Liệu bệnh đậu mùa khỉ đã ở mức tình trạng y tế khẩn cấp?
Ngày 23/6 tới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn nhằm đánh giá liệu có ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới hiện nay hay không.
Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện này rất đáng quan ngại và bất thường. Do vậy, ông quyết định triệu tập cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp vào tuần tới nhằm đánh giá liệu đợt dịch này có phải là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng hay không.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được xem mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra. Trước đó, WHO đã có quyết định tương tự đối với dịch COVID-19 và bệnh bại liệt.
Theo WHO, từ đầu năm đến nay, đã có 1.600 ca mắc và 1.500 ca nghi mắc cùng 72 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ tại 39 quốc gia, trong đó có những nước không ghi nhận bệnh này là bệnh đặc hữu.
Tại nhiều nước tại châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu. Bệnh này thường gây triệu chứng giống như cúm, gây tổn thương da và thường truyền nhiễm qua đường tiếp xúc gần.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã đến lúc cân nhắc tăng cường phòng bệnh gây bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh này đang có dấu hiệu lây lan bất thường với nhiều quốc gia hơn ghi nhận ca mắc. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các nước. Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO tại châu Phi Ibrahima Socé Fall nhấn mạnh không muốn đợi tình hình dịch nằm ngoài tầm kiểm soát.
Các quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm Cameroon, Trung Phi, Cộng hòa Congo-Brazzaville, Cộng hòa dân chủ Congo, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Côte d'Ivoire và Ghana.
Tuy nhiên, trong thời gian đây, bệnh này đã xuất hiện tại nhiều nước châu Âu, đơn cử như Anh ghi nhận số ca mắc đậu mùa khỉ cao nhất - 207 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha (156 ca), Bồ Đào Nha (138 ca), Canada (58 ca) và Đức (57 ca)... khiến giới chức y tế thế giới không khỏi lo ngại.
Vaccine phòng chống
bệnh đậu mùa khỉ?
Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), làn sóng ca bệnh hiện tại không liên quan đến việc du lịch đến các khu vực Trung hoặc Tây Phi nơi dịch bệnh lưu hành. Do đó, sự xuất hiện và lây lan của virus này là một hiện tượng mới.
Hầu hết các trường hợp đều có các triệu chứng nhẹ, nhưng những người bị bệnh được khuyên nên tự cách ly trong một thời gian. Rất ít khả năng lây lan trên diện rộng trong cộng đồng.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 14/6, Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic để mua khoảng 110.000 liều vaccine phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Công ty Bavarian Nordic cho biết việc giao hàng sẽ bắt đầu ngay lập tức và sẽ hoàn thành trong những tháng tới.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, vaccine của Bavarian Nordic được tiếp thị là Imvanex ở châu Âu và Jynneos ở Mỹ, đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt để phòng bệnh đậu mùa chứ không phải nhằm phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo EC, vaccine đậu mùa cũng bảo vệ mọi người chống lại bệnh đậu mùa khỉ vì loại virus này có liên quan chặt chẽ với virus đậu mùa. EMA hiện đang thảo luận với Bavarian Nordic để đăng ký Imvanex là vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Trước đó, cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ đã chấp thuận cho sử dụng vaccine ngừa bệnh đậu mùa của Bavarian Nordic để ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Giới chuyên gia Italy ngày 13/6 cho biết, các mảnh của virus đậu mùa khỉ đã được phát hiện trong tinh dịch của một số bệnh nhân ở Italy. Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc liệu căn bệnh này có lây truyền qua đường tình dục hay không.
Virus đậu mùa khỉ được cho là lây lan qua việc tiếp xúc gần với một người mắc bệnh - có thể lây truyền virus thông qua các tổn thương trên da hoặc giọt bắn. Trong đợt bùng phát dịch hiện nay, nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở những người có quan hệ đồng giới.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lieu-benh-dau-mua-khi-da-o-muc-tinh-trang-y-te-khan-cap-179220615101625291.htm