Hiểu về ẩn dụ ý niệm trong tác phẩm thơ ở chương trình trung học phổ thông
Bài viết khảo sát mô hình tri nhận của ẩn dụ ý niệm trong tác phẩm thơ ở chương trình trung học phổ thông nhằm giúp học sinh giải mã ngôn ngữ thơ để hiểu sâu sắc hơn nội dung bài thơ.
Nếu như ẩn dụ theo quan điểm truyền thống cho rằng, ẩn dụ là cách thức so sánh ngầm giữa hai sự vật có điểm tương đồng hay giống nhau thì Evans (2007) gọi là ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) là hình thức hình thành ý niệm liên quan đến sự ánh xạ (mapping) hoặc sự tương ứng giữa các miền ý niệm riêng biệt.
Ẩn dụ ý niệm thường gồm một loạt ánh xạ quy ước liên quan đến các khía cạnh của hai miền ý niệm – miền nguồn và miền đích. Mục đích của ánh xạ như thế là nhằm cung cấp cấu trúc từ một miền ý niệm, miền nguồn, bằng cách hình thành cấu trúc trên miền đích. Điều này cho phép để kết luận rằng miền nguồn sẽ được áp dụng cho miền đích. Vì lý do này, các ẩn dụ ý niệm được khẳng định là một công cụ cơ bản và không thể thiếu của tư duy.
Evans (2007) dẫn ẩn dụ ý niệm Tình yêu là một cuộc hành trình giúp chúng ta hiểu miền đích tình yêu từ miền nguồn cuộc hành trình. Ẩn dụ này tạo nên một số ánh xạ quy ước được lưu trữ vào bộ nhớ trong một thời gian dài.
Mỗi ẩn dụ ý niệm là một sự ánh xạ, thể hiện phương thức tri nhận của con người vừa mang tính phổ quát vừa thể hiện tính đặc thù về văn hóa, tư duy dân tộc. Bài viết khảo sát một số mô hình tri nhận của ẩn dụ ý niệm trong tác phẩm thơ ở chương trình trung học phổ thông nhằm giúp học sinh giải mã ngôn ngữ thơ để hiểu sâu sắc hơn nội dung bài thơ.
Theo lí thuyết của Ngôn ngữ học tri nhận thì có 4 loại ẩn dụ: ẩn dụ cấu trúc, ẩn dụ bản thể, ẩn dụ định hướng và ẩn dụ kênh dẫn truyền.
Một số tác phẩm thơ ở chương trình Trung học phổ thông đa phần là ẩn dụ cấu trúc, sau đó là ẩn dụ bản thể. Điều này phù hợp với lí thuyết của ngôn ngữ học tri nhận – ẩn dụ cấu trúc mang tính phổ quát trong tư duy của nhân loại. Thông qua ẩn dụ ý niệm, chúng ta thấy rằng phép chiếu xạ này không chỉ là phương tiện biểu đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ mà còn là cách thức để con người (các tác giả) ý niệm hóa về thế giới.
Ẩn dụ cấu trúc
Ý niệm nhân duyên
Theo triết lí Phật giáo, 'Duyên' là duyên khởi, duyên sinh, nhân duyên. Trong cụm từ 'nhân' – 'duyên' – 'quả', trong đó 'nhân' là nguyên nhân chính, 'duyên' là những tác nhân phụ, 'quả' là kết quả của 'nhân' và 'duyên' khi đã hội đủ hay đã chín muồi.
Từ quan niệm của nhà Phật, người Việt cho rằng tình yêu cũng do duyên' mà có. Duyên cũng không do ai tạo ra mà do ý Trời. Cấu trúc của ẩn dụ ý niệm nhân duyên trong một số tác phẩm thơ ở chương trình trung học phổ thông được thể hiện qua một số miền nguồn như sau:
Nhân duyên là ý trời, là thực thể: Chiếc vành với bức tờ mây/ Duyên này thì giữ, vật này của chung (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Người Việt cho rằng, nam nữ phải lòng nhau để rồi yêu nhau hoặc (sau đó) xa nhau cũng không hẳn do ý muốn chủ quan của chàng trai hay cô gái mà là do "duyên". Vậy nên, trong đoạn trích Trao duyên (Ngữ văn 10), Thúy Kiều quyết định trao lại tình duyên của mình cho em gái là Thúy Vân. Thúy Kiều nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng để bản thân cứu gia đình đang bị gặp tai họa. Đó cũng là lí do để các tác giả sách giáo khoa đặt tên cho đoạn trích là 'Trao duyên' chứ không phải 'Trao tình'.
Ngoài ra, cách Thúy Kiều nói với Thúy Vân 'Duyên này thì giữ, vật này của chung' còn giúp chúng ta tri nhận thêm uyên là thực thể. Thúy Kiều nói 'duyên này thì giữ', thì chữ 'duyên' không còn trừu tượng nữa mà giống như một vật thể (thực thể) nên Thúy Kiều mới có thể 'cầm' và 'đưa' cho Thúy Vân, rồi còn bảo em 'giữ' – nghĩa là sau khi trao duyên thì từ nay chị không còn liên can nữa vì 'duyên' đã thuộc quyền sở hữu của em.
