làm vô cùng nhỏ bé, nhưng tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong cộng đồng mình, tiếp tục giữ gìn bản sắc, tự tin và vững bước đi lên.

Ly Minh Cường có chia sẻ gì với các bạn trẻ hay không?

Ly Minh Cường: Tôi mong rằng là các bạn trẻ trong cộng đồng dân tộc thiểu số như tôi, dù đi xa, bay cao hoặc đạt được những thành tựu nhất định cũng đừng quên rằng sau chúng ta, những điều tạo ra chúng ta của hiện tại chính là cội nguồn, là tổ tiên, là ông bà cha mẹ và chính là văn hoá. Đó là di sản, với đạo đức làm người, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và thực hành. 

Hy vọng tất cả các bạn trẻ đều tìm được tình yêu trong văn hoá. Coi văn hoá là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường, giúp chúng ta khai phá bản thân. Nói một cách đầy cảm hứng chính là: “Trước khi vươn lên bầu trời cao rộng, chân mình hãy cắm rễ sâu vào lòng đất.”

Ly Minh Cường: Văn hoá Mông cho tôi sống một đời “có lãi"- Ảnh 6.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ly-minh-cuong-van-hoa-mong-cho-toi-song-mot-doi-co-lai-179240709143441421.htm