Loạt "vũ khí tử thần" của Nga trong xung đột với Ukraine được khách hàng toàn cầu săn đón

17:17 - 25/02/2023

Các công ty quốc phòng Nga đã sẵn sàng ký hợp đồng xuất khẩu mới trong bối cảnh xung đột ở Ukraine càng "gây sốt" thêm thị trường mua bán vũ khí.

6 'vũ khí tử thần' của Nga trong xung đột với Ukraine được khách hàng toàn cầu săn đón - Ảnh 1.

Chiến đấu cơ Su-57E. (Nguồn: Rosoboronexport)

Ông Alexander Mikheyev, Giám đốc điều hành của Rosoboronexport, cho biết các đối tác nước ngoài ngày càng quan tâm đến một số hệ thống vũ khí đã hoạt động cực kỳ tốt "trong bối cảnh của chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Các hệ thống vũ khí này bao gồm trực thăng Ka-52E và Mi-171Sh, máy bay chiến đấu Su-57E và Su-35, tổ hợp chiến thuật Iskander-E và xe tăng T-90M.

“Tất nhiên, các đối tác nước ngoài của chúng tôi rất quan tâm đến thông tin về vũ khí và thiết bị quân sự trong thực tế chiến đấu. Chúng tôi được biết rằng họ đang nghiên cứu các tài liệu chính thức được xuất bản bởi Bộ Quốc phòng Nga và từ các phương tiện truyền thông Nga", ông Alexander Mikheyev nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành của Rosoboronexport cũng tiết lộ các đối tác của họ quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm hiện đại, đặc biệt là máy bay trực thăng Ka-52E và Mi-171Sh, máy bay chiến đấu Su-57E và Su-35, hệ thống tác chiến - chiến thuật Iskander-E, xe tăng T-90M Proryv.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, một số báo cáo đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp nước này đã cố gắng tăng cường sản xuất bất chấp những hạn chế. Ông Mikheyev cũng đảm bảo rằng mặc dù nhu cầu về vũ khí của quân đội Nga ngày càng tăng, nhưng ngành công nghiệp của nước này vẫn đang trên đà hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu như kế hoạch ban đầu.

“Trong bối cảnh quân đội Nga đang bận rộn thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhất, ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi trước hết phải đáp ứng nhu cầu của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, các doanh nghiệp của chúng tôi đã thực hiện thành công các hợp đồng hiện tại và không gặp trở ngại nào trong việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới”, lãnh đạo Rosoboronexport khẳng định.

Dưới đây là 6 loại vũ khí Nga đã thử nghiệm chiến đấu và đang được các đối tác đặc biệt quan tâm:

6 'vũ khí tử thần' của Nga trong xung đột với Ukraine được khách hàng toàn cầu săn đón - Ảnh 3.

Hệ thống tên lửa Iskander-M. (Nguồn: Eurasian Times)

Iskander-M

Một trong những tên lửa mà Nga đã triển khai rộng rãi trong chiến dịch quân sự tại Ukraine với độ chính xác vượt trội và sức công phá khủng khiếp là Iskander-M. Đây là một hệ thống tên lửa đạn đạo di động độc đáo với tầm bắn 400km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Iskander-M được kết nối với một hệ thống cảm biến và tên lửa nối mạng có thể nhanh chóng tấn công các mục tiêu xung quanh. Ngoài ra, hệ thống tên lửa này còn chứa các thiết bị gây nhiễu để ngăn chặn những sự tìm kiếm của đối phương và có khả năng cơ động nhanh ở giai đoạn cuối.

Sau nhiều thành công trong chiến đấu, tên lửa này cũng đã được chuyển giao cho Belarus vào tháng 12 năm ngoái.

Phiên bản xuất khẩu của tên lửa này, Iskander-E, được cho là đang được nhiều khách hàng nước ngoài để mắt tới. Iskander-E đã được sửa đổi bằng cách hạ thấp phạm vi hoạt động xuống còn hơn 280km.

Trong những năm qua, hệ thống tên lửa này đã được xuất khẩu sang Armenia và Algeria, nhưng hiệu suất chiến đấu gần đây của chúng đang được Rosoboronexport tận dụng để tăng lượng xuất khẩu.

6 'vũ khí tử thần' của Nga trong xung đột với Ukraine được khách hàng toàn cầu săn đón - Ảnh 4.

