Hoài niệm về sự học

12:00 - 30/03/2023

Một phóng viên phỏng vấn tôi về con đường học là sao tôi có thể trả lời mọi lĩnh vực đều trôi chảy. Tôi nói rằng: Học hàm, học vị như tôi cũng là hết cỡ rồi, nhưng cái hàm và vị đó không liên quan gì nhiều đến tri thức trong đầu. Tri thức tôi có chỉ khoảng 20% học từ trường học, còn 80% thu nhận trong đời.

Tôi sinh ra trong một gia đình Nho giáo, các đời tiền nhân đều cặm cụi với con đường khoa bảng. Gần nhất là cụ nội tôi đỗ Phó bảng cùng khoa thi với cụ Nguyễn Thượng Hiền (1892). Sau khi đỗ, cụ tôi được bổ làm Tri phủ Xuân Trường, rồi cụ cũng nhận ra những nhiễu nhương trong chốn quan trường, xin về làm Đốc học Bắc Giang, hy vọng môi trường học hành sẽ trong sáng hơn.

Nhưng rồi cũng không ưng ý cả với chức quan coi việc học hành cấp tỉnh. Cuối cùng, cụ cáo quan xin về quê dạy học. Cụ mở lớp nhỏ thôi, chỉ kén những học trò thông minh để dạy. Một học trò ưng ý của cụ là cụ Bùi Bằng Đoàn, chỉ đỗ cử nhân nhưng trí tuệ rất sáng, cụ gả con gái cho. Sau đó, cụ Bùi Bằng Đoàn làm đến Thượng thư Bộ Hình trong triều đình Huế, rồi cụ nghe Bác Hồ về với cách mạng và làm Phó Chủ tịch Quôc hội, vẫn thường xướng họa thi ca với Bác Hồ.

Nói như vậy cũng chỉ như để minh chứng cho một gia đình nho giáo qua những bằng chứng cụ thể.

Đến đời ông nội tôi cũng học hành tử tế, nhưng thi cử đã hết. Cụ Tú Xương có than rằng "Vứt bút lông đi, giắt bút chì!", tức là quẳng đi Nho học mà phải theo Tây học. Vì thế mà ông nội tôi đành xếp lại Tứ thư, Ngũ kinh để học văn chương, chữ nghĩa của Pháp.

Bố tôi cũng tốt nghiệp Tú tài hệ giáo dục Pháp, rồi học Khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn để làm bộ đội chính quy ngay từ ngày đầu tiên Toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19/12/1946). Rất buồn là bố tôi đã hy sinh vào ngày đầu tiên, trong trận đánh đầu tiên toàn quốc kháng chiến - tại trận đánh vào Câu lạc bộ sỹ quan Pháp ở thị xã Bắc Giang (Phủ Lạng Thương).

Mẹ tôi làm ruộng ở quê, quyết định ở vậy nuôi con. Tôi cùng ông nội tìm chỗ trọ học ở Hà Nội phố. Vì vậy mà tôi học được từ ông khá nhiều tri thức về Nho giáo.

Tôi thấy rất vui khi được biết nhiều tri thức xưa, bên cạnh chương trình học ở trường cải tiến theo hướng hiện đại. Tôi vẫn ngầm nghĩ nhiều về tính riêng biệt của Nho giáo. Trong khi các tôn giáo lớn trên thế giới đều dựa vào duy tâm, chỉ mỗi Nho giáo là dựa vào duy vật, lấy chữ nghĩa, học hành và khuôn mẫu đạo đức làm gốc. Hơn nữa, chỉ có mỗi Nho giáo là tôn thờ tri thức, nguồn tạo động lực cho phát triển.

Hoài niệm về sự học - Ảnh 1.

Khổng Tử tin rằng tất cả mọi người và xã hội mà họ đang sống đều được hưởng lợi từ việc học tập và quan điểm đạo đức suốt đời. Ảnh: nationalgeographic

Khi tôi tốt nghiệp lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm) vào năm 1964 thì cũng là lúc có nhiều mâu thuẫn trong phe xã hội chủ nghĩa (cũ), nhà nước không gửi ai đi học nước ngoài. Tôi thi vào ngành Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm khá cao, nhưng rồi nhà trường chọn vào học khoa Trắc địa và Bản đồ. Đây là khoa mới mở với yêu cầu chọn những người học giỏi toán.

Học ở đây được 2 năm thì tôi lại phải chuyển sang học Toán tại trường Tổng hợp Hà Nội để về dạy Toán cho Bách khoa. Tôi hí hửng thoát khỏi một ngành ít quen biết.

