Khai bút đầu năm như thế nào cho chuẩn và đúng nghĩa?

11:59 - 21/01/2023

Khai bút đầu năm là một phong tục tốt đẹp và lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Tục khai bút không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

Khai bút là khai tâm

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cho rằng, tục khai bút đầu xuân là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

"Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp. Những nét chữ đầu tiên trong năm mới thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn...

Bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới, tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức chia sẻ.

Khai bút đầu năm như thế nào cho chuẩn và đúng nghĩa? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để làm lễ khai bút.

"Thời gian khai bút lý tưởng nhất phụ thuộc vào người khai bút. Có người chọn khai bút vào giao thừa, thời khắc chuyển giao vô cùng quan trọng từ năm cũ sang năm mới, để những điều tốt đẹp của năm cũ được tiếp nhận và chuyển giao sang năm mới.

Cũng có người lại chọn thời điểm khác phù hợp với bản thân hơn như sáng mùng 1, hoặc những ngày đẹp hợp tuổi", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho biết thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng nhận định, những người cầm bút như nhà báo, nhà văn càng phải chú trọng việc khai bút vào đầu xuân, năm mới.

"Khai bút để nhắc nhở bản thân về trách nhiệm, năng lực, lương tâm của người cầm bút", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội nhấn mạnh.

Khai bút đầu năm như thế nào cho chuẩn và đúng nghĩa? - Ảnh 2.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, những người cầm bút thường coi trọng việc khai bút đầu năm.

Một số lưu ý khi khai bút

Theo quan niệm dân gian, để nghi thức khai bút đầu xuân diễn ra suôn sẻ và thuận lợi nhất thì không gian phải thật yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng.

Người khai bút cần chuẩn bị bút, giấy cẩn thận trước khi thực hiện khai bút, tránh dùng bút tắc mực, hết mực. Thậm chí, nhiều người còn chuẩn bị vở mới, bút mới để mong rằng năm mới mọi thứ sẽ gặp được thật nhiều may mắn, suôn sẻ.

Tránh mắc sai sót, nghĩ kỹ trước khi viết.

Không bỏ dở những điều đang viết.

Ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ, giữ tâm thế nghiêm túc, tập trung để thể hiện sự cẩn trọng với nghi thức khai bút.

Gợi ý những câu thơ khai bút đầu xuân hay và ý nghĩa

1. Xuân an khang đức tài như ý/ Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên

2. Tân niên, tân phúc, tân phú quý/ Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an

3. Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố/ Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian

4. Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc/ Tết về cây đức trổ thêm hoa

5. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

6. Mai vàng nở rộ mừng năm mới/ Đào hồng khoe sắc đón xuân sang

7. Lộc biếc mai vàng xuân hạnh phúc/ Đời vui sức khỏe Tết an khang

8. Chúc tết đến trăm điều như ý/ Mừng xuân sang vạn sự thành công.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khai-but-dau-nam-nhu-the-nao-cho-chuan-va-dung-nghia-17923012023475832.htm