Kinh đô Ngũ Lĩnh thời Kinh Dương Vương mở nước
Kinh đô Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương, người khởi đầu nước Xích Quỷ của người Việt là ở đâu?
Truyện Họ Hồng Bàng chép: Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục... Đế Minh phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước.
Kinh đô Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương, người khởi đầu nước Xích Quỷ của người Việt là ở đâu?
Các di tích hành cung của Tản Viên Sơn Thánh còn truyền lại cho tới ngày nay cho thấy, kinh đô Ngũ Lĩnh thời Kinh Dương Vương là vùng đất Sơn Tây - Ba Vì, bởi Kinh Dương Vương chính là Tản Viên Sơn Thánh. Truyện núi Tản Viên chép: "Tương truyền rằng đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu". Đây là chuyện Kinh Dương Vương ở Phong Châu (Gia Ninh) lấy Thần Long Động Đình (loài thủy tộc).
Các hành cung Tản Viên được mô tả trong cuốn Tản Lĩnh ngọc ký (Ngọc phả núi Tản) như sau: “Thượng thần cung tọa Càn hướng Khôn là chính điện; Trung, Hạ thần cung là nơi cầu đảo; Đông thần cung là nơi yết kiến; Nam thần cung, Bắc thần cung là nơi trú ngự. Từ đó [Sơn Thánh] tuân mệnh Thượng Đế thường cùng với Tứ phủ Công đồng ở hải đảo mà đi tuần xem vạn sự trong nhân gian”.
Ngũ hành cung Tản Viên hình thành một khu vực "kinh đô" của thời kỳ Kinh Dương Vương, được truyền thuyết Việt gọi là Ngũ Lĩnh. Mỗi một "Lĩnh" hay một "Thần cung" là một khu vực, trong đó lại bao gồm nhiều các "hành cung", nay là các đền, đình, di tích thờ Tản Viên Sơn. Hệ thống hành cung Thánh Tản lấy tên theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cùng Trung tâm và trục Thượng - Hạ. Quan niệm theo phương hướng và không gian là hệ thống từ rất xa xưa nằm trong thế giới quan cổ đại. Đó chính là Lạc đồ (đồ hình mặt đất) được truyền từ vị Thái Bạch Kim Tinh qua hình tượng cây gậy thần cho Thánh Tản.
Dựa trên các di tích thờ Thánh Tản và sự tích còn truyền lại ở từng nơi, có thể xác định các Thần cung Tản Viên hay vùng Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương như sau.
Thượng Thần Cung
Mặt sông Đà phía Tây Bắc núi Ba Vì đi lên đỉnh rất dốc và từ đền Thượng Ba Vì xuống đền Trung cũng không có lối đi. Hệ thống đền Thượng, Trung, Hạ Ba Vì nằm ở mạn núi này có thể coi là trong cùng một trục đứng chung, nên gọi là Thượng Thần cung. Các cung này ngoài thờ Tản Viên Sơn Thánh còn là nơi thờ các bậc “tiền bối” của Thánh Tản là Thái Bạch Kim Tinh (thầy của thánh Tản), Ma Thị Cao Sơn (mẹ nuôi Thánh Tản), Quốc mẫu Đinh Phi (mẹ đẻ Thánh Tản).
Hạ Thần Cung
Khu vực đất trũng thấp từ ven sông Hồng vào đến núi Ba Vì gồm một vòng cung các đầm hồ như đầm Long Bằng Tạ, hồ Suối Hai, đầm Đượng, hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô. Bởi thế xưa kia vùng này được gọi là Bể Cạn. Nơi đây vẫn lưu truyền “Sự tích đầm Đượng và mười sáu đường nước chảy”, khi đạo quân của Thủy Tinh đánh vào mạn Đông núi Ba Vì, Sơn Tinh hướng dẫn mọi người đắp núi ngăn nước, đan phên dậu, làm lưới, thả cây cối chặn đường nước. Hai bên đánh nhau rất ác liệt ở vùng đầm Đượng. Quân của Thủy Tinh thua to tan vỡ, chạy toán loạn thành mười sáu ngả. Ngày nay giữa đầm Đượng còn ngôi miếu cổ thuộc xã Thụy Phiêu, gọi là đền Hạc Hải hay miếu Đầm, ghi lại chiến tích trị thủy này của Sơn Thánh.
