Không khám thai, hai mẹ con nguy kịch vì sản giật
Mang thai lần đầu, tuổi thai đã tháng thứ 9, nhưng thai phụ T.T.X, 17 tuổi, ở xã Phan Thanh chưa đi khám một lần!
Cô có ý định tự sinh con tại nhà, nên khi đau chuyển dạ không đi viện, nhưng không sinh được, bị ngất 2 lần, gia đình vội đưa đến bệnh viện huyện Bảo Lộc, Cao Bằng lúc chiều ngày 13.7. Cô nhập viện trong trạng thái tinh thần lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp 170/100mmHg - cao cả tối đa lẫn tối thiểu; cổ tử cung đã mở hết; tim thai vẫn còn…
Với chẩn đoán sản giật nặng, thai phụ được mổ cấp cứu ngay. Thai nhi là bé gái nặng 2.800g, đã ngạt trắng, chuyển ngay khoa Nhi cấp cứu sau sơ cứu… Sau mổ một ngày, tinh thần sản phụ khá hơn, tiếp xúc được, huyết áp 120/80mmHg. Tuy mẹ đã qua cơn nguy kịch nhưng con thì không rõ sẽ có những hậu quả gì của ngạt?
Ngạt khi sinh (ngạt sơ sinh) là thai nhi thiếu oxy đủ dài xảy ra trước hoặc khi chuyển dạ do suy giảm cấp máu từ mẹ qua bánh nhau, trẻ lọt lòng không khóc trong một phút đầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ngạt khi sinh có tần xuất 5 - 10/1.000 sơ sinh đủ tháng, trẻ sinh non tỷ lệ cao hơn nhiều; ước tính 4 triệu tử vong do ngạt khi sinh/năm, chiếm 38% tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Có hàng chục nguyên nhân gây ngạt sơ sinh ở thai nhi bình thường (không có bệnh hô hấp, tim mạch, thần kinh…) nhưng tiền sản giật và sản giật là nguyên nhân hàng đầu…
Biểu hiện ngạt nặng khi thai nhi tím tái, suy hô hấp, nhịp tim chậm dần, hạ huyết áp hạ và thân nhiệt, dễ tử vong… Nhẹ hơn là ngạt trắng, nếu can thiệp kịp thời, đúng cách thì các triệu chứng ngạt giảm dần, trẻ có thể sống nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường.
Hậu quả của thiếu oxy sơ sinh rất nghiêm trọng vì tổn thương ở hầu hết các cơ quan: Tim, phổi, gan, ruột, thận, nhưng tổn thương não là trầm trọng nhất và ít có khả năng chữa lành hoàn toàn. Tức thì là chảy máu não. Những di chứng trong năm đầu có thể xuất hiện ngay trong tuần đầu là liệt 2 chi dưới, liệt nửa người, liệt cứng tứ chi (gọi là liệt trung ương do tổn thương các trung khu chỉ huy vận động ở não, trong khi liệt ngoại biên do tổn thương thần kinh ngoại biên là liệt mềm), động kinh, rối loạn giác quan…
Trong tháng đầu tiên sau sinh có thể phát hiện biến chứng đầu nhỏ ở trẻ bị ngạt, nếu vòng đầu nhỏ hơn đáng kể so với trẻ bằng ngày tuổi không bị ngạt. Lâu dài thường là thiểu năng trí tuệ mắc phải, các bệnh tâm thần và thần kinh khác. Một số ca tổn thương đa phủ tạng (đặc biệt là gan, thận), ảnh hưởng rất xấu đến phát triển, sức khỏe nên ốm yếu lâu dài hoặc cơ thể gầy yếu; trẻ thường viêm phế quản, viêm phổi dai dẳng do đề kháng kém.
