Hút thuốc lá cản trở hoạt động của các protein chống ung thư, khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Ung thư Ontario, Canada (OICR) đã phát hiện ra rằng, hút thuốc lá có thể gây ung thư và khiến bệnh khó điều trị hơn bằng cách làm suy yếu quá trình phòng vệ chống lại sự phát triển của các tế bào bất thường trong cơ thể.
Phân tích chuyên sâu liên kết các đột biến DNA có hại với việc hút thuốc lá và các nguyên nhân gây ung thư
Nhóm nghiên cứu tại OICR đã liên kết việc hút thuốc lá với những thay đổi có hại trong DNA (phân tử mang thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống của con người) được gọi là “đột biến kết thúc” (hay "đột biến vô nghĩa") khiến cơ thể ngừng tạo ra một số protein nhất định trước khi chúng phát triển hoàn thiện. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những "đột biến kết thúc" đặc biệt phổ biến ở các gene ức chế khối u, vốn tạo ra một số protein ngăn chặn những tế bào bất thường phát triển.
Đồng tác giả, nghiên cứu sinh Nina Adler tại Đại học Toronto (Canada) cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng hút thuốc có liên quan đến những thay đổi ở DNA làm gián đoạn sự hình thành các chất ức chế khối u. Nếu không có chúng, những tế bào bất thường sẽ tiếp tục lớn lên mà không bị kiểm soát bởi cơ chế phòng vệ của tế bào và ung thư có thể phát triển dễ dàng hơn”.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các công cụ tính toán mạnh mẽ để phân tích DNA từ hơn 12.000 mẫu khối u của 18 loại ung thư khác nhau. Phân tích của họ cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các đột biến dừng tăng trưởng trong bệnh ung thư phổi và dấu ấn tiết lộ ảnh hưởng của việc hút thuốc lá để lại trong DNA. Sau đó, tiếp tục xem liệu một người hút thuốc bao nhiêu thì sẽ gây ra tác động này. Các nhà khoa học cảnh báo, việc hút thuốc nhiều hơn sẽ dẫn đến nhiều đột biến có hại hơn, cuối cùng có thể làm cho bệnh ung thư trở nên phức tạp và khó điều trị hơn.
Nghiên cứu cũng xác định nhiều yếu tố và quá trình khác chịu trách nhiệm tạo ra số lượng lớn "đột biến kết thúc". Ví dụ, nhóm enzym có tên APOBEC liên quan chặt chẽ đến "đột biến kết thúc" ở bệnh ung thư vú và các loại ung thư khác, xảy ra một cách tự nhiên trong cơ thể. Một yếu tố khác như chế độ ăn uống không lành mạnh và uống rượu cũng có thể có tác động gây tổn hại tương tự đến DNA.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jüri Reimand tại Đại học Toronto, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Thuốc lá gây ra nhiều tổn hại cho DNA của chúng ta và điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến chức năng của các tế bào. Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh việc hút thuốc lá thực sự vô hiệu hóa các protein quan trọng - thành phần cấu tạo nên tế bào của chúng ta và tác động lâu dài tới sức khỏe của chúng ta".
Đối với việc hút thuốc, bà Adler khẳng định, kết quả của nghiên cứu đã giải mã một phần quan trọng các nguyên nhân gây ung thư hàng đầu trên thế giới. Mọi người đều biết rằng hút thuốc có thể gây ung thư, nhưng việc có thể giải thích một trong những cách thức hoạt động của nó ở cấp độ phân tử là một bước quan trọng để hiểu lối sống của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ ung thư.
Tiến sĩ Laszlo Radvanyi - Chủ tịch OICR nhấn mạnh, những hiểu biết mới này sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy hút thuốc lá thực sự là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe của chúng ta. Đây là lời cảnh báo về tác hại to lớn của việc hút thuốc đối với cơ thể và cho thấy việc cai hút thuốc luôn là lựa chọn đúng đắn.