Liệu dịch COVID-19 có bùng phát sau nghỉ lễ 30/4, 1/5?
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay học sinh, sinh viên và người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tiếp. Dù số ca mắc COVID-19 có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế như đợt dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam năm 2021 là khó xảy ra.
Phát hiện thêm nhiều biến thể phụ mới của Omicron
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến dịch COVID-19, ngày 21/4, từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện các biến thể phụ mới của Omicron bao gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Từ ngày 8-14/4, có 11 trong 13 mẫu giám sát dịch tễ do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cho kết quả là biến thể phụ mới, ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại thành phố gần đây (XBB.1.5), còn có 7 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác bao gồm: XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1.
Những biến thể phụ mới phát hiện tại thành phố cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).
Điều đáng lo ngại là ngoài một biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, còn có thêm biến thể phụ XBB.1.16 vừa được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi, biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ.
Việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 trong mấy ngày qua tại thành phố và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Hiện nay, chưa có báo cáo từ các nước trên thế giới cho thấy mối liên quan giữa các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs) với tình trạng mắc COVID-19 nặng hơn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy số ca mắc mới tăng nên sẽ dẫn đến số ca nhập viện tăng là khó tránh. Mặc khác, hầu hết những ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Dịch COVID-19 khó bùng phát lớn
Theo VGP, trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dù số ca mắc có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng mạnh như đợt dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam năm 2021 là khó xảy ra. Bởi hiện biến chủng phụ dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng.
Tuy nhiên, ngành y tế cần đánh giá lại nguy cơ của COVID-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không.
Từ đó có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để chủ động trong công tác phòng chống dịch.
Nghỉ lễ 30/4 và 1/5 liên tiếp 5 ngày
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2023 liền sát với dịp nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương. Do đó, học sinh, sinh viên và người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tiếp và bắt đầu quay lại làm việc vào ngày 4/5 (Thứ năm).
Cụ thể, ngoài 3 ngày nghỉ chính thức gồm Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng, Ngày Quốc tế Lao Động thì người lao động, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức còn được nghỉ bù thêm 2 ngày do Giỗ Tổ Hùng Vương (29/4) và Ngày Chiến thắng (30/4) rơi vào thứ bảy, chủ nhật. Kỳ nghỉ bắt đầu từ ngày 29/4, kéo dài đến hết ngày 3/5.
Những ai có lịch làm việc vào thứ bảy thì chỉ nghỉ bù 1 ngày (2/5) và quay lại làm việc vào ngày 3/5 (Thứ tư).
Hơn 2.000 ca mắc COVID-19 ngày 22/4
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 22/4 của Bộ Y tế cho biết, có 2.337 ca mắc COVID-19 mới, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày có 532 bệnh nhân khỏi, cao nhất trong vài tuần qua. Hiện có 123 bệnh nhân thở oxy.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.543.059 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.651 ca nhiễm).
Trong ngày ghi nhận 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tại Hà Nội. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.187 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch, thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 là: 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/4 cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp hơn trước khi virus phát triển theo hướng mà giới chuyên môn có thể đoán định. Tổ chức Y tế thế giới vẫn theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, dự báo dịch bệnh này sẽ còn dai dẳng.
Trước đó, Tổ chức này đã đưa ra khuyến nghị về điều chỉnh lộ trình ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trong tình hình hiện nay. Theo đó, tiếp tục ưu tiên bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh có biến chứng nặng và tử vong cao khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lieu-dich-covid-19-co-bung-phat-sau-nghi-le-30-4-1-5-179230423173035904.htm