Trực thăng tấn công Ka-52 Alligator. (Nguồn: Eurasian Times)

Trực thăng tấn công Ka-52 Alligator và Mi-171Sh

Hiện nay, Nga cũng đang triển khai rộng rãi hai loại trực thăng là Ka-52 Alligator và Mi-171Sh vào trong thực tế. Hồi tháng 5/2022, Giám đốc Rosoboronexport từng tuyên bố: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao việc sử dụng khí tài của mình trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Máy bay trực thăng quân sự Ka-52 và Mi-28N và phiên bản xuất khẩu Mi-171Sh của máy bay cánh quạt Mi-8AMTSh đã được sử dụng thành công”.

Ka-52 Alligator là một máy bay trực thăng tấn công mặt đất tiên tiến được triển khai để tiêu diệt xe tăng và bộ binh bằng cách sử dụng vũ khí tối tân.

Trong khi đó, Mi-171Sh là trực thăng vận tải quân sự được thiết kế đặc biệt để hoạt động trong các nhiệm vụ chiến đấu. Cả hai chiếc trực thăng này đã từng được trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải tại Trung Quốc vào tháng 11/2022.

Mặc dù Nga đã tổn thất khá nhiều trực thăng tấn công Ka-52 trong chiến dịch, nhưng loại vũ khí này đã chứng tỏ hiệu quả của mình với tỷ lệ công suất trên trọng lượng được cải thiện, khả năng cơ động, hiệu suất, đặc tính vận hành, thiết bị vô tuyến điện tử, vũ khí mạnh và hệ thống hỗ trợ phòng thủ.

Ka-52E là phiên bản xuất khẩu của loại trực thăng này.

6 'vũ khí tử thần' của Nga trong xung đột với Ukraine được khách hàng toàn cầu săn đón - Ảnh 6.

Máy bay Su-35. (Nguồn: Eurasian Times)

Máy bay chiến đấu Su-57 và Su-35

Một nhóm hệ thống khác mà Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu là máy bay chiến đấu Su-57 và Su-35. Su-35 được coi như chiến mã của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga (VKS), một loại máy bay chiến đấu một chỗ, hai động cơ, siêu cơ động mà VKS đã sử dụng rộng rãi tại xung đột ở Ukraine.

Bên cạnh đó, Nga được cho là đã bán khoảng 20 chiếc máy bay phản lực loại này cho Iran do mối quan hệ đối tác quốc phòng ngày càng tăng giữa hai nước.

Mặc dù Su-35 đã tham gia từ những ngày đầu của cuộc xung đột, nhưng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 chỉ mới "nhập cuộc" vào cuối năm ngoái.

Khả năng tàng hình cho phép máy bay này thực hiện các cuộc tuần tra chiến đấu và bắn tên lửa tầm xa mà không bị phát hiện. Nga đang đặt cược lớn vào việc xuất khẩu loại máy bay chiến đấu tiên tiến này.

Xe tăng T-90M

Tiếp theo trong danh sách là xe tăng T-90M, phiên bản nâng cấp của xe tăng T-90, được cải thiện lớp giáp bảo vệ với giáp phản ứng nổ (ERA) tích hợp Relikt, thay cho Kontakt-5 trước đó.

Xe tăng T-90M được trang bị vũ khí tốt hơn, cảm biến nhạy hơn và cải tiến điều khiển hỏa lực. Bản nâng cấp này cũng được trang bị hệ thống bảo vệ NBC (Hạt nhân, Sinh học & Hóa học) và hệ thống chữa cháy tự động.

Loại xe tăng này đã nhiều lần được tham gia xung đột, bao gồm cả ở Ukraine. Mặc dù Nga đã thiệt hại một số xe tăng do súng và tên lửa chống tăng của Ukraine, nhưng các tính năng tiên tiến của những chiếc xe tăng này vẫn được nhà xuất khẩu vũ khí Nga nhấn mạnh nhiều lần.

Bên cạnh 6 hệ thống vũ khí đề cập kể trên, ông Alexander Mikheyev cho biết các đối tác nước ngoài cũng quan tâm đến phương tiện chiến đấu hỗ trợ xe tăng (BMPT), hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-1A, đạn dẫn đường cho pháo binh, Orlan-10E, máy bay không người lái Orion-E và hệ thống tên lửa bờ biển.

Ngoài ra, các hệ thống tên lửa Club-S và Club-N, hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1, hệ thống tên lửa phòng không Viking, hệ thống phòng không Tor, Igla-S, Verba MANPADS và nhiều hệ thống tác chiến điện tử khác, cũng là một trong các mặt hàng xuất khẩu phổ biến của Nga.

Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/loat-vu-khi-tu-than-cua-nga-trong-xung-dot-voi-ukraine-duoc-khach-hang-toan-cau-san-don-179230225163937498.htm