Hiểu về quan điểm "lấy người học làm trung tâm" trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Điều đặc biệt của quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm là khi giao nhiệm vụ học tập cho các em, thầy cô phải quan tâm đến cảm xúc, hứng thú của học trò với nhiệm vụ đó.
Triết lý dân chủ là điểm nhấn của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, "lấy người học làm trung tâm", tích cực hoá hoạt động học tập. Điều này thống nhất với triết lý của nhiều nền giáo dục trên thế giới.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh: "Trước đây, chúng ta cũng đã nghiên cứu quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm nhưng chưa triển khai được nhiều. Lần đổi mới này phải thực hiện cho kỳ được quan điểm trên, tích cực hoá hoạt động của người học".
Để tìm hiểu sâu hơn về quan điểm dạy học này, phóng viên của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, giảng viên Khoa Sư phạm và Tiến sĩ Đoàn Nguyệt Linh, Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đào tạo cho người học năng lực làm việc và tiếp cận nguồn tư liệu
Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám cho biết: Việc lấy học sinh làm trung tâm trong giáo dục phổ thông của Việt Nam lần đầu tiên được xuất hiện tại những hội thảo từ năm 1996.
Đến nay, người ta nhấn mạnh hơn đến việc lấy hoạt động học tập làm trung tâm chứ không phải là hoạt động dạy học làm trung tâm. Điều này dẫn đến việc giáo viên phải tổ chức được nhiều hoạt động học tập tạo hứng thú cho học trò càng nhiều càng tốt, chứ không phải giáo viên chỉ thuyết trình, truyền thụ kiến thức một chiều.
"Trước đây, khi lấy giáo viên và việc dạy học là trung tâm thì giáo viên chỉ thuyết trình, giải quyết được vấn đề kiến thức cơ bản để chạy đua với thời gian trong 45 phút của tiết học. Còn bây giờ, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, có thêm bao nhiêu tiết cho bài học nữa thì giáo viên cũng không đủ thời gian để truyền thụ. Như vậy thì người ta sẽ phải chuyển sang đào tạo cho người học năng lực làm việc và tiếp cận nguồn tư liệu", Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám so sánh.
Điểm đặc biệt của quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm là khi bàn giao nhiệm vụ học tập cho các em, thầy cô phải quan tâm đến cảm xúc, hứng thú của học trò với nhiệm vụ đó. Rộng hơn nữa, thầy cô phải quan tâm đến phong cách học của người học.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, các giáo viên phải nắm được những phong cách học phổ biến của học sinh trong lớp để bàn giao nhiệm vụ học tập. Từ đó, học sinh sẽ rất hứng thú. Và khi các em làm việc đúng cách, đúng sở trường, đam mê của mình thì sản phẩm của nhiệm vụ đó sẽ sống động, đặc sắc và sáng tạo hơn.
"Như vậy, quan điểm lấy học sinh làm trung tâm chú trọng đến hứng thú học tập và cảm xúc của học sinh. Thứ hai là chú trọng đến phong cách học tập đa dạng của học sinh. Và thứ ba là chú trọng đến quá trình trải nghiệm sản phẩm học tập độc đáo, sáng tạo của học sinh", giảng viên Trường Đại học Giáo dục nhấn mạnh.
"Lấy người học làm trung tâm" – tự học là chính
Cụ thể về quan điểm lấy người học làm trung tâm, Tiến sĩ Đoàn Nguyệt Linh cho biết: Các hình thức tổ chức dạy học được sử dụng nhiều nhất là tự học, học theo nhóm, trò chơi đóng vai, hoạt động trải nghiệm, dự án học tập, tham quan…
Các phương pháp dạy học được sử dụng nhiều nhất là phương pháp nêu vấn đề, đàm thoại, tranh luận, nghiên cứu tài liệu…
"Có thể khẳng định rằng: Dạy học "lấy người học làm trung tâm" có tư tưởng chủ đạo là lấy tự học làm chính; lấy tập thể để bổ trợ cho cá nhân; lấy máy móc thiết bị làm phương tiện; lấy tài liệu, sách giáo khoa, băng hình và tự đánh giá kết quả học tập. Lối học này hình thành ở học sinh sự mạnh dạn, có tính cách, tự tin, biết cách học, biết cách làm, biết cách giao tiếp xã hội, biết cách khẳng định chân lý, tạo nên con người rất thực tế, dẫn đến sự năng động và sáng tạo trong tư duy, trong hoạt động cuộc sống", Tiến sĩ Đoàn Nguyệt Linh chia sẻ.
Cái khó nhất khi thực hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm
Để thực hiện hiệu quả quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm, cần phải chuẩn bị nhiều điều kiện, trong đó, quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên.
Theo Tiến sĩ Đoàn Nguyệt Linh, trước hết là công tác bồi dưỡng cho giáo viên làm sao để họ chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động; tích cực, chủ động vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong hoạt động giảng dạy, sắp xếp thời gian đủ cho các chuyên đề.
Sau đó là chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt là phương tiện dạy học, những điều kiện đảm bảo tốt nhất cho quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động dạy học.
Trong những công đoạn ấy, việc thay đổi tư duy, phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên là khó nhất.
"Những giáo viên mà tôi từng tiếp xúc, đặc biệt là những giáo viên của thế hệ 7x trở về trước, tư duy tiếp cận nội dung đã ăn sâu vào họ. Bởi lẽ khi đi học ở phổ thông, những thầy cô đó đã được học theo phương pháp này. Học trường sư phạm xong, khi ra trường họ vẫn phải quay lại dạy theo hướng tiếp cận nội dung để đáp ứng công tác kiểm tra, đánh giá theo hình thức học thuộc, kiểm tra ghi nhớ máy móc đã nhiều năm rồi. Vì vậy, thế hệ giáo viên từ 7x trở về trước sẽ cảm thấy rất nặng nề khi triển khai hướng tiếp cận mới", Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám chia sẻ.
Thay đổi tư duy không phải là việc dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Trên tiến trình hướng đến thực hiện quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm, sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu được sự đồng hành, tạo điều kiện của các nhà trường và lãnh đạo quản lý giáo dục để thầy cô giáo có thời gian và giảm áp lực khi tìm hiểu, thực hiện quan điểm giáo dục này.