Đến năm 1969, tôi tốt nghiệp ngành Toán và về dạy Toán tại Đại học Mỏ - Địa chất, khi ấy mới tách ra từ Đại học Bách khoa. Về đến Mỏ - Địa chất, lãnh đạo trường lại bắt tôi dạy Trắc địa và Bản đồ để thử nghiệm cử nhân Toán làm kỹ thuật có tốt hay không. 

Tôi bỗng nhớ đến câu Kiều: 

"Chém cha cái số hoa đào

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi".

Tôi đành coi như số phận vào con đường học bị "cởi ra rồi lại buộc vào".

Tôi vốn không thích xin xỏ ai điều gì, có khó mấy cũng tự mình vượt qua. Hơn nữa, kiến thức học trong trường chỉ như hình thức; kiến thức học trong đời mới quan trọng. Tôi vẫn nhớ như in câu Khổng Tử viết: "Trong ba người cùng đi, tất có một người là thầy ta". Câu nói vừa mang tính triết lý về sự học là vô cùng, và cũng muốn nói rằng ở đời nhiều người là thầy mình trong những lĩnh vực mình ít biết.

Tôi học đại học trong nước, nhưng rồi cũng được học trên đại học ở nước ngoài, bảo vệ thành công cả Tiến sĩ bậc 1 và Tiến sĩ bậc 2 ở Ba Lan. Nhà nước ta cũng chỉ gửi số lượng rất ít học sinh đi Ba Lan du học, vì đi thì nhiều nhưng về chẳng được bao nhiêu. Tôi có nghe chuyện rằng có năm Đảng bộ Đại sứ quán nước ta tại Ba Lan có ban hành Nghị quyết có nội dung "năm nay cố gắng đưa được một lưu học sinh tốt nghiệp về nước".

Tôi hoàn thành việc học với bằng Tiến sỹ bậc 2 (Tiến sỹ khoa học) và cũng được nhiều cơ sở đào tạo của nhiều nước mời làm việc. Không khí khoa học bên ấy cũng làm tôi băn khoăn: Nên về hay nên ở lại.

Tôi có một ông bạn thân thiết là Giáo sư, Viện sĩ Hàn lâm Ba Lan. Một hôm gặp nhau trò chuyện, tôi cũng đem tâm trạng băn khoăn về hay ở lại trao đổi với ông ta. Ông ta nói ngay với tôi: "Xin lỗi ông cho tôi nói thật, nếu người Việt đi học ở nước ngoài, thành danh rồi mà không ai về nước thì lấy ai xây dựng Việt Nam". Nghe xong, tôi có cảm giác xấu hổ và vô trách nhiệm, phải về ngay. Ngay ngày hôm sau, tôi mua vé máy bay về Việt Nam.

Tôi làm việc trong nước và cũng mãn nguyện với quyết định trước đây của mình. Ở môi trường trong nước, phải tiếp tục con đường học ngày càng nhiều trên đường đời. Tôi còn nhớ, lâu rồi có một phóng viên phỏng vấn tôi về con đường học với ý tưởng sao tôi có thể trả lời mọi lĩnh vực đều trôi chảy. Tôi có nói rằng: Học hàm và học vị như tôi cũng là hết cỡ rồi, nhưng cái hàm và vị đó cũng không liên quan gì nhiều đến tri thức trong đầu. Tri thức tôi có chỉ khoảng 20% học từ trường học, còn lại 80% thu nhận trong đời.

Nói như vậy cũng đúng thực sự, nhưng cũng chỉ ra cách đừng tin vào bằng cấp làm gì. Hãy tin vào năng lực tri thức thực của mỗi người. Trên thực tế, nhiều tỷ phú Hoa Kỳ giàu cỡ nhóm đầu thế giới đã bỏ học để theo đuổi một ý tưởng khởi nghiệp không thể trì hoãn. Nho giáo tôn thờ tri thức, nhưng mới là những tri thức học từ thầy, kể cả thầy trong trường và trong đời. Hoàn cảnh của một thị trường hiện đại đòi hỏi một tri thức gắn với phát triển kinh tế, tức là tri thức phải làm ra tiền.

Cuộc đời con người là một cuộc đời học tập. Ở trong trường chỉ là bước đầu, dù có giỏi đến đâu cũng không là gì so với yêu cầu tri thức cho cuộc sống ngày càng đa dạng.

Một đêm ít ngủ, ngày cuối tháng 3/2023


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoai-niem-ve-su-hoc-17923033010522757.htm