Học bí quyết chi tiêu, sử dụng thẻ tín dụng thông thái

Dịp Tết, nhu cầu mua sắm, du lịch tăng cao, chi tiêu qua thẻ cũng là một giải pháp tiện lợi, tuy nhiên cần chú ý tính an toàn trong thanh toán trực tuyến và các tính năng chi tiêu thẻ tín dụng.

Có rất nhiều cách thức để thanh toán như trên, nhưng nhiều người vẫn "quên" thanh toán, dẫn tới khoản nợ biến thành tính lãi. Ảnh minh hoạ: TCB
Chi tiêu thẻ tín dụng không để mất tiền
Ai cũng biết, chức năng chính của thẻ tín dụng là hỗ trợ khách hàng thanh toán trả sau các khoản chi tiêu mà không bị mất phí (trong thời gian cố định, thường là 1 tháng sau khi chi tiêu). Khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng sẽ dùng số tiền mà thẻ được cấp (hạn mức tín dụng) để trả trước các khoản phí bất kỳ, sau đó hoàn trả lại ngân hàng trong thời gian quy định.
Thông thường, thẻ tín dụng có các hình thức thanh toán trực tiếp tại quầy. Thông qua các POS thanh toán được đặt tại các cơ sở kinh doanh, thẻ sẽ dùng để "quẹt" một cách tiện lợi là có thể thanh toán trước các khoản chi, rồi sau đó người dùng có thể hoàn trả cho ngân hàng vào một thời gian cố định.
Tiện lợi nhất, thẻ tín dụng dùng để thanh toán trực tuyến các hóa đơn mua sắm, hóa đơn điện nước, nạp tiền điện thoại, phí dịch vụ chung cư… thông qua ứng dụng của ngân hàng hoặc liên kết với các ví điện tử.
Theo chuyên gia, việc thanh toán trả sau bằng thẻ tín dụng giúp khách hàng dễ dàng thanh toán mọi lúc mọi nơi mà không cần tiền mặt. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng còn là giải pháp hợp lý để thanh toán đúng hạn các khoản phí cá nhân, dễ dàng kiểm soát chi tiêu và giúp chủ thẻ giảm bớt áp lực tài chính.
Các tính năng nên hạn chế dùng từ thẻ tín dụng, mặc dù rất tiện lợi
Trong số các tính năng tiện lợi từ thẻ tín dụng, người dân cần chú ý hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Đây là hình thức chỉ dùng khi rơi vào tình thế "bắt buộc": Khách hàng sẽ dùng thẻ tín dụng để ứng tiền mặt tại máy ATM thay cho thẻ ghi nợ, là khoản tạm vay trong thẻ tín dụng, không phải là giao dịch rút tiền từ tài khoản của thẻ ghi nợ hay tiết kiệm.
Thông thường, khách hàng sẽ rút tiền từ thẻ tín dụng để tiêu dùng cho những khoản chi cần dùng tiền mặt hoặc trường hợp cần tiền gấp. Tuy nhiên, phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng sẽ cao hơn thẻ thanh toán, rơi vào khoảng 4%. Do đó, người dùng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng tính năng này.
Bên cạnh đó, tính năng trả góp thường được nhiều người sử dụng, tuy nhiên nhiều khách hàng cũng chưa hiểu rõ tường tận các quy định của ngân hàng và cơ sở kinh doanh về việc trả góp. Tùy theo loại hình dịch vụ, sản phẩm và chính sách bán hàng, việc trả góp được quy định khác nhau, nên mức phí để trả góp các sản phẩm cũng khác nhau. Cần đọc kỹ, tìm hiểu rõ ràng trước khi quyết định sử dụng tính năng này.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cơ sở và trang thương mại điện tử cho phép trả góp mua sắm thông qua thẻ tín dụng các sản phẩm như: điện thoại, laptop, TV… với đa dạng kỳ hạn trả góp phổ biến từ 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng đến 24 tháng với lãi suất từ 0%/năm.
Theo ngân hàng Techcombank, đây là tính năng trả góp độc quyền mà chỉ có ở thẻ tín dụng, do đó, khách hàng nên tận dụng ưu đãi độc quyền này một cách hợp lý để cân bằng tài chính cho những khoản mua lớn.
