Hội Khuyến học Hà Nội, Hà Nam và Thái Bình hội thảo xây dựng mô hình Dòng họ học tập
Ngày 10/2, tại Hà Nam, Hội Khuyến học 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình tổ chức hội thảo về kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình Dòng họ học tập giai đoạn 2022-2030.
Tại đây, đại diện hội khuyến học 3 tỉnh, thành phố đã chia sẻ thực trạng, kinh nghiệm của địa phương trong thực hiện và thúc đẩy các mô hình học tập nói chung, mô hình Dòng họ học tập nói riêng.
Hội Khuyến học của Hà Nội và Hà Nam, Thái Bình cùng thảo luận, đưa ra các mô hình, phương án xây dựng Dòng học học tập hiệu quả tại địa phương mình, lắng nghe và cầu thị, học hỏi những cách làm hay, để hướng tới cải thiện phương pháp, đưa công tác khuyến học, khuyến tài phát triển vượt trội.
Công tác khuyến học trong Dòng họ có sức lan tỏa lớn
Lý giải về khái niệm "họ" trong "Dòng họ", theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam Đỗ Văn Sáng, "họ" là một thiết chế xã hội, tập hợp những người cùng huyết thống, cùng tổ tiên nhằm nối dõi truyền thống và cố kết phát triển cộng đồng.
Hiện nay cả nước có khoảng 1.023 Dòng họ. Trong đó có 14 Dòng họ phổ biến chiếm 90% dân số (người Kinh có khoảng 165 Dòng họ).
Tại Hà Nam đã có 1.027 tổ chức Dòng họ học tập được công nhận. Hàng năm, các dòng họ tiêu biểu được bình xét đánh giá và tôn vinh.
"Công tác khuyến học trong các Dòng họ có sức lan tỏa lớn. Đây được cho là việc chung của cả cộng đồng, cần xây dựng thành nề nếp, quy chế theo các tiêu chí cơ bản để con cháu Dòng họ phấn đấu, rèn luyện", Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam khẳng định.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nam Đỗ Văn Sáng, vai trò của cấp ủy, đảng viên rất quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động khuyến học ở gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương, dòng họ mình.
"Đây không chỉ là trách nhiệm đối với công tác khuyến học khuyến tài mà còn gắn với các phong trào khác tại địa phương, như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà mỗi đảng viên, cấp ủy các cấp quan tâm", Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam nhấn mạnh.
Mô hình Dòng họ học tập phát triển cả về chất và lượng
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các mô hình học tập tại địa phương, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết: Hằng năm, Hội Khuyến học Hà Nội đã trực tiếp tập huấn các biện pháp triển khai thực hiện các quyết của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập giai đoạn 2014-2020 và giai đoạn 2021-2030 và mô hình "Công dân học tập".
Hội Khuyến học Hà Nội đã tổ chức các hội nghị tọa đàm về kinh nghiệm xây dựng các mô hình học tập theo Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức đại hội gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu.
Từ đó, phong trào xây dựng các mô hình học tập được đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng, được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội, vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp với các ngành, đoàn thể của các cấp Hội đã cuốn hút các lực lượng xã hội, cộng đồng dân cư hưởng ứng phong trào làm chuyển biến về nhận thức và hành động về việc học tập.
Kết quả xây dựng dòng họ học tập tại Hà Nội từ năm 2016 – 2022 nhìn chung tăng đều. Năm cao nhất, toàn thành phố Hà Nội có 8.332 Dòng họ đạt danh hiệu "Dòng họ học tập", chiếm tỷ lệ 69,6%.
Năm 2023, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mô hình học tập, trong đó có Dòng họ học tập. Triển khai xây dựng mô hình "Công dân học tập", "Công dân số" theo các tiêu chí được Chính phủ phê duyệt.
Hội cũng căn cứ vào bộ tiêu chí khung của Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các mô hình học tập, phù hợp với địa phương, đơn vị, thành phần; phổ biến để các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp người lao động trong các thành phần kinh tế.
Gắn kết các mô hình học tập với mô hình trung tâm học tập cộng đồng
Những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả triển khai các mô hình học tập. Năm 2022, toàn tỉnh Thái Bình có 4.420 Dòng họ học tập, chiếm 59,1%.
Điểm đặc biệt của Hội Khuyến học Thái Bình trong xây dựng các mô hình học tập là Hội đã cho thành lập Trung tâm nghiên cứu Khoa học, Công nghệ và Phát triển ý tưởng nhằm chuyển tải các mô hình vào cuộc sống của người dân.
Trung tâm quy tụ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân, nhà quản lý, người giỏi tham gia đề xuất, tư vấn vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình.
Nhiệm vụ của trung tâm là nghiên cứu khoa học thông qua các đề tài, đề án, phản biện xã hội, tư vấn khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến gắn kết các mô hình học tập với mô hình trung tâm học tập cộng đồng mới và phát triển ý tưởng sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, văn hóa, xã hội...
Để phát huy hơn nữa kết quả xây dựng các mô hình học tập, trong năm 2023, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung tay xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2022 - 2025", "Tháng Khuyến học", "Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10".
Đổi mới công tác dân vận để vận động xây dựng quỹ khuyến học, tổ chức trao học bổng kịp thời cho những học sinh vượt khó học giỏi, những học sinh có thành tích cao trong học tập trước thềm năm học mới, công dân học tập xuất sắc tiêu biểu để tạo động lực phát triển giáo dục và đào tạo Thái Bình…
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoi-khuyen-hoc-ha-noi-ha-nam-va-thai-binh-hoi-thao-xay-dung-mo-hinh-dong-ho-hoc-tap-179230210171707357.htm