Không xa bờ đầm Đượng là đình Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì, một trong những ngôi đình thuộc loại cổ kính nhất ở nước ta, nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc từ thời Mạc. Tên gọi Bể Cạn của đầm Đượng chỉ ra nơi đây là nơi thấp nhất trong khu vực, tức là vùng Hạ Thần cung Tản Viên.
Trung Thần Cung
Vùng "hạ điền" (ruộng mùa hè) xưa, gần với ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì), được các thần tích về Tản Viên Sơn Thánh gọi là vùng Cổ Đằng, Tam Vật Lại. Đền Vật Lại tọa lạc tại một quả đồi hình đầu rồng hướng về sông Tích. Tục truyền Thánh Tản thường qua lại nơi này để dạy dân săn bắn và đánh cá. Trong đền có chuông lớn ghi “Trung Cung Chấn Trung” đúc thời vua Bảo Đại.
Không xa đền Vật Lại về phía Nam là đình Tây Đằng nổi tiếng. Đình Tây Đằng là ngôi đình cổ kính bậc nhất xứ Đoài, cũng như đặc biệt nổi tiếng về giá trị nghệ thuật điêu khắc kiến trúc đình làng với các mảng chạm khắc phong phú thời Hậu Lê, có họa tiết bay bổng và thần bí như tượng quần tiên tấu nhạc, tiên ôm rắn, cưỡi rồng, đùa hổ...
Nằm phía Bắc của khu vực này là đền Lác và đình Đồng Bảng, một cụm di tích cổ kính thuộc xã Đồng Thái, huyện Ba Vì. Đền Lác uy nghi nằm trên gò đồi nhỏ, có kiếu trúc thời Lê Trung Hưng với đầy đủ sân đình, giếng nước, tiền tế, trung cung và hậu cung. Đặc biệt theo bia tạo lệ lập thời Hậu Lê tại đình thì đây là Bắc Thần cung Tản Viên. Sự tích đền kể rằng mẹ con Thánh Tản dừng nghỉ ở nơi đây trên phiến đá nay còn lưu trong đền.
Nhìn tổng quan cụm di tích Vật Lại, Tây Đằng là cụm gần ven bờ ngã ba sông Bạch Hạc (vùng Động Đình) thủa xưa nhất. Các di tích khu vực này chỉ ra có một cụm các “tiểu hành cung” mà trong đó có khá đủ các cung Đông, Tây, Nam, Bắc xung quanh. Như vậy trong Thần cung lại có cung (điện), là một cách lý giải tại sao nhiều cung của Thánh Tản có tên hướng trùng lặp.
Tây Thần Cung
Tây Thần cung Tản Viên là vùng giáp sông Đà với các di tích Ngọc Nhị, Bằng Tạ, Khê Thượng (huyện Ba Vì). Đình Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì là ngôi đình của dân trưởng tạo lệ cho đền Thượng Ba Vì. Làng Ngọc Nhị được coi là anh cả trong việc lo nghi lễ thờ cúng, chăm sóc đền Thượng và đền Trung trên núi Ba Vì. Nơi đây còn lưu giữ được bản sách thần tích cổ về Tản Viên Sơn Thánh có tên Di tích thờ Tản Viên.
Trong sách này có ghi: Đại mẫu của Vương [Sơn Thánh] thường du ở bãi Trường Sa, gặp Lạc Long Quân đi đến đó (tới xã Bạn Sơn tạo đền một dãy để phụng thờ, gọi là đền Trung cung, lấy xã Sơn Bạn làm tạo lệ phụng thờ hương hỏa). Sơn Bạn nay là vùng xã Sơn Đà là nơi có đình Khê Thượng và đình Đan Thê. Đối diện bên kia sông Đà là bãi Trường Sa, nay là khu Đảo Ngọc Xanh. Tây Thần cung do đó có vai trò tạo lệ cho cụm đền Thượng, đền Trung và gắn kết với bãi Trường Sa, nơi quê mẹ Thánh mẫu Động Đình tại làng La Phù (Thanh Thủy) và vùng đất Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ.
Đông Thần Cung
Sách Di tích thờ Tản Viên có ghi: “Vương thường đi vãng du đến sông Tiểu Hoành xem đánh cá tới xã An Vệ huyện Ma Nghĩa thấy một khu Thanh Lan Bảo Sơn, có hình rồng chầu về tổ, mới lập làm cung xá để ở, lấy xã An Vệ làm tạo lệ phụng sự hương hỏa”. Thôn Vân Gia, xã An Vệ và Bảo Vệ huyện Tùng Thiện xưa nay thuộc thị xã Sơn Tây là nơi có đền Và hiện nay. Đền Và là nơi Thánh Tản cho dựng để làm Yết Cung, là nơi các quần thần yết kiến Thánh Tản, đóng vai trò nơi thiết triều cai quản việc nước của Thánh Tản Viên.
