Khuyến học trong Dòng họ học tập cần được hiểu đúng
Công tác khuyến học trong dòng họ không chỉ dừng lại ở việc thành lập quỹ khuyến học, trao học bổng, tuyên dương khen thưởng hay hỗ trợ học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động đó cần được hiểu rộng hơn, góp phần xây dựng Dòng họ học tập.
Xây dựng văn hoá dòng họ từ việc khuyến học
Nét chung nhất là các dòng họ đều tổ chức bài bản công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát huy giá trị truyền thống, giáo dục con cháu giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp của tổ tiên, coi sự học là đạo lý, coi công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trong phát triển văn hóa dòng họ.
Chi họ, dòng họ tổ chức vinh danh con cháu trong ngày giỗ Tổ nhằm giáo dục truyền thống tổ tiên. Dòng họ, chi họ cũng đã chú ý sử dụng công nghệ thông tin để kết nối con cháu của mình. Người cao tuổi trong dòng họ đều gương mẫu để con cháu noi theo. Sự học của dòng họ đã lan tỏa trong cộng đồng.
Song, đó chưa phải là tất cả hoạt động để đánh giá một Dòng họ học tập.
Tháng 7/2022, Hội Khuyến học Việt Nam ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận danh hiệu Dòng họ học tập, theo tinh thần của Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và Quyết định 387/QĐ-TTg về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030".
Theo đó, mô hình Dòng họ học tập gắn bó chặt chẽ với mô hình Gia đình học tập và Công dân học tập. Trong 7 chỉ số đánh giá Dòng họ học tập, có 6 chỉ số liên quan trực tiếp đến sự học của người lớn (trừ chỉ tiêu số 5).
Chỉ số đánh giá thứ 3, cũng là một trong hai chỉ số chiếm nhiều điểm nhất, yêu cầu "40% người lớn trong dòng họ đạt danh hiệu Công dân học tập".
Trong bộ tiêu chí đánh giá về danh hiệu Công dân học tập của Hội Khuyến học Việt Nam công bố đã nêu rõ 3 tiêu chí khung của một công dân đạt danh hiệu này, đó là năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng công cụ học tập, làm việc; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Cần hiểu đúng về khuyến học trong dòng họ học tập
Có thể thấy, các mô hình học tập nói chung và mô hình Dòng họ học tập, Gia đình học tập nói riêng không chỉ quan tâm đến sự học của học sinh, sinh viên, mà còn nhấn mạnh đến sự học của người lớn với những chỉ số cho điểm rất rõ ràng và cần được quan tâm đúng mức.
Thực tế, nhiều dòng họ đã và đang có những hình thức giáo dục, tạo điều kiện cho con em, người lớn trong dòng họ học tập, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, văn hóa, ứng xử, làm ăn kinh doanh, phát triển bản thân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần trong dòng họ.
Như mô hình câu lạc bộ doanh nhân – doanh nghiệp, câu lạc bộ thanh niên, câu lạc bộ thiện nguyện, câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ…
Dòng họ Hàn (Quảng Xương, Thanh Hóa) có truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học từ lâu đời, có nhiều kinh nghiệm hay trong giáo dục văn hóa truyền thống. Trong dòng họ có "Câu lạc bộ con dâu", lấy câu lạc bộ này làm "lớp học cộng đồng" cho mọi thành viên trong dòng họ. Nội dung học của lớp hướng vào giáo dục gia phong, gia giáo, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn và các phẩm giá con người... Lớp học có sức lan tỏa đến nhiều dòng họ khác.
Đây là những hình thức học tập phi chính quy vẫn diễn ra thường xuyên nhưng ít được nhắc đến như một hoạt động khuyến học trong dòng họ.
Hoạt động khuyến học nói chung và hoạt động khuyến học trong một dòng họ nói riêng không chỉ dừng lại ở việc thành lập quỹ khuyến học, trao học bổng, tuyên dương khen thưởng người có thành tích học tập tốt hay hỗ trợ học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn trong dòng họ được tiếp tục đi học.
Khuyến học, nhìn rộng ra là sự khuyến khích học tập suốt đời của tất cả mọi người, mọi độ tuổi, ngành nghề, giới tính… để có tri thức mới, hình thành những kỹ năng mới giúp lao động hiệu quả hơn, cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn..
Nếu các dòng học hiểu và thực hiện khuyến học theo nghĩa đó, đồng thời có cách thức tổ chức phù hợp để đạt những chỉ số trong bộ tiêu chí Dòng họ học tập của Trung ương hội Khuyến học Việt Nam đề ra sẽ góp phần xây dựng văn hóa dòng họ tốt đẹp. Qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập của đất nước.
"Cuộc sống cộng đồng dân cư chỉ có thể tốt lên khi văn hóa của các dòng họ chung sống được dung hòa, tạo nên những mắt xích văn hóa đa dạng, thống nhất mà không bài xích nhau, trở thành văn hóa làng xã. Văn hóa dòng họ và văn hóa làng xã khăng khít, tạo nên quan hệ "trong họ, ngoài làng". Nhìn vào từng dòng họ chung sống, người ta thấy thanh danh của riêng từng dòng họ, nhìn vào làng xã, người ta thấy diện mạo của từng thôn làng hay tổ dân phố".
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – Cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khuyen-hoc-trong-dong-ho-hoc-tap-can-duoc-hieu-dung-179230827173749826.htm