Tuy nhiên để đăng ký trả góp qua thẻ tín dụng, khách hàng cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Khách hàng thanh toán mua sắm bằng thẻ tín dụng tại điểm mua hàng
- Bước 2.1: Khách hàng thực hiện đăng ký mua hàng trả góp bằng thẻ tín dụng tại điểm bán hoặc lựa chọn sử dụng hình thức “Thanh toán trả góp bằng thẻ tín dụng” nếu mua hàng trực tuyến, khách hàng thực hiện xác nhận đồng ý trực tuyến cho các thông tin về số tiền và kỳ hạn mong muốn để chuyển đổi sang trả góp.
Ngoài ra, cách sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng trực tuyến bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Tại đường dẫn khi khách hàng mua sản phẩm, hãy chọn hình thức thanh toán thông qua thẻ tín dụng
- Bước 2: Nhập đầy đủ thông tin mà hệ thống yêu cầu trên màn hình như số thẻ, số CVC/CVV, tên chủ tài khoản...
- Bước 3: Xác nhận thanh toán để hoàn tất giao dịch
Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng đều khuyến cáo về tính năng rút tiền, khách hàng cần lưu ý các mức phí rút tiền mặt, trả lãi là tương đối cao (khoảng 4%) vì vậy, khách hàng nên cân nhắc kỹ trước khi rút tiền từ thẻ tín dụng.
Sử dụng thẻ tín dụng, cần chú ý thanh toán dư nợ ĐÚNG HẠN
Như đã nói ở trên, sau thời gian 1 tháng chi tiêu, khách hàng sẽ chịu một khoản nợ (tạm) là khoản tiền cộng dồn các khoản chi tiêu trong tháng, và buộc phải thanh toán trả lại cho ngân hàng các khoản chi này sau hàng tháng.
Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng cũng cho phép "ân hạn" khoản thanh toán khi cho phép khách hàng lựa chọn thanh toán toàn bộ dư nợ tín dụng hàng tháng, hoặc chỉ thanh toán tối thiểu dư nợ (tức là 1 phần tiền nợ).
Theo ngân hàng Techcombank, các cách thanh toán dư nợ tín dụng và cách thanh toán như sau:
- Thanh toán dư nợ tại quầy giao dịch ngân hàng: Đến kỳ thanh toán, khách hàng mang theo thẻ tín dụng và các chứng minh giấy tờ liên quan tới quầy giao dịch ngân hàng gần nhất để thanh toán dư nợ tín dụng dưới sự hỗ trợ của nhân viên. Cách này khá đơn giản nhưng mất nhiều thời gian nên có rất ít khách hàng lựa chọn
- Thanh toán qua Internet Banking: Thanh toán dư nợ tín dụng qua Internet Banking là sự lựa chọn phổ biến nhất của người dùng hiện nay bởi không mất nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi để thực hiện thanh toán
- Thanh toán qua tính năng thẻ tín dụng tự động: Khách hàng cần yêu cầu đăng ký dịch vụ thanh toán tín dụng tự động tại phòng giao dịch của ngân hàng. Sau đó, hàng tháng ngân hàng sẽ tự động trích khoản tiền trong thẻ để thanh toán dư nợ mà khách hàng không cần thao tác gì thêm
- Thanh toán qua ví điện tử: Thông qua các ví điện tử phổ biến hiện nay như Momo, Zalo Pay... khách hàng có thể thanh toán dư nợ trực tuyến mà không cần đến phòng giao dịch của ngân hàng
- Thanh toán từ ngân hàng khác: Khách hàng cũng có thể thanh toán dư nợ bằng hình thức chuyển khoản thông thường và nộp tiền từ ngân hàng khác
- Thanh toán qua cây ATM: Việc thanh toán thông qua cây ATM nên được thực hiện trước kỳ hạn từ 2 - 3 ngày để tránh trường hợp hệ thống bị lỗi gây trễ thanh toán
- Thanh toán qua Ngân hàng điện tử trên Website: Ngoài ra, khi đăng nhập vào website chính thức của ngân hàng, khách hàng cũng có thể dùng tính năng Ngân hàng điện tử để thanh toán dư nợ tín dụng
Có rất nhiều cách thức để thanh toán như trên, nhưng nhiều người vẫn "quên" thanh toán, dẫn tới khoản nợ biến thành tính lãi. Theo thời gian, lãi mẹ đẻ lãi con sẽ trở thành một khoản lớn, gây mất kiểm soát trong tài khoản cá nhân. Vì vậy, khách hàng cần hết sức cẩn trọng, nắm rõ quy trình và các bước sử dụng thẻ tín dụng, để tránh các rủi ro có thể xảy ra khi chi tiêu qua thẻ tín dụng trong những ngày đầu năm mới này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-bi-quyet-chi-tieu-su-dung-the-tin-dung-thong-thai-179250202072917473.htm