Tháng 7 năm ngoái, bệnh viện tỉnh Cao Bằng mổ cấp cứu lấy thai cho một sản phụ ở huyện Quảng Hòa bị tiền sản giật nặng. Chị N.T.L, 30 tuổi, mang thai lần 2, thai 30 tuần tuổi, nhập viện khi huyết áp 160/100mmHg, đau đầu, buồn nôn, phù hai chân… Với chẩn đoán mắc hội chứng HELLP, sản phụ phải truyền máu, hạ huyết áp và mổ cấp cứu, thai nhi chỉ nặng 800g. Sau mổ duy trì thuốc hạ huyết áp, cân bằng điện giải, lợi tiểu, chống suy thận và truyền thuốc Corticoid chống suy gan.
Tiền sản giật và sản giật là gì?
Tiền sản giật trước đây gọi là nhiễm độc thai nghén xảy ra ở 5 - 10% thai phụ. Nhiễm độc thai nghén nặng với các triệu chứng: Huyết áp 160/110mmHg hoặc hơn (đo khi nằm nghỉ và 2 lần cách nhau ít nhất 2 giờ). Protein niệu: Trên 6g/lít/24giờ, protein niệu càng nhiều bệnh càng nặng, nhưng dưới 6g/lít/24giờ vẫn là tiền sản giật và giai đoạn đầu tiền sản giật nước tiểu có thể chưa có protein. Phù toàn thân, lượng nước tiểu ít, dưới 400ml/24giờ, càng ít bệnh càng nặng, hoặc tăng cân quá nhanh (quá 0,5kg/tuần).
Ở người bình thường trong nước tiểu chỉ có vết protein, huyết áp cao làm protein máu thoát qua lưới lọc máu ở cầu thận, xuất hiện, tăng cao trong nước tiểu. Các triệu chứng không đặc trưng là: Đau đầu vùng chẩm, dùng thuốc không khỏi; lờ đờ, thờ ơ với ngoại cảnh. Hoa mắt, chóng mặt, sợ ánh sáng; thấy mờ mắt, thị lực giảm dần hoăc đột ngột. Buồn nôn, nôn, đau thượng vị hay hạ sườn phải. Hồng cầu và huyết sắc tố, tiểu cầu giảm; men gan tăng; creatinin, urê và acid uric máu tăng.
Dù những dấu hiệu trên nhẹ (ví dụ huyết áp dưới 160/100mmHg…), nhưng có thêm một trong các biến chứng suy tim; đau ngực, khó thở, tím tái; phù phổi; thai kém phát triển và thiểu ối cũng phải coi là tiền sản giật.
Tiền sản giật hạn chế thai nhi phát triển, dễ sinh non hoặc sơ sinh nhẹ cân. Người từng bị tiền sản giật mang thai lần sau nhiều nguy cơ cao huyết áp hơn; nguy cơ bệnh tim gấp 2 lần và suy tim gấp 4 lần (người từng bị tiền sản giật, sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc qua hơn một lần tiền sản giật nặng, nguy cơ bệnh tim còn cao hơn); nguy cơ đột quỵ, tử vong do biến cố tim mạch và tiểu đường cao hơn.
Tiền sản giật không điều trị thường âm ỉ một thời gian (ngắn dài rất khó biết nếu không khám), đột nhiên tiến triển sản giật ở 0,2 - 0,5% thai phụ, là những cơn co giật hoặc hôn mê, xuất hiện trên thai phụ có hội chứng tiền sản giật nặng.
Bệnh cảnh này rất trầm trọng: Với mẹ: cắn lưỡi khi co giật; ngạt thở, suy hô hấp; phù não, xuất huyết não - màng não; phù võng mạc mắt, mù; suy thận cấp; chảy máu dưới bao gan, vỡ bao gan; suy tim cấp; phù phổi cấp (tiền sản giật nặng cũng có); rối loạn đông - chảy máu, đông máu rải rác trong lòng mạch; rối loạn tâm thần; di chứng cao huyết áp mãn tính khi còn trẻ. Với thai: chậm phát triển (56%) và sinh non (40%); tử vong chu sinh (thời gian từ tuần 28 đến hết ngày thứ 7 sau sinh) 10% và cao hơn nếu sinh non hoặc rau bong non.
