Hướng cho học sinh đón Tết lành mạnh, an toàn
Hàng năm, cứ vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán là tỉ lệ học sinh vi phạm nội quy ở nhà trường học và tỉ lệ bỏ học ở một số địa phương lại tăng lên đột biến. Một số học sinh thường có tâm lí Tết đến là phải chơi nên nhiều khi đã đua đòi cùng chúng bạn và dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân.
Chính vì thế, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm đòi hỏi các thầy cô trong nhà trường, các đoàn thể địa phương, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến các em nhiều hơn để hạn chế tối đa những tác động xấu, ảnh hưởng đến nhân cách và việc học tập của các em sau này.
Lưu tâm tình trạnh bỏ học của học sinh sau Tết
Áp Tết, khi chưa được nghỉ, trường học vẫn diễn ra các hoạt động giảng dạy bình thường, thậm chí còn có nhiều hoạt động giáo dục hơn những thời điểm khác. Đây là lúc giáo viên dặn dò, phòng trừ tai nạn thương tích trong ngày nghỉ, nhưng có học sinh đã chểnh mảng, không đến trường.
Ngày học sinh nghỉ học thì những bài học các em không tham gia sẽ không thể nào tiếp thu được. Chính sự thờ ơ với học tập của một bộ phận học sinh để tập chung vào những trò chơi vô bổ, những thị hiếu tức thời dễ dàng dẫn các em xao lãng việc học hành ở trường và mất dần kiến thức căn bản.
Với một quãng thời gian nghỉ Tết dài ngày, những trò chơi giải trí nhiều, sự lơ là trong học tập sẽ là ranh giới rất gần với tình trạng chán học và bỏ học của nhiều em học sinh, nhất là những em có học lực trung bình và yếu.
Bởi các em còn nhỏ, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, chưa ý thức được tương lai của chính mình. Những cám dỗ của những trò chơi vô bổ, những bạn bè xấu rất dễ dẫn các em sa ngã và chán ngán việc học hành.
Điều dễ nhìn thấy nhất là sau mỗi dịp Tết Nguyên đán thì tình trạng học sinh bỏ học ở một số địa phương thường tăng cao hơn. Nhà trường, thầy cô, các đoàn thể địa phương phải tổ chức đi vận động học sinh trở lại trường nhưng nhiều khi không thuyết phục được học trò của mình vì nhiều em không muốn tiếp tục việc học hành của mình. Nguyên nhân chính vẫn là chán học, mất kiến thức căn bản nên không thiết tha với chuyện học hành.
Quá đà với Tết
Tết đến, các em được nghỉ ngơi, được đoàn tụ bên gia đình. Tuy nhiên, cũng vì được nghỉ ngơi nhiều nên một số em đã tiếp xúc với cả những trò chơi vô bổ. Một số em giao du, tiếp xúc và vui chơi với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, và thậm chí một số em dễ bị cám dỗ trước những thói hư, tật xấu.
Thông thường, những ngày trước và sau Tết, học sinh thường xuyên rủ nhau tổ chức đi chơi, mua sắm, la cà ở các nơi vui chơi giải trí, các quán cà phê, hoặc lang thang ở các tụ điểm vui chơi giải trí.Thông thường, lứa tuổi học sinh lại là lứa tuổi dễ bắt chước, dễ đua đòi và thường muốn chứng tỏ mình trước bạn bè, khám phá bản thân, khám phá thế giới. Nhiều học sinh cấp 2- 3 dễ sa vào các chiếu bài bạc, lô đề, đá gà, nhậu nhẹt, đua xe…
Trang phục của nhiều em học sinh chưng diện thiếu đi tính thuần phong mĩ tục. Nhiều em nam diện những chiếc quần rách te tua, những chiếc áo mang những hình thù kì quái, nhiều em nữ thì diện những bộ áo quần vừa mỏng, vừa ngắn cũn cỡn, mặc cũng như không, hở chỗ này, chỗ khác trông không mấy phù hợp với lứa tuổi học trò. Bên cạnh đó là đầu tóc với nhiều màu sắc lòe loẹt, nham nhở…
Giữ liên hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Để tạo cho các em đón Tết vui vẻ trong một môi trường trong sáng, lành mạnh thì việc giáo dục, khuyên nhủ, định hướng tương lai, giáo dục kĩ năng sống cho lứa tuổi học sinh rất cần sự gương mẫu và định hướng của nhà trường, gia đình và xã hội.
Trước hết, nhà trường cần quản lí chặt chẽ sĩ số học sinh hàng ngày, chú ý việc thay đổi thái độ, cách học của các em. Ban giám hiệu; Đoàn - Đội; bộ phận ngoài giờ cần thiết tạo cho các em học sinh những sân chơi lành mạnh như thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian đón mừng năm mới, phát động thi đua duy trì sĩ số giữa các lớp….
Thầy cô chủ nhiệm phải thường xuyên lên lớp và nắm được tình hình học tập của lớp mình, quán triệt các em về nền nếp, giáo dục các em những kĩ năng sống và hướng tới giá trị việc học của các em. Bên cạnh sự động viên, khích lệ cũng cần định ra những ràng buộc nghiêm khắc nhằm giúp cho học sinh lớp mình có trách nhiệm với bản thân và lo lắng chuyện học hành.
Đối với gia đình, sự làm gương là quan trọng nhất trong những ngày trước và sau Tết. Ông bà, cha mẹ, anh chị…phải là gương sáng về đạo đức đối với con em mình. Hạn chế tối đa cờ bạc, nhậu nhẹt triền miên và tổ chức một số tệ nạn xã hội khác. Bởi, điều đó có tác động rất nhiều đến nhân cách của các em.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm đến lịch học tập của con em mình, về sự thay đổi bất thường về ngoại hình, tính cách để từ đó có sự liên hệ chặt chẽ với nhà trường giáo dục, uốn nắn các em được kịp thời nhất.
Đối với các đoàn thể địa phương cần quan tâm, giám sát chặt chẽ các hoạt động giải trí động của địa bàn mình. Nghiêm cấm những trò chơi có tính chất ăn thua như: bài bạc, cá độ, các dịch vụ nhạy cảm...
Đoàn thanh niên cần phát huy tính tiên phong trong việc tuyền truyền, cổ động và tạo sân chơi cho giới trẻ trên địa bàn của mình như bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi dân gian. Đặc biệt, có thể tổ chức các hoạt động về nguồn như thăm viếng, dọn dẹp vệ sinh nghĩa trang; thăm chúc Tết các gia đình chính sách…nhằm tạo cho học sinh ý thức trách nhiệm trước cộng đồng.
Sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, quản lý các em vào dịp tết là vô cùng quan trọng. Chúng ta không chỉ kế thừa được nét đẹp văn hóa truyền thống của tết cổ truyền, đảm bảo được tình hình an ninh tại địa phương, hạn chế tỉ lệ học sinh bỏ học ở các nhà trường mà còn góp phần tạo dựng nên một thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm, tương lai của mình.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/huong-cho-hoc-sinh-don-tet-lanh-manh-an-toan-179230115103245764.htm