Lý do đồng Yên tiếp tục rớt giá dù Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm
Đồng Yên vẫn đối mặt với áp lực mất giá lớn do chênh lệch lãi suất, giữa một bên là lãi suất ở mức siêu thấp của Nhật và một bên là lãi suất ở mức cao nhất 23 năm của Mỹ.
Tỉ giá đồng Yên Nhật sau khi Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất
Ngày 20/3, giá đồng Yên Nhật xuống thấp nhất trong 16 năm so với euro và 4 tháng với USD, dù nước này đã chấm dứt lãi suất âm. Như vậy giá Yên giảm 0,3% so với đồng bạc xanh, ở mức 151 Yên đổi 1 USD. Đây là mức giá này thấp nhất trong 4 tháng qua.
So với euro, đồng tiền của Nhật thấp nhất từ năm 2008, khi 164,3 Yên mới đổi được 1 euro. Yen cũng xuống đáy so với bảng Anh, 192,3 Yên đổi một bảng.
Dù ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thông báo nâng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm, chấm dứt chính sách lãi suất âm, đồng Yên vẫn tiếp tục rớt giá.
Đồng Yên Nhật có thể tiếp tục yếu đi
Chiến lược gia Shoki Omori của công ty chứng khoán Mizuho Securities nhận định, một số tín hiệu mềm mỏng trong quyết định lãi suất của BOJ sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên tỉ giá đồng Yên và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản. "Khối lượng mua trái phiếu của BOJ về cơ bản vẫn duy trì, đồng nghĩa BOJ không thực sự chuyển sang một lập trường cứng rắn", ông Omori nói với hãng tin Reuters, đồng thời kỳ vọng đồng Yên tiếp tục giảm giá.
"Đồng Yên vẫn là một đồng tiền cấp vốn (funding currency, chỉ đồng tiền có lãi suất thấp hơn thường được dùng trong giao dịch chênh lệch lãi suất - carry trade), và có thể tiếp tục được sử dụng phổ biến cho giao dịch chênh lệch lãi suất", vị chiến lược gia nhấn mạnh.
Còn chiến lược gia Christopher Wong tại OCBC nhận định, thị trường một lần nữa hướng đến mốc 152 Yên đổi 1 USD". Chuyên gia này cho rằng diễn biến của đồng tiền này trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào lãi suất Mỹ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định chính sách mới.
Daniela Hathorn - nhà phân tích thị trường tại Capital.com cho rằng các quan điểm mang tính nới lỏng của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã chấm dứt kỳ vọng lạc quan vào đồng Yên. "Yên có thể tiếp tục yếu đi, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương khác trì hoãn việc giảm lãi suất", ông giải thích.
Cơ sở khiến BOJ điều chỉnh chính sách tiền tệ là tiền lương và lạm phát ở Nhật Bản đang tăng rõ rệt sau nhiều năm, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chìm trong giảm phát.
Ngoài ra, giới đầu tư đang ngày càng tin tưởng về triển vọng kinh tế Nhật Bản. Tháng 2 năm nay, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản đã vượt qua mức đỉnh thiết lập cách đây 34 năm.
Ông Kazuo Ueda cho biết việc đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững đã trong tầm tay, nhưng vẫn còn tiềm tàng những rủi ro về tiền lương và tiêu dùng. Do đó, Thống đốc BOJ ám chỉ lãi suất sẽ không tăng mạnh chừng nào kỳ vọng lạm phát còn chưa chắc chắn ở mức 2%.
Nhà kinh tế Masamichi Adachi của ngân hàng UBS dự báo BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức 0,25% vào mùa thu năm nay và tiếp tục có một đợt tăng nữa vào mùa xuân năm 2025 nếu các điều kiện kinh tế ở Mỹ còn mạnh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ly-do-dong-yen-tiep-tuc-rot-gia-du-nhat-ban-cham-dut-lai-suat-am-179240320123357196.htm