Hơn 150 cá nhân, tập thể tiêu biểu được trao Giải thưởng KOVA lần thứ 21
Ngày 2/12/2023, Lễ trao Giải thưởng và Học bổng KOVA lần thứ 21 đã diễn ra tại Nhà hát Quân đội phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Giải thưởng - Học bổng KOVA năm nay trao cho hơn 150 cá nhân, tập thể tiêu biểu ở 4 hạng mục: Học bổng Nghị lực, Hạng mục Triển vọng, Hạng mục Kiến tạo, Hạng mục Sống đẹp.
Tham dự buổi lễ có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA cùng đại diện của các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học, đại diện các tổ chức làm khuyến học và hàng trăm cá nhân, tập thể được nhận giải và học bổng.
Giải thưởng KOVA góp phần nuôi dưỡng các tài năng trẻ
Phát biểu tại lễ trao giải, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA cho biết: Giải thưởng KOVA là sáng kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch tập đoàn Sơn KOVA, nguyên giảng viên chuyên ngành Hóa, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Năm 1992, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya – giải thưởng cao quý dành cho các nhà khoa học nữ trên thế giới. Từng là cô sinh viên nghèo, gặp nhiều khó khăn trên con đường học hành, lập nghiệp nên sau này PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đồng cảm với sinh viên nghèo vượt khó và những trí thức đam mê nghiên cứu khoa học.
Qua 21 năm trao giải, hàng ngàn suất học bổng đã được trao cho những sinh viên nghèo vượt khó vươn lên đạt thành tích tốt trong học tập (là học sinh giỏi), sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học, đạt giải từ cấp trường trở lên và có khả năng ứng dụng vào thực tế.
Giải thưởng KOVA cũng dành trao cho những tấm gương tiêu biểu có hành động nhân ái nhằm tôn vinh những tập thể và cá nhân đã hy sinh quyền lợi cá nhân, có nhiều cống hiến cho cộng đồng, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều trẻ em, người nghèo...
Ủy ban giải thưởng đã làm việc công tâm, nghiêm túc, khách quan và đã lựa chọn được 123 sinh viên đến từ mục Học bổng nghị lực; 5 tập thể sinh viên ở hạng mục khởi nghiệp và 14 sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc ở hạng mục triển vọng; 1 tập thể và 4 cá nhân ở hạng mục sống đẹp, 1 tập thể và 2 cá nhân ở hạng mục kiến tạo.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Đáng lưu ý là năm nay số sinh viên có giải thưởng ở hạng mục triển vọng nhiều hơn. Có đề tài nghiên cứu khoa học của các em đã được triển khai ứng dụng vào thực tế. Giải thưởng KOVA góp phần nuôi dưỡng các tài năng này và nhìn thấy triển vọng của các em trong tương lai.
Những sinh viên được nhận học bổng năm nay đều là những sinh viên giàu nghị lực, vượt lên từ hoàn cảnh khó khăn. Giải thưởng cũng dành cho 1 tập thể và 2 cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, đã được ứng dụng thực tế mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan cho rằng: Giải thưởng KOVA sẽ góp phần truyền lửa không chỉ cho các em học sinh và những cá nhân, tập thể được nhận giải mà còn tạo động lực kích thích lòng hăng say học tập, động viên các học sinh vượt khó vươn lên học giỏi và những sinh viên có niềm đam mê nghiên cứu khoa học để góp phần giúp các em có đủ hành trang vào đời trong bối cảnh nêu trên. "Mong các em xác định rõ mục tiêu phấn đấu, rèn chí, luyện tài để thành công trên con đường mình đã chọn".
Hơn 150 cá nhân, tập thể tiêu biểu được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng - Học bổng KOVA lần thứ 21
Trải qua 21 năm tìm kiếm, vinh danh và hỗ trợ cho các tấm gương tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực, Giải thưởng - Học bổng KOVA năm nay trao cho đầy đủ 4 hạng mục: Học bổng Nghị lực, Hạng mục Triển vọng, Hạng mục Kiến tạo, Hạng mục Sống đẹp.
Học bổng Nghị lực: Trao cho 123 sinh viên vượt khó học Giỏi từ 46 trường Đại học công lập trên cả nước, trị giá 10 triệu đồng/học bổng.
Hạng mục Triển vọng: Trao cho 14 sinh viên học tốt có thành tích nghiên cứu khoa học, trị giá 10 triệu đồng/giải. Trao cho 5 dự án khởi nghiệp, trị giá 30 triệu đồng/giải tập thể:
- Dự án Eco-House Giải pháp nền nông nghiệp xanh (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh), nhóm thực hiện: Hồ Thanh Huy, Lê Hoàng Minh Châu, Trần Thị Trâm.
