Hội thi giáo viên giỏi - bệnh thành tích vì sao không thể bỏ?
Trong số các phong trào nặng bệnh thành tích, hình thức bị giáo viên lên án và muốn thay đổi nhiều nhất là Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Cùng với đó là góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua của trường và của ngành. Thi để khuyến khích giáo viên tự rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thông qua hội thi, phổ biến những phương pháp giảng dạy và giáo dục học sinh hiệu quả, các kinh nghiệm thiết thực và bổ ích trong các hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên trong thực tế, Hội thi giáo viên giỏi không mang lại hiệu quả tích cực như đã đề ra mục tiêu.
Nhiều nhà giáo đòi tẩy chay hội thi vì tiết dạy chủ yếu là diễn
Trên các diễn đàn nhà giáo, nhiều thầy cô giáo thi nhau bày tỏ quan điểm, bóc mẽ hội thi do chính mình trải nghiệm. Bạn Khuyên Đào ở Thái Bình cho biết: "Toàn là diễn thôi. Một tiết dạy mà chuẩn bị trước, hết dạy cấp tổ, dạy khối chuyên môn, dạy cho Ban giám hiệu dự, lên dự xuống rồi rút kinh nghiệm.
Bài giảng thì cả tổ góp ý, soạn đi, soạn lại biết bao lần. Học sinh thì mớm cho những kiến thức mới của bài dạy không tốt mới lạ.
Ý kiến của Phương Đào đã nhận được sự đồng tình vì đơn giản tình trạng này đã xảy ra khá phổ biến trong các Hội thi giáo viên giỏi ở các trường, các địa phương.
Bạn Phương Lê bày tỏ: "Năm nào cũng thi giáo viên giỏi cấp trường. Mà thật ra đó chỉ là sân khấu, giáo viên thi là diễn viên, Ban giám khảo cũng là diễn viên. Nhiều khi giám khảo mà chưa một lần đạt được danh hiệu giáo viên giỏi nhưng lại là người chấm giáo viên giỏi".
Nhiều thầy cô giáo đã khẳng định sự thật về các Hội thi giáo viên giỏi: Người dự thi đã chuẩn bị (và được cả trường hỗ trợ) trước đó "từ chân đến răng" nên các tiết dạy gần như diễn lại. Các sáng kiến kinh nghiệm gần như sao chép của người khác nên danh hiệu mà nhiều thầy cô giáo đạt được đôi khi không thật sự xứng đáng.
Chất lượng Hội thi giáo viên giỏi ở mức độ nào thì ai cũng biết. Tuy nhiên, không phải cứ tổ chức không hiệu quả là dễ dàng tẩy chay. Nếu không còn những hội thi như thế, sẽ đánh giá năng lực giáo viên thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những đổi mới tích cực trong việc thi giáo viên giỏi
Để hạn chế những tiêu cực trong Hội thi giáo viên giỏi, Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Có khá nhiều quy định trước đây đã được sửa đổi theo hướng tích cực và khách quan hơn. Theo đó, giản thời gian tổ chức Hội thi giáo viên giỏi cấp trường 2 năm/lần thay vì mỗi năm một lần như trước.
Thực hành một hoạt động giáo dục cụ thể theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra Hội thi. Hoạt động giáo dục tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại nhóm, lớp với nguyên trạng số lượng trẻ em của nhóm, lớp đó.
Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) hoạt động giáo dục tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi (trước kia giáo viên biết trước cả tháng trời).
Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc.
Trước đây, để tham gia Hội thi giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Nói đến sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục luôn là nỗi ám ảnh của các thầy cô. Bởi, kinh nghiệm thì có nhiều nhung sáng kiến lấy ở đâu ra một năm phải viết đến vài cái sáng kiến? Ngoài ra, giáo viên chỉ còn phải giảng dạy một tiết trên lớp (thay vì 2 tiết như trước đây).
Giáo viên đưa giải pháp cải thiện chất lượng hội thi giáo viên giỏi
Dù quy định mới của Hội thi giáo viên giỏi đã cởi bỏ khá nhiều tính hình thức, so với quy định cũ. Tuy thế, nhiều thầy cô giáo vẫn tỏ ra không mặn mà với những hội thi thế này.
