Hơn 5 vạn học sinh lớp 1 xếp loại "chưa hoàn thành" do đâu?
Báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua cho biết, năm học 2022-2023, cả nước có 105.700 học sinh xếp loại "chưa hoàn thành", trong đó có 52.456 học sinh lớp 1. Đây có phải là điều bất thường không? Nguyên nhân nào dẫn đến điều đó?
Thông tin này được đưa trong báo cáo Hội nghị tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học, tăng hơn 470.000 em so với năm học trước. Đây cũng là năm ngành Giáo dục áp dụng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đến lớp 3. Lớp 4 và lớp 5 vẫn học theo chương trình cũ.
Theo chương trình mới, việc đánh giá học sinh lớp 1,2,3 dựa vào Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT gồm bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Với học sinh lớp 4 và 5, có ba mức đánh giá: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Kết quả, cả nước có hơn 105.700 học sinh tiểu học bị đánh giá ở mức thấp nhất, chiếm gần 1,2% tổng số. Trong đó, gần 52.500 em là học sinh lớp 1. Con số này ở khối lớp 2,3,4 dao động từ 13.000 đến 18.000 học sinh, riêng lớp 5 thấp nhất với hơn 5.100 em.
Chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới khá nặng
Về con số nhiều học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới được đánh giá chưa hoàn thành, đại diện Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải thích nội dung chương trình môn Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết.
Về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy, nhiều giáo viên lớp 1 cho biết chương trình mới môn Tiếng Việt lớp 1 nặng hơn chương trình cũ. Cụ thể, ở chương trình sách giáo khoa cũ, mỗi ngày, học sinh chỉ học một hoặc hai âm vần cùng vài từ ngữ đơn giản và một câu ngắn gọn.
Nhưng sang chương trình mới, các em đã phải học hai, ba, bốn âm vần, phải nhận diện âm, đọc tiếng, đọc từ, đọc các mẫu câu rồi ghép thành đoạn đối thoại. Mỗi đoạn văn gồm vài câu. Mới vài tuần đầu đã yêu cầu viết hoa, chưa hết học kỳ 1, học sinh đã phải viết chính tả cả đoạn văn. Sang học kỳ 2 đã phải đọc thông viết thạo.
Chương trình yêu cầu dạy quá nhanh, với học sinh có lực học khá trở lên, nhanh nhạy trong nhận thức, có phụ huynh kèm cặp thêm ở nhà thì học rất tốt. Tuy nhiên, những học sinh tiếp thu chậm, cha mẹ bận rộn ít quan tâm thì học sinh quá tải. Bài ở lớp tối về không ôn luyện sáng mai đã quên. Hôm sau tiếp tục học bài mới, kiến thức cũ chưa nắm kỹ, kiến thức mới lại nhồi nhét vào nên không thể tiếp thu và đuối dần. Dẫn đến cuối năm, nhiều học sinh không thể hoàn thành chương trình lớp học cũng là điều dễ hiểu.
Một số học sinh có vấn đề về nhận thức
Trong báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ: 52.456 học sinh chưa hoàn thành lớp 1 có 16.215 là học sinh dân tộc thiểu số, 440 học sinh học lớp ghép (dành cho trẻ lang thang cơ nhỡ) và 3.624 học sinh khuyết tật.
Học sinh khuyết tật có chứng nhận y tế của bác sĩ được đưa vào diện không đánh giá xếp loại nên không ảnh hưởng đến con số 52.456 học sinh chưa hoàn thành. Trong thực tế hiện nay, ở các lớp học vẫn có một số học sinh có vấn đề về nhận thức, dạng khiếm khuyết trí tuệ. Tuy nhiên, gia đình các học sinh này không cho con đi khám để lấy giấy chứng nhận y tế về khiếm khuyết nhận thức. Theo một số phụ huynh "nếu như thế thì thật tội cho con".
Những học sinh này, rất khó tiếp thu kiến thức dù là nặng hay nhẹ. Có những em, học hoài một âm vần nhưng không bao giờ nhớ. Những học sinh như thế, hiện mỗi lớp cũng có vài ba em. Giáo viên không cho lên lớp cũng là muốn các em được học lại cho vững kiến thức. Nếu cho lên lớp, những học sinh như thế rất dễ chán nản và bỏ học vì mặc cảm, hơn nữa học sinh không theo kịp các bạn, ngày càng đuối sức và lên đến lớp cao dạng "ngồi nhầm lớp" sẽ rất khó xử lí.
Học sinh ở lại lớp nhiều vì xếp loại "chưa hoàn thành" không phải điều đáng buồn
Từ lâu, ngành giáo dục thường bị dư luận lên án về căn bệnh trầm kha chưa thể chữa được đó là căn bệnh thành tích. Vì thành tích, không ít học sinh phải "ngồi nhầm lớp". Vì thành tích, học sinh không còn quyền được lưu ban. Tuy nhiên, phụ huynh có thể lên án rất gay gắt căn bệnh thành tích, nhưng nếu trường hợp rơi vào con mình yếu kém thì lại không muốn con ở lại lớp, hoặc con bị lưu ban, phải học thêm, hoặc nhận đánh giá xếp loại đúng thực chất.
Trong năm học vừa qua đã có hơn 5 vạn học sinh lớp 1 có nguy cơ ở lại lớp theo cách đánh giá mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ở góc nhìn tích cực, đây chính là một tín hiệu đáng mừng. Mừng vì nhiều trường học đã mạnh dạn đánh giá chất lượng thật của học sinh khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể, chi tiết. Mừng vì một số học sinh có lực học yếu kém có cơ hội được học lại kiến thức để học tốt hơn.. làm chắc chắn thêm cái gốc ban đầu nếu quả thật học sinh bị chậm, khiếm khuyết về nhận thức, không thể nhanh nhạy trong tiếp nhận như các bạn cùng lứa.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hon-5-van-hoc-sinh-lop-1-xep-loai-chua-hoan-thanh-do-dau-179230726224738639.htm