Làn sóng giáo viên nghỉ việc: Định mức cào bằng nhưng lương chênh lệch đến mấy lần
Ngoài chế độ tiền lương còn nhiều bất cập, định mức giảng dạy của giáo viên từng cấp học hiện nay được thực hiện như nhau nhưng lương, phụ cấp lại chênh lệch nhau đến mấy lần.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin năm học vừa qua, cả nước có 1,6 triệu giáo viên các cấp, nhưng có tới 1% giáo viên xin nghỉ việc. Như vậy, 1% giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tương đương với khoảng 16 nghìn giáo viên các cấp học hiện nay. Một số tỉnh có số lượng giáo viên nghỉ việc nhiều như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đang khiến cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gặp nhiều khó khăn.
Làm việc theo định mức, lương hưởng theo… năm công tác
Làn sóng giáo viên nghỉ việc được phân tích có nhiều nguyên nhân, trong đó, còn một nguyên nhân nữa mà nhiều người đều thấy, trực tiếp ảnh hưởng đến công việc hằng ngày của các giáo viên. Ngoài chế độ tiền lương bất cập, định mức giảng dạy của giáo viên từng cấp học được thực hiện như nhau nhưng lương, phụ cấp lại chênh lệch nhau đến mấy lần. Từ đây, dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên trẻ, giáo viên có chuyên môn giỏi chán nản và mất dần động lực phấn đấu và có người chuyển sang trường tư hoặc chuyển sang công việc khác.
Theo định mức giảng dạy hiện nay đối với giáo viên tiểu học - không kể dạy môn gì đều phải dạy 23 tiết/tuần; giáo viên Trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần; giáo viên Trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần. Nếu không đủ số tiết này, Ban giám hiệu nhà trường sẽ điều động làm một số việc khác như làm giám thị, trực văn phòng… (mỗi tiết dạy bằng 3 tiết trực hành chính).
Như vậy, về nguyên tắc là giáo viên trong cùng cấp học đều được giao định mức công việc như nhau, không phân biệt môn này với môn khác - cho dù mỗi môn học có những đặc thù riêng. Thế nhưng, lương, phụ cấp nhà giáo lại trả hoàn toàn khác nhau.
Giáo viên có trình độ đại học được tuyển dụng làm viên chức ngành giáo dục sẽ qua 12 tháng tập sự, hưởng 85% lương theo hệ số 2,34. Hết tập sự thì 3 năm tiếp theo tiếp tục hưởng lương bậc 1 hệ số 2,34 của lương cơ sở hiện nay là 1.490 000 đồng (khoảng hơn 3 triệu đồng/ tháng). Hết 5 năm công tác thì bắt đầu được hưởng phụ cấp thâm niên - mỗi năm 1%. Và, nếu không lập được thành tích đặc biệt xuất sắc, không bị kỷ luật thì 3 năm sẽ lên 1 bậc lương có hệ số 0,33.
Như vậy, giáo viên càng có thâm niên công tác lâu năm thì lương, phụ cấp thâm niên càng cao mà không cần quan tâm đến hiệu quả công việc, khả năng chuyên môn của nhà giáo đó như thế nào - miễn là không bị xử lý kỷ luật. Chỉ cần được tuyển dụng chính thức thì cứ "đến hẹn" là lên lương. Vì thế, trong cùng một tổ chuyên môn, trong cùng một trường học thì nhiều giáo viên lớn tuổi có lương gấp đôi, thậm chí có người gấp 3, gấp gần 4 lần giáo viên trẻ.
Một tổ trưởng chuyên môn cấp Trung học cơ sở chia sẻ rằng, trong tổ của cô, cô là người có mức lương thấp nhất - dù đang phải đảm đương và gánh công việc phức tạp, vất vả nhất vì chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang triển khai. Theo quy định tại địa phương của cô đang công tác, giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ có thể dạy thiếu tiết - nếu tổ chuyên môn dư giáo viên nhưng bắt buộc tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phải dạy đủ 19 tiết/ tuần.
Sau 15 năm công tác, lương của cô đang được hưởng bậc 5, hệ số 3,66 và hưởng phụ cấp thâm niên là 13%. Mỗi tháng, sau khi trừ đi các loại bảo hiểm, phí bắt buộc thì cô được chuyển khoản khoảng 7 triệu đồng (nếu không bị trừ các loại quỹ do các đoàn thể phát động).
