Khó khắc phục việc thiếu giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật
Việc hàng triệu đứa trẻ sôi sục trước các làn sóng âm nhạc quốc tế cho thấy nhu cầu tiếp cận với âm nhạc và mĩ thuật của giới trẻ rất lớn. Điều gì sẽ xảy ra nếu giáo viên các môn này luôn thiếu khiến các trường khó tổ chức được việc dạy và học các môn nghệ thuật?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai sang năm thứ 4. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, một số trường trung học phổ thông vẫn sẽ không thể tổ chức dạy học đối với các môn Âm nhạc, Mĩ thuật vì thiếu giáo viên. Có những nơi, cả tỉnh với vài chục trường trung học phổ thông nhưng chỉ có duy nhất một giáo viên âm nhạc.
Thiệt thòi cho học sinh khi không có giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh, chú trọng đến việc phát huy sở trường của mỗi em, giúp các em thuận lợi hơn cho việc định hướng nghề nghiệp tương lai.
Việc thiếu giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật dẫn đến không ít học sinh có năng khiếu về ca hát, hội hoạ không thể chọn tổ hợp môn mình yêu thích. Khi bắt buộc phải chọn tổ hợp môn không phải sở trường cũng sẽ khó khăn cho chính các em trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp cho chính mình.
Lớp 10, ngoài học 8 môn và hoạt động bắt buộc, học sinh phải chọn bốn môn tự chọn cùng các chuyên đề học tập. Để thuận tiện trong việc giảng dạy cũng như xếp lớp, trường đã chia theo tổ hợp môn.
Có 6 tổ hợp khối Khoa học tự nhiên và 3 tổ hợp khối Khoa học xã hội. Trong các môn tự chọn, ở nhóm môn công nghệ và nghệ thuật, do thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật nên nhiều trường chỉ tổ chức dạy 2 môn công nghệ và tin học. Hai môn trong môn nghệ thuật là Âm nhạc và Mĩ thuật hoàn toàn không có ở bất kỳ tổ hợp nào.
Một học sinh có năng khiếu về Mĩ thuật chia sẻ: "Sau này, em muốn theo học ngành kiến trúc nên muốn chọn môn công nghệ và nghệ thuật. Nhưng do không có giáo viên mỹ thuật nên trường không thể tổ chức môn học này. Vì thế ước muốn của em cũng không thể được toại nguyện".
Có học sinh nổi trội về ca hát, ước mơ thi vào các trường nghệ thuật nên muốn chọn học âm nhạc nhưng do thiếu giáo viên nhà trường không tổ chức dạy, em đã mất cơ hội được phát triển năng khiếu bản thân.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mãi thiếu giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật?
Thiếu giáo viên 2 môn Âm nhạc, Mĩ thuật không tập trung ở một vài địa phương mà gần như nhiều tỉnh thành trong cả nước đều gặp tình trạng này.
Không chỉ bậc trung học, 2 bậc học tiểu học và trung học cơ sở hiện cũng thiếu khá nhiều giáo viên mỹ thuật, âm nhạc. Nhiều học sinh không chọn học ngành nghệ thuật để làm giáo viên.
Nguyên nhân đầu tiên cũng là nguyên nhân quan trọng nhất do thu nhập quá thấp. Đã thế, giáo viên dạy môn nghệ thuật ở các trường học hiện nay, luôn bị coi là môn phụ. Ngoài đồng lương cứng ở trường, những giáo viên này không thể tăng thêm thu nhập từ nghề nghiệp của mình.
Từ thực tế cho thấy, những thầy cô giáo dạy các môn nghệ thuật vẫn phải đi làm thêm đủ nghề khác để sinh sống.
Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quan trọng là những thầy cô giáo dạy môn nghệ thuật rất ít, không muốn nói là gần như không có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, trong môi trường lao động.
Bởi, mỗi trường chỉ có từ 1 đến 2 giáo viên âm nhạc, mỹ thuật nên những giáo viên này luôn phải sinh hoạt chuyên môn ghép với nhiều trường học khác. Khi xây dựng cán bộ nguồn cũng gần như không có giáo viên âm nhạc và mỹ thuật.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật bằng cách nào?
Nhiều địa phương đã ra thông báo hợp đồng giáo viên môn nghệ thuật từ những người học trong các trường nghệ thuật (có chứng chỉ sư phạm), tuy nhiên cũng không có nhiều người đăng ký tham gia. Vì thế, giải pháp hữu hiệu vẫn là sử dụng nguồn lực sẵn có tại địa phương.
Trước hết, các trường huy động giáo viên có tay nghề chuyên môn thỉnh giảng. Hiện nhiều địa phương, giáo viên âm nhạc và mỹ thuật dạy hai bậc học là tiểu học và trung học cơ sở đều có bằng đại học. Nhiều thầy cô giáo đã được đào tạo chính quy ở nhiều trường đại học. Có những giáo viên có năng khiếu và tay nghề nổi trội.
Ngành giáo dục địa phương có thể mở cuộc thi sát hạch chuyên môn để hợp đồng với những thầy cô giáo có tay nghề vững vàng. Những tiết dạy hợp đồng được tính như tiền dạy tăng tiết theo quy định (tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy x 150%), để giáo viên nỗ lực, cố gắng tham gia.
Điều này sẽ mang đến nhiều điều lợi ích như việc giải quyết kịp thời việc thiếu giáo viên nghệ thuật cũng như giúp các thầy cô rèn luyện, bồi dưỡng thêm tay nghề chuyên môn của mình.
Hơn nữa, cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt với giáo viên nghệ thuật bằng cách hạ định mức tiết dạy mỗi tuần cho giáo viên nghệ thuật ở cả 3 cấp học, tạo điều kiện cho giáo viên dạy tăng tiết để tăng thu nhập. Khi có khoản thu nhập hàng tháng hợp lý, học sinh cũng sẽ hứng thú hơn trong việc chọn nghề học cho tương lai.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/kho-khac-phuc-viec-thieu-giao-vien-am-nhac-va-mi-thuat-179230716135920804.htm