Các giai đoạn co cứng và co giật toàn thân trong cơn sản giật, ngoài đồng thời co cứng cơ tử cung làm rau bong non - gián đoạn đường cấp máu mẹ sang con - còn bóp ngẹt các mạch máu ở cơ tử cung gây hậu quả tương tự, là nguyên nhân gây ngạt cho thai…
Đặc biệt, nếu là thể bệnh tiền sản giật bội thêm (superimposed hypertension): Thai phụ đã tăng huyết áp mạn tính trước khi mang thai, nay thêm protein niệu. Lượng protein niệu càng cao, bệnh càng nặng, rất dễ biến chứng sản giật hoặc những biến chứng khác ở mẹ; tử vong mẹ, con rất cao. Nguyên nhân của tiền sản giật chưa được làm rõ.
Tiền sản giật nặng, sản giật có thể tiến triển thành hội chứng HELLP.
Hội chứng HELLP là gì?
HELLP (Hemolysis - Elevated Liver enzyme - Low plateletes: tan máu - tăng men gan - giảm tiểu cầu) là hội chứng thiếu máu do tan hồng cầu, tăng men gan và giảm nặng tiểu cầu ở thai phụ - một biến chứng của tiền sản giật, đe dọa nghiêm trọng cả mẹ và bé. HELLP thường phát triển trong ba tháng cuối thai kỳ, trước tuần thứ 37, nguyên nhân cũng chưa rõ. Khoảng 2 - 12% thai phụ tiền sản giật và dưới 1% thai phụ mắc hội chứng HELLP, với khoảng 50% xảy ra khi tuổi thai 27 - 36 tuần, trong đó có số ít từ 17 - 20 tuần tuổi thai; trong khi sinh 25% và hậu sản 25%.
Trên nền các triệu chứng tiền sản giật (mô tả trên) xuất hiện tan máu, tăng men gan các loại, giảm nặng tiểu cầu (có khi thêm vàng da; xuất huyết dưới da) mà một trong những rối loạn này đã có thể đưa đến tử vong cả mẹ lẫn con.
Tiền sản giật, sản giật, hội chứng HELLP hoàn toàn có thể kiểm soát
Đơn giản chỉ cần khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ kiểm soát được các bệnh lý rất nguy hiểm này. Khi khám, sẽ phát hiện các triệu chứng tiềm ẩn của tiền sản giật mà thai phụ không thể biết, chẳng hạn như huyết áp chưa cao lắm, hay như giai đoạn đầu chưa có protein niệu hoặc như nhiều triệu chứng không đặc trưng của tiền sản giật rất mơ hồ, có thể có ở nhiều bệnh khác như đau đầu, hoa mắt, đau thượng vị, buồn nôn…, vì thế đừng tự cho là mình mắc một bệnh thông thường nào đó khi mang thai. Phát hiện một triệu trứng cảnh báo, bác sĩ sẽ thông báo hoặc yêu cầu nhập viện để chữa trị…
Tự mình có thể làm giảm nguy cơ mắc tiền sản giật: Nên giảm cân trước khi mang thai vì thừa cân có nguy cơ cao mắc chứng này.
Dinh dưỡng thai kỳ rất tốt nếu ăn ngũ cốc nguyên hạt; các loại hạt, đậu; trái cây; nhiều rau; cá; thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa; dầu oliu; tránh các loại thịt chế biến công nghiệp. Tăng cường men vi sinh, Omega3, Canxi, vitamin D, vitamin tổng hợp và chất vi lượng Selen (trong ngũ cốc, đậu nành… có nhiều Selenomethionin, một axit amin tự nhiên, dễ hấp thu).
Một số nghiên cứu cho thấy lượng Selen cơ thể thấp làm tăng số ca tiền sản giật ở thai phụ trẻ. Dùng vitamin tổng hợp (13 vitamin, 16 khoáng chất) phải có chỉ dẫn của bác sĩ, vì thừa vitamin A gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt có thể gây dị tật bẩm sinh. Không hút thuốc lá và gần người hút thuốc. Tăng cường tập luyện thể chất.
Không khám thai định kỳ là rất vô trách nhiệm với bản thân và con của mình!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khong-kham-thai-hai-me-con-nguy-kich-vi-san-giat-179220721110327771.htm