Trong khi đó, cũng trong tổ chuyên môn của cô, một số giáo viên lớn tuổi hơn, có người có mức thu nhập hàng tháng từ lương và phụ cấp gần 13 triệu đồng - gần gấp đôi lương tổ trưởng chuyên môn. Những giáo viên lâu năm được giao việc gì cũng lấy lý do lớn tuổi, sức khỏe yếu để né công việc, trong khi người trẻ thì được động viên gánh vác công việc. Chưa kể, giáo viên lâu năm không thể thạo công nghệ thông tin bằng lớp trẻ, phải nhờ tổ trưởng làm thay, đồng nghiệp làm giúp. Ngoài giáo án, kế hoạch giảng dạy nhờ người khác chia sẻ cho, in giúp thì ngay cả chuyện vào điểm trên phần mềm điện tử cũng phải nhờ đồng nghiệp khác làm thay vì không biết công nghệ thông tin...
Chính vì trả lương theo năm công tác như vậy nên không tránh được sức ì trong một bộ phận giáo viên hiện nay ở các trường công lập. Vì cái gì khó, cái gì phức tạp thì những giáo viên lớn tuổi hay "nhường" cho giáo viên trẻ nhưng ngoài chuyện lương, phụ cấp đang được chi trả theo chủ trương chung, những quyền lợi khác như xét thi đua, đánh giá viên chức cuối năm thì một số thầy cô lớn tuổi không bao giờ "nhường" bởi họ tự xem mình là cây đa, cây đề, là cây cao bóng cả trong tổ, trong trường.
Cải cách chế độ tiền lương mới giữ chân được giáo viên giỏi, giáo viên có tâm huyết ở lại trường công lập
Việc trả lương theo năm công tác ở ngành giáo dục hiện nay đã trở nên lạc hậu và không phù hợp với xu thế của xã hội. Những thầy cô lớn tuổi tất nhiên đã có một thời tuổi trẻ phấn đấu cho ngành nhưng không phải vì thế mà chúng ta xem nhẹ việc đãi ngộ đối với giáo viên trẻ, hoặc giáo viên có chuyên môn tốt hiện nay.
Không thể để tình trạng công việc, định mức giảng dạy được phân công như nhau, thậm chí những việc khó, việc phức tạp và hàng loạt phong trào được giao cho giáo viên trẻ, giáo viên có năng lực nhưng lương của họ lại thấp hơn nhiều lần những giáo viên khác vì thua năm công tác.
Những thầy cô lớn tuổi mà giỏi chuyên môn, vẫn còn "cháy với nghề", đam mê với công việc là may mắn của các trường học. Nhưn bên cạnh đó, hiện nay không thiếu tình trạng giáo viên lớn tuổi làm việc cầm chừng, làm để… chờ đủ năm công tác còn về hưu nên họ mất đi động lực phấn đấu, thay đổi và cái gì cũng phải nhờ giáo viên trẻ làm thay.
Với rất nhiều nguyên nhân mà Tạp chí Công dân và Khuyến học đã phân tích vấn đề làn sóng giáo viên nghỉ việc trong thời gian qua ở nhiều địa phương, chúng tôi thấy rằng sự chưa hợp lý bất cập trong lao động đặc thù nghề sư phạm đang tồn tại trong ngành giáo dục và đang rất cần thay đổi để "giữ chân" giáo viên trẻ, giáo viên có chuyên môn tốt và tâm huyết với nghề.
Nếu như, chính sách tiền lương của ngành giáo dục vẫn trả theo năm công tác sẽ khiến cho nhiều thầy cô trẻ, có năng lực hẫng hụt. Bởi, không chỉ tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường mà ngay cả một số hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục, thậm chí giám đốc sở giáo dục hiện nay có mức lương, phụ cấp thấp hơn rất nhiều những giáo viên không đảm nhận chức vụ chỉ vì thua… năm công tác.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lan-song-giao-vien-nghi-viec-dinh-muc-cao-bang-nhung-luong-chenh-lech-den-may-lan-179220907110917166.htm