- Dự án Autoantenna – Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, cảnh báo sớm tình trạng cột anten (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), nhóm thực hiện: Bùi Minh Đức, Nguyễn Anh Quân, Nguyễn Sơn Hải, Trần Thị Cẩm Vân, Phạm Ngọc Quân.
- Dự án Yacon - Lý tưởng cho lối sống ít đường (Trường Đại học Dược Hà Nội), nhóm thực hiện: Trần Thủy Hoàng, Vũ Mạnh Hưng, Ngô Hà Vi, Phạm Ánh Ngọc, Lê Minh Hằng.
- Dự án Thực Nghệ Hương(Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), nhóm thực hiện: Vũ Ngọc Mai, Vũ Thị Oanh, Nguyễn Phạm Thùy Linh, Lê Thị Thảo, Nguyễn Đức Tiến.
- Pixme - tranh Mosaic (đặt theo yêu cầu) và bộ sản phẩm tự làm (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), nhóm thực hiện: Hoàng Hải Quyên, Nguyễn Hữu Phong, Hoàng Nguyễn Minh Giang, Nguyễn Minh Anh, Cao Thế Phong.
Hạng mục Kiến tạo: Dành cho những công trình nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng có tính sáng tạo, nhân văn, có giá trị với cộng đồng, trị giá 50 triệu đồng/ giải tập thể; 30 triệu đồng/giải cá nhân. Trao cho 1 Tập thể và 2 Cá nhân:
- Nghiên cứu: Chọn lọc một số giống lúa mùa ruộng trên có chất lượng tốt tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, Tỉnh An Giang (Giải Tập thể), do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao Đồng bằng Sông Cửu Long và nhóm nghiên cứu thực hiện.
- Nghiên cứu: Sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu luật tục Bahnar (Giải Cá nhân), do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Buôn Krông Thị Tuyết Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện.
- Nghiên cứu: Sản xuất bộ sản phẩm giúp chăm sóc, bảo vệ, phục hồi tóc hư tổn có nguồn gốc tự nhiên bao gồm dầu gội, dầu xả, serum, dầu bảo vệ tóc và viên uống giúp tóc mọc dầy, khỏe (Giải Cá nhân), do Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Liên – Phó Chủ tịch, Đồng sáng lập, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương thực hiện.
Hạng mục Sống đẹp: Dành cho những việc làm tử tế, nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng, những câu chuyện truyền cảm hứng về sự nhân ái, sẻ chia, trị giá 50 triệu đồng/ giải tập thể; 30 triệu đồng/ giải cá nhân. Trao cho 1 Tập thể & 4 Cá nhân:
- Tập thể Chi hội luật sư – Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh (Giải tập thể, trị giá 50 triệu đồng).
- Bà Dương Thị Từ – Vượt qua khó khăn của bản thân, mở cơ sở & đào tạo nghề đan chổi chít cho những mảnh đời bất hạnh (Giải cá nhân, trị giá 30 triệu đồng).
- Chị Huỳnh Thanh Thảo – Cô giáo xương thủy tinh giàu nghị lực, người sáng lập Quỹ học bổng "Cô Ba Ấp Ràng" (Giải cá nhân, trị giá 30 triệu đồng).
- Bà Lê Thị Guốt – Trải qua 40 cuộc phẫu thuật giành lại sự sống, sáng lập Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ đỏ tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong khu vực (Giải cá nhân, trị giá 30 triệu đồng).
- Em Lê Thị Thắm – Cô giáo "chim cánh cụt" truyền cảm hứng cho sinh viên vượt qua khó khăn, dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa (Giải cá nhân, trị giá 30 triệu đồng).
Giải thưởng và Học bổng KOVA do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA sáng lập vào năm 2002, xuất phát từ việc Bà từng trải qua những khó khăn thời sinh viên và những ngày đầu khởi nghiệp từ khoa học.
Giải thưởng ra đời với mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, thông qua việc: Khuyến khích nghiên cứu Khoa học ứng dụng; Lan tỏa những hành động Nhân văn và Ươm mầm, hỗ trợ cho các em Sinh viên triển vọng trên cả nước.
Ý tưởng và tâm huyết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe về Giải thưởng KOVA đã nhận được sự ủng hộ của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và vinh dự được Bà giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng. Từ năm 2012 đến nay, vị trí này tiếp tục vinh dự được Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đảm nhiệm. Hội đồng Ủy ban Giải thưởng KOVA còn có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ và các cơ quan Nhà nước.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hon-150-ca-nhan-tap-the-tieu-bieu-duoc-trao-giai-thuong-kova-lan-thu-21-179231202171827007.htm