Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của "thiên đường còn sót lại trên Trái Đất" tại Indonesia
Quần đảo Raja Ampat của Indonesia là điểm đến du lịch hấp dẫn với đa dạng sinh học biển phong phú nhất thế giới. Nơi này được gọi là "thiên đường duy nhất còn sót lại trên Trái Đất" bởi vẻ đẹp hoang sơ và ngoạn mục của hơn 1.500 hòn đảo lớn nhỏ.
Quần đảo Raja Ampat là một nhóm đảo gồm hơn 1.500 hòn đảo nhỏ, cồn cát, bãi cạn bao quanh 4 hòn đảo chính là Misool, Salawati, Batanta, Waigeo và hòn đảo nhỏ hơn, Kofiau.
Raja Ampat thuộc tỉnh Tây Papua (1 trong 6 tỉnh của Indonesia) và nằm ở trung tâm của Tam giác San hô, khu vực có sự phong phú và đa dạng sinh vật biển cao nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Raja Ampat có hơn 1.600 loài cá, 537 loài san hô và 699 loài nhuyễn thể. Khoảng 75% loài san hô được biết đến trên thế giới có thể được tìm thấy ở đây. Ngoài ra, Raja Ampat cũng là nơi sinh sống của nhiều loài vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng như cá cúi, cá voi, cá nhà táng, cá heo và cá voi sát thủ.
Raja Ampat được khám phá bởi nhà thám hiểm người Hà Lan Max Ammer vào năm 1989, khi ông đi tìm những chiếc máy bay Thế chiến II bị nhấn chìm ở vùng biển Indonesia. Ông đã bị cuốn hút bởi cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái biển tuyệt vời của quần đảo này. Từ đó, ông đã xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái và tổ chức bảo tồn để bảo vệ và phát triển du lịch bền vững tại Raja Ampat.
Năm 2004, Raja Ampat được đưa vào Chương trình Sáng kiến West Papua's Bird's Head Seascape, dự án được tạo ra nhằm thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn biển với sự hỗ trợ của các nhà bảo trợ quốc tế và chính quyền địa phương. Mục tiêu của dự án là bảo tồn các nguồn tài nguyên biển trong khi đảm bảo an ninh lương thực và lợi ích kinh tế bền vững cho người dân.
Kể từ khi sáng kiến ra đời, quần thể cá đã tăng trở lại; nạn săn bắt trộm của ngư dân bên ngoài giảm khoảng 90%; san hô đang phục hồi; an ninh lương thực và sinh kế lâu dài cho cộng đồng địa phương được cải thiện.
Một số hình ảnh về địa danh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/kham-pha-ve-dep-hoang-so-cua-thien-duong-con-sot-lai-tren-trai-dat-tai-indonesia-17923052810180031.htm