Hơn 200 nghệ sĩ kêu gọi sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong ngành âm nhạc
Một bức thư có chữ ký của hơn 200 nghệ sĩ nổi tiếng (trong đó có Billie Eilish, Nicki Minaj, Stevie Wonder,...) đã đưa ra yêu cầu các công ty công nghệ phải cam kết không phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế sự sáng tạo của con người.
Các nghệ sĩ cảnh báo vấn đề đạo đức và pháp lý khi sử dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành âm nhạc
Theo The Guardian, một nhóm gồm hơn 200 nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng (trong đó có Stevie Wonder, Miranda Lambert, Billie Eilish, Nicki Minaj, Katy Perry, Smokey Robinson,…) đã ký tên trong một bức thư ngỏ kêu gọi bảo vệ chống lại việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích bắt chước hình dáng, giọng nói và âm nhạc của các nghệ sĩ.
Bức thư do nhóm vận động Liên minh Quyền Nghệ sĩ (Artist Rights Alliance - ARA) thực hiện, đưa ra yêu cầu rằng các công ty công nghệ cam kết không phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo làm ảnh hưởng đến công việc hoặc thay thế các nhạc sĩ và nghệ sĩ.
Bức thư thừa nhận khả năng sáng tạo của trí tuệ nhân tạo, đồng thời cũng đề cập đến một số mối đe dọa của công nghệ này đối với sự sáng tạo của con người. Đó là việc các nhà phát triển công nghệ sử dụng tác phẩm âm nhạc mà không được phép để đào tạo trí tuệ nhân tạo "bắt chước" và sử dụng "âm thanh" trí tuệ nhân tạo để giảm bớt nghĩa vụ tiền bản quyền.
Trong thư nêu rõ: "Cuộc tấn công vào khả năng sáng tạo của con người phải được chấm dứt. Chúng ta phải bảo vệ chống lại việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có mục đích nhằm đánh cắp giọng nói và hình ảnh của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, vi phạm quyền của người sáng tạo và phá hủy hệ sinh thái âm nhạc".
Các nghệ sĩ không kêu gọi cấm hoàn toàn việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất âm nhạc. Tuy nhiên, họ cho rằng cần xem xét các vấn đề về đạo đức và pháp lý xung quanh việc công nghệ này vi phạm bản quyền sáng tác. Bên cạnh đó, theo các nghệ sĩ, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm có thể mang lại lợi ích cho ngành.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất âm nhạc đã sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo theo nhiều cách khác nhau. Giọng hát của huyền thoại âm nhạc John Lennon từng được tách khỏi một bản demo cũ và sử dụng chúng để tạo ra một bài hát "mới" của The Beatles (phát hành vào năm 2023) nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.
Các hiệp hội nghệ sĩ và các tổ chức vận động đã tìm cách gây áp lực lên các nhà lập pháp và các công ty công nghệ để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, trong khi các hãng phim lại quan tâm đến tiềm năng giảm chi phí sản xuất của nó.
Mối lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo được sử dụng để viết bài hát và kịch bản hoặc sản xuất hình ảnh và video, gây ảnh hưởng đến công việc của các diễn viên và nghệ sĩ giải trí là trung tâm của một số cuộc đàm phán hợp đồng và đình công trong ngành giải trí vào năm 2023.
Bức thư nêu rõ: "Một số công ty lớn nhất và quyền lực nhất đang sử dụng những sản phẩm của chúng tôi để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo mà không được phép".
Một số người đại diện cho các nghệ sĩ đã qua đời cũng nằm trong số những người ký tên vào bức thư. Đã có một cuộc tranh luận ngày càng gia tăng trong ngành giải trí về cách sử dụng chân dung của các nghệ sĩ sau khi họ qua đời. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, hình ảnh của những diễn viên và nhạc sĩ đã mất vẫn xuất hiện trong phim, trò chơi điện tử và truyền hình trong những năm gần đây, gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề đạo đức.
Vào tháng 3/2024, Tennessee đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ ban hành luật trực tiếp nhằm bảo vệ các nhạc sĩ khỏi việc bị trí tuệ nhân tạo "nhái" giọng hát vì mục đích thương mại. Đạo luật có tên ELVIS, quy định việc sao chép giọng nói của nghệ sĩ mà không có sự đồng ý của họ là bất hợp pháp. Đạo luật không đề cập đến việc tác phẩm của các nghệ sĩ được sử dụng làm dữ liệu để đào tạo các mô hình AI - đây cũng là một hành vi đã dẫn đến một số vụ kiện chống lại các công ty như OpenAI và được đề cập trong bức thư của các nghệ sĩ.
Tuần trước, OpenAI - nhà phát triển chatbot đình đám ChatGPT - đã tiết lộ một công cụ trí tuệ nhân tạo mới với tên gọi Voice Engine có thể bắt chước giọng nói của con người với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Công cụ này giúp dịch thuật, hỗ trợ đọc cho trẻ em hoặc hỗ trợ những người mất khả năng nói. Nhưng một số người hoài nghi rằng nó cũng có thể thúc đẩy việc tạo ra thông tin sai lệch hoặc khiến việc thực hiện các vụ lừa đảo trở nên dễ dàng hơn.
Trước những lo ngại trên, OpenAI thừa nhận sự cần thiết phải có những thay đổi lớn khi âm thanh do trí tuệ nhân tạo tạo ra trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Hiện công ty cũng cho biết chưa có kế hoạch phát hành Voice Engine ra công chúng.
“Bất kỳ việc triển khai rộng rãi công nghệ giọng nói tổng hợp nào cũng phải đi kèm với trải nghiệm xác thực giọng nói để xác minh rằng người nói ban đầu biết rõ rằng giọng nói của họ được đưa vào dịch vụ và có một danh sách những giọng nói không được phép bắt chước. Theo đó danh sách này phát hiện và ngăn chặn việc tạo ra các giọng nói quá giống với giọng nói của những nhân vật nổi tiếng”, OpenAI cho biết.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hon-200-nghe-si-keu-goi-su-dung-tri-tue-nhan-tao-co-trach-nhiem-trong-nganh-am-nhac-179240403122452719.htm