Khi các nhà báo làm họa sĩ
Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía nam tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt một Triển lãm đặc biệt, quy tụ 130 bức tranh của “Nhóm 99” – nhóm hoạ sĩ những người làm báo.
Triển lãm đặc biệt của các nhà báo làm họa sĩ
Được biết, "Nhóm 99" gồm 8 họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đã từng và đang công tác, cộng tác ở nhiều đơn vị báo chí khác nhau. Chúng tôi gọi một cách thân mật là nhóm các nhà báo làm họa sĩ.
"Nhóm 99" bao gồm các họa sĩ Ngô Thành Nhân (Hà Nội), từng công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin; họa sĩ Nguyễn Nghiêm, từng là phóng viên Đài phát thanh quận Tân Bình, giảng viên mỹ thuật công nghiệp – Đại học Quốc tế Hồng Bàng; Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ là nguyên Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía nam.
"Nhóm 99" còn có sự tham gia của nhà báo Vũ Kim Sơn, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã giải phóng; nhà báo Đỗ Hương; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga, Phó Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh; nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo (Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh) và nhà báo Tiểu Tân, gương mặt trẻ nhất trong nhóm tác giả, hiện là phóng viên công tác tại Ban Văn hóa-Văn nghệ Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía nam cho biết, những nhà báo và những cộng tác viên của các báo, ngoài việc cầm bút, cầm máy ảnh, còn có cùng một sở thích, một đam mê cháy bỏng là cầm cọ vẽ.
Hầu hết, họ đến với hội họa khá muộn màng, có những nhà báo chỉ mới thật sự sáng tác hai, ba năm trở lại đây khi đã nghỉ hưu hoặc khi được bạn bè động viên, khuyến khích.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, trưởng "Nhóm 99" cũng chính là Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, là người chủ động kết nối Hội Nhà báo Việt Nam với Thông tấn xã Việt Nam phía nam cùng phối hợp tổ chức Triển lãm.
Khi nhà báo làm họa sĩ: Sự giao thoa giữa ngôn từ và hội hoạ
Hầu hết các tác giả trong "Nhóm 99" đều là những người gắn bó với hoạt động báo chí, vì vậy tranh của họ đều mang đến hơi thở cuộc sống, sự giao thoa tuyệt vời từ ngôn ngữ tới kể chuyện qua tranh vẽ.
Không phải quá khi ai đó nói rằng, khi các nhà báo cầm cọ vẽ, không chỉ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật phong phú mà còn mở ra những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về cuộc sống và xã hội.
Vì trót yêu hội hoạ, nhưng sinh ra làm nhà báo, nhiều tác giả còn không dám nhận mình là hoạ sĩ nhưng tình yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật và tài năng của mỗi người đã làm nên một thế giới kỳ ảo đầy sắc màu qua tranh vẽ tại triển lãm.
Với hơn 130 tác phẩm là 130 câu chuyện từ kho tàng kinh nghiệm quý giá của các tác giả nhà báo của "Nhóm 99". Nhà báo Trần Trọng Dũng chia sẻ: Các tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm vừa có phần nào chất chuyên nghiệp, vừa đa dạng, phong phú và hồn hậu rất đời.
Điều đặc biệt hơn nữa, khi các nhà báo làm họa sĩ, họ đã cùng nhau tình nguyện trích lại một phần kinh phí thu được để làm từ thiện. Những hành động này không chỉ làm giàu thêm giá trị của nghệ thuật mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người về tình yêu thương và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Được biết, triển lãm là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khi-nha-bao-lam-hoa-si-179240624153105446.htm