Nhiều đề xuất được đưa ra, có thầy chia sẻ để biết một giáo viên giỏi thì hãy căn cứ vào chất lượng đại trà, tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh yếu kém, chất lượng học sinh vào đại học vào trung học phổ thông với điều kiện tổ chức các cuộc thi cho học sinh thật nghiêm túc.
Có thầy cô lại cho rằng, nên tổ chức các bài kiểm tra đối với học sinh, coi chéo, chấm chung. Lấy chất lượng đó đánh giá giáo viên và nhà trường, không đánh giá học sinh.
Giỏi hay không thường người ta nhìn qua chất lượng học sinh, nhìn qua cách quản lý lớp, tổ chức lớp, cách hoạt động trong nhà trường điều này ai cũng nhìn thấy. Dạy thế nào mà học sinh tiếp thu kiến thức tốt, phụ huynh hài lòng là được.
Thầy giáo Nhật Khoa ở Kiên Giang đề xuất: "Nên tổ chức các hội thi liên quan rèn luyện kiến thức chuyên môn. Tăng cường các cuộc thi, phong trào mang tính khuyến khích động viên giáo viên tham gia là các hội thi có liên quan về kiến thức, kiến thức chuyên môn, luật, vận dụng công nghệ…
Tổ chức Hội thi tình huống ứng xử, giải pháp thi sáng tạo đồ dùng dạy học, phần mềm,… thi đấu thể dục thể thao, văn nghệ".
Không thể bỏ Hội thi giáo viên giỏi khi ngành giáo dục chưa có công cụ đánh giá chuẩn
Những giải pháp đánh giá học sinh, mức độ bằng lòng của phụ huynh để tặng danh hiệu cho giáo viên giỏi mà một số giáo viên vừa đề xuất cũng khá mù mờ. Nếu căn cứ vào chất lượng học sinh, về tỷ lệ học sinh giỏi, yếu kém…cũng khó chính xác.
Giáo viên chưa có quyền đánh giá chất lượng đầu vào thì cũng không có căn cứ nào ở đầu ra để đánh giá. Có những lớp đầu vào là những học sinh khá, giỏi nhưng có lớp lại đa phần các em có lực học trung bình, trung bình khá và yếu kém.
Nếu căn cứ vào chất lượng của các lớp (mà căn bản chất lượng có sự chênh lệch nhau) thì thật là thiệt thòi cho giáo viên nhận những lớp có chất lượng yếu, kém từ ban đầu.
Đánh giá dựa vào sự bằng lòng của phụ huynh cũng không loại trừ trường hợp giáo viên giảng dạy nghiêm khắc thường hay bị mất lòng và khi đó sự đánh giá không còn là khách quan nữa.
Đề xuất bỏ hội thi này mà thay bằng hàng loạt hội thi khác chẳng khác nào bỏ một áp lực lại quàng vào cổ nhiều áp lực nặng nề hơn nhưng rút cuộc việc đánh giá để công nhận một giáo viên giỏi vẫn cứ mông lung, cứ mù mờ.
Khi ngành giáo dục chưa có được một công cụ đánh giá chuẩn giáo viên thì việc chọn giáo viên giỏi, có năng lực trong các Hội thi giáo viên giỏi hiện nay vẫn đang là giải pháp tối ưu nhất.
Vấn đề là, các trường (chính là hiệu trưởng) phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi cơ sở giáo dục mầm non; Giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông (gọi chung là Hội thi giáo viên giỏi). Chính ban giám hiệu phải sàng lọc giáo viên ngay từ vòng ngoài để những thầy cô giáo được tham dự Hội thi về căn bản đã là những thầy cô giáo xứng đáng nhất.
Đừng vì thành tích để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên một cách qua loa, làm cho ai cũng đủ điều kiện để ép buộc phải tham dự Hội thi dẫn đến tình trạng loạn giáo viên giỏi như trước đây. Điều đó làm mất niềm tin của nhà giáo và biến Hội thi giáo viên giỏi thành nơi để mưu cầu danh lợi.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoi-thi-giao-vien-gioi-benh-thanh-tich-vi-sao-khong-the-bo-179230325111243757.htm