Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ còn căng thẳng trong những năm tới đây
Thí sinh đang bước vào kì thi tuyển sinh vào lớp 10 vô cùng căng thẳng diễn ra trên cả nước. Dư luận đặt câu hỏi, liệu năm nay và những năm tới đây, kì thi này có thể tiến tới giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh?
Căng thẳng ôn thi tuyển sinh 10 ngày càng gấp gáp
Tại các địa phương, cận ngày tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 9 vẫn đang cật lực ôn thi.
Nhiều học sinh gần như suốt ngày chỉ có học và học. Trên những gương mặt của những học sinh lớp 9 đang ôn thi cuối cấp thể hiện rõ sự mệt mỏi, thiếu ngủ và căng thẳng vô cùng.
Không riêng gì học sinh mà nhiều phụ huynh thời điểm này cũng luôn tất bật đưa đón con hàng ngày từ trung tâm này sang trung tâm gia sư khác hoặc tử nhà thầy cô này sang nhà thầy cô khác để ôn thi. Căng thẳng, áp lực càng nhiều hơn khi mà khu vực đô thị thường là nơi có tỉ lệ chọi cao và đa phần học sinh được đầu tư học tập từ nhỏ nên học lực các em không có sự chênh lệch.
Vì thế, cuộc chạy đua 1 suất vào lớp 10 công lập ở nhiều nơi không hề dễ dàng đối với nhiều học sinh - kể cả những em có học lực khá giỏi trở lên.
Giai đoạn trước khi thi, những học sinh lớp 9 phải tăng tốc học tập, ôn luyện với một cường độ rất cao thì mới hy vọng đậu nguyện vọng 1. Ôn tập ở trường, học thêm ở trung tâm gia sư, nhà thầy cô giáo và khi về nhà cũng không thể rời sách vở. Học, chỉ có học và học nhưng thí sinh gần như "chấp nhận" thực tế tuyển sinh đầu cấp và ý thức được trách nhiệm của mình.
Nhiều học sinh khi đến trường luôn trong trạng thái mệt mỏi và ngủ bất kể lúc nào có thể ngủ được. Dễ thấy nhiều học sinh ngủ gục trên bàn học, nhưng luôn thể hiện sự quyết tâm cho kì thi. Bởi lẽ, bên cạnh sự nỗ lực của các thí sinh còn có kì vọng của phụ huynh, nhiều gia đình có một thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 là cả nhà, cả họ vất vả, lo lắng.
Tỉ lệ chọi kì thi tuyển sinh vào lớp 10 khốc liệt, có nơi 1 chọi 24
Trong 4 trường chuyên, trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ có số lượng thí sinh dự tuyển đông nhất với 4.127 thí sinh; Trung học phổ thông Chu Văn An có 3.222 thí sinh; Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam có 2.805 thí sinh, Trung học phổ thông Sơn Tây 1.129 thí sinh.
Chính vì số lượng thí sinh tham gia dự thi đông nên tỉ lệ chọi cao ở mức kỉ lục, chẳng hạn như chuyên tiếng Anh của trường Trung học phổ thông Chu Văn An là 1 chọi 31, tiếp đến lớp chuyên Anh của Trung học phổ thông Nguyễn Huệ sẽ là 1 chọi 21,14…
Nhìn vào tỉ lệ chọi cao như thế này, ai cũng thấy được sự cạnh tranh khốc liệt bởi có môn chuyên phải hơn 1 phòng thi (24 thí sinh) mới tuyển 1 thí sinh. Vì thế, những thí sinh ở những lớp chuyên này phải cực giỏi và xuất sắc lắm mới có thể trúng tuyển.
Những trường có tỉ lệ chọi cao nên tính cạnh tranh giữa các thí sinh dự thi sẽ là rất lớn, nhất là những trường chuyên ở các tỉnh, thành.
Thực tế cho thấy, không chỉ những trường chuyên ở Hà Nội có tỉ lệ chọi cao mà những trường chuyên ở các tỉnh, thành khác, thậm chí những trường trung học phổ thông không chuyên cũng cạnh tranh gay gắt, nhất là các trường thuộc khu vực đô thị, thị xã, thị trấn - nơi mà điều kiện kinh tế phát triển, dân cư đông nên tỉ lệ chọi thường rất cao và học lực của học sinh không có sự chênh lệch lớn.
Thi tuyển vào lớp 10 sẽ tiếp tục căng thẳng trong những năm tới đây
Với tình hình thực tại, không chỉ những năm qua, năm nay mà có thể các năm tiếp theo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn tiếp tục có sự cạnh tranh quyết liệt. Bởi về cơ bản vẫn chừng ấy số trường trung học phổ thông nhưng dân số thì không giảm mà có phần tăng lên. Trong khi đó, khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con nên sự đầu tư học tập cho con em mình luôn được phụ huynh xem trọng.
Những thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 không chỉ cạnh tranh về số lượng thí sinh mà còn phải cạnh tranh về chất lượng với bạn bè của mình.
Tính cạnh tranh nhiều sẽ thúc đẩy hiệu quả của giáo dục đi lên, các trường cũng tuyển được những thí sinh tốt nhất để đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều bài toán cụ thể cho từng địa phương và ngành giáo dục. Bởi một khi thí sinh ở những địa bàn có tỉ lệ chọi cao bắt buộc học sinh phải có một sự chuẩn bị dài hơi từ các lớp dưới và việc phải đi học thêm là điều gần như chắc chắn.
Một khi học sinh phải học thêm nhiều, không đơn thuần là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, sự phát triển toàn diện của các em mà phụ huynh cũng mệt mỏi, áp lực theo. Chi phí học tập, các dịch vụ giáo dục đều tăng và mỗi tháng học thêm của con em mình nhiều khi đã tốn đến nửa tháng lương của cán bộ, công chức, viên chức hoặc một nửa thu nhập của những phụ huynh nông thôn, những người lao động phổ thông nên đây cũng là bài toán nan giải cho nhiều phụ huynh.
Điều quan trọng là mục tiêu mà ngành giáo dục đang hướng tới là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh khó được đầy đủ và nhiều thí sinh đã trở thành những "chuyên gia" giải bài tập, giải đề thi nhưng sẽ có nhiều em thiếu đi những kĩ năng cần thiết khi đi làm, vào đời.
Hơn nữa, nhiều em sinh ra và lớn lên trong những gia đình khó khăn ở khu vực thị thành sẽ khó cạnh tranh được với bạn bè của mình để có một suất vào các trường công lập vì chỉ được học những kiến thức cơ bản ở lớp chính khóa mà thôi. Trong khi, thi cử ngoài kiến thức, kỹ năng làm bài cũng cần có nhiều kỹ năng khác nữa mà những điều này ở các lớp học thêm sẽ được cung cấp đủ đầy hơn. Khi không đậu vào các nguyện vọng của trường công lập thì việc học ở các trường dân lập, tư thục lại càng khó khăn vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép.
Vì vậy, tìm một lời giải phù hợp cho giáo dục và thi cử hiện nay cần phải được ngành giáo dục và các địa phương hướng đến. Nếu không, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ tiếp tục có những áp lực khủng khiếp cho học sinh, phụ huynh và cả với các nhà trường.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ki-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-se-con-cang-thang-trong-nhung-nam-toi-day-179230606111917382.htm