Lễ hội đền Và tiến hành xuân thu nhị kỳ. Trong hội xuân vào dịp rằm tháng Giêng sau lễ rước đi từ đền Và qua phần thị xã Sơn Tây ra bờ sông Hồng. Sau đó là lễ rước kiệu qua sông sang đền Ngự Dội, thuộc thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Sau khi làm lễ Mộc dục và tế lễ, đám rước lại trở về đền Và. Hội thu đền Và vào rằm tháng Chín gọi là hội Đả Ngư, tức nghĩa là đánh cá. Tục rước kiệu qua sông sang đền Ngự Dội và đánh cá thờ ở đền Và cho thấy tính hướng Đông ra phía biển của Đông Thần cung.
Nam Thần Cung
Tản Lĩnh ngọc ký chép: “[Sơn Thánh] Lại thường đi săn tới xã An Diệu huyện Mỹ Lương, tạo cung Mang Sơn, lưu ruộng thờ để cho việc thờ cúng, định việc hàng năm tiết Xuân, tiết Đông nhân dân các xã theo như lệ đánh cá cùng nhau thờ phụng”.
Hiện nay đền Mang Sơn tọa lạc trên một đồi thấp thuộc Sơn Đông, thị xã Sơn Tây. Theo truyền tích nơi đây, Sơn Tinh đã chỉ bảo phường săn ở rừng Măng (Mường) cách chăng lưới và làm bẫy để săn thú, bắt chim. Đây là ngôi đền nơi tổ chức chung lễ hội đầu năm của năm xã trong tổng Tường Phiêu xưa, gồm Sơn Đông, Sơn Trung, Tường Phiêu, Trạch Lôi, Thuần Mỹ, diễn ra từ mồng 6 đến 12 tháng Giêng.
Cung Mang Sơn nằm ở phía Nam cũng là cửa ngõ ra theo sông Tích, sông Bùi, sông Đáy ra phía Nam và Tây Nam. Các di tích hiện nay ở khu vực Mang Sơn như đình Thiên Mã, đình Triều Đông, đình Ngõ Bắc thuộc xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Khu vực này là chặng đầu mối bao gồm cả đường thủy theo sông Tích và đường bộ ra toàn bộ phía Nam và Tây Nam núi Ba Vì, đúng với nghĩa Nam Thần cung.
Bắc Thần Cung
Trong Di tích thờ Tản Viên có ghi: “Sau Đại vương... ngược sông Cái mà qua đất Long Biên, tiếp tới bến Chấn, muốn ở lại đó nhưng rồi lại ngược sông Lô lên thượng nguồn, qua huyện Phúc Lộc, tới bến Bạn Phiên, nhìn về núi xanh Tam Đảo, đất quý hội loan là đô thành cũ của Hùng Vương.”
Nơi Thánh Tản “tới bến Chấn, muốn ở lại đó” là khu Bắc Hồng, có đền Thính và đền Tranh nay thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là những ngôi đền có quy mô, cổ kính thờ Thánh Tản Viên Sơn trên đất Vĩnh Phúc. Các đền này là Bắc Thần cung Tản Viên. “Chấn” là hướng Đông, tức là thẳng xuất từ Đông Cung đền Và sang bên kia sông Cái, xưa hẳn còn rộng như biển tới tận khu đền Thính nay. Từ Yên Lạc, Bắc cung đền Thính xưa dòng sông Cà Lồ nối sông Cầu vẫn là thủy mạch chính sang phía Đông ra Lục Đầu giang và ra biển.
Từ vùng kinh đô Ngũ Lĩnh ở Ba Vì Sơn Tây, Kinh Dương Vương - Tản Viên Sơn Thánh đã khai mở về các hướng Đông Tây Nam Bắc, cùng với "Tứ phủ công đồng đi tuần trong nhân gian", thực sự đã làm nên một cuộc "Đẻ Đất Đẻ Nước" trong lịch sử nước Xích Quỷ thời đầu Kinh triều Hùng Vương.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/kinh-do-ngu-linh-thoi-kinh-duong-vuong-mo-nuoc-17922080212363715.htm