Ý niệm tình yêu
Ý niệm tình yêu trong ca dao dân ca và tác phẩm thơ ở chương trình trung học phổ thông được các nhà thơ tri nhận tình yêu là hàng hóa, gia vị, bệnh, ngọn lửa...
Ý niệm tình yêu là hàng hóa được tác giả dân gian tri nhận qua câu ca dao: Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Hình ảnh 'chợ' hiểu là nơi công cộng để mọi người đến mua bán hàng hoá, có thể được quy định vào những buổi hoặc những ngày nhất định.
Như thế, cho dù người phụ nữ đẹp, quý phái, sang trọng và có giá trị như 'tấm lụa đào' nhưng được ví như hàng hóa giữa chợ – có người mua và sở hữu. Hình ảnh chợ còn ý niệm hóa về thân phận phụ thuộc của những cô gái ngày xưa – họ không có quyền quyết định cuộc hôn nhân của đời mình.
Tình yêu là gia vị: Thân em như củ ấu gai/ Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/ Ai ơi nếm thứ mà xem/ Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.
Nhân vật 'em' trong bài ca dao kém duyên 'như củ ấu gai' – đen, xù xì, gai nhọn, mọc dưới ao, đầm đầy bùn lầy – nhưng có phẩm chất tốt đẹp 'ruột trong thì trắng'. 'Em' khẳng định mình như một thứ gia vị 'ngọt bùi'. Ý niệm ẩn dụ rằng hãy 'nếm' sẽ thấy bản chất tốt đẹp đủ tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh. Bài ca dao cho thấy tình yêu không phải là cảm xúc trừu tượng mà giống như vị giác vậy.
Ý niệm này lặp lại trong Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.
Gừng' và 'muối' là gia vị có thể "nếm" được qua vị giác. Gừng càng già càng cay, muối càng để lâu càng mặn. Câu thơ giúp ta hiểu thêm về hình ảnh Đất Nước gắn liền với tình cảm vợ chồng rất Việt Nam, càng gian nan vất vả thì càng son sắt, thủy chung.
Hơn nữa, ý niệm 'gừng cay', 'muối mặn' là thuộc tính diễn tả tình nghĩa con người có mặn mà, có đắng cay. Tình người có trải qua những dư vị ấy mới thêm sâu đậm, mới nặng nghĩa, nặng tình, mới thật thương nhau. Hay nói cách khác, những cay đắng gian nan đã gắn bó nên tình nghĩa vợ chồng. Câu thơ khái quát đúc kết nên tình nghĩa vợ chồng, tình yêu đôi lứa trong mỗi chúng ta ai cũng có.
Tih yêu là bệnh: Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng… (Tương tư, Nguyễn Bính)
Một người đang yêu cũng có những triệu chứng đặc thù như một bệnh nhân. Bệnh nhân muốn khỏi bệnh thì phải sử dụng một phương thuốc hữu hiệu. Soi chiếu vào bài thơ Tương tư, Nguyễn Bính cũng vì yêu mà phát bệnh giống như 'gió mưa là bệnh của trời' vậy. Tương tư – nhớ người yêu có dấu hiệu như một bệnh nhân.
Trong câu thơ, thấy có cái giọng chấp nhận một thực tế, một quy luật tất yếu không cưỡng lại nổi. Cái tôi hiện ra vừa như một tình nhân đắm đuối vừa như một nạn nhân tự nguyện rước bệnh, rước khổ sở vào thân. Từ ý niệm bệnh tương tư, ta cảm nhận được tình yêu của Nguyễn Bính giành cho người mình yêu là chân thành, sâu nặng vì thế mà luôn khắc khoải, khổ đau.
Trong đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ", Đặng Trần Côn miêu tả chinh phụ chờ chồng trong một thời gian dài, không có tin tức, không rõ ngày về khiến nàng lo sợ, thân thể tàn tạ, héo úa như một bệnh nhân: "Buồn rầu nói chẳng nên lời/Hoa đèn kia với bong người khá thương"… "Hương gượng đốt hồn đà mê mải/Gương gượng soi lệ lại châu chan".
Ngọn đèn vừa chứng kiến vừa soi tỏ nỗi cô đơn của người phụ nữ xa chồng. Khi đối diện với ngọn đèn là người phụ nữ đáng thương ấy đang tự đối diện với chính mình, dưới ánh sáng của ngọn đèn mà tự phơi trải nỗi đau của chính mình. Để rồi những tâm tư ấy bật thành lời tự thương da diết "Hoa đèn kia với bóng người khá thương". Nàng thấy mình chỉ như kiếp hoa đèn kia mỏng manh và dang dở, thấy sự tàn lụi ở ngay trước mắt mình.
Hành động gượng ép đốt hương, soi gương thể hiện sự nỗ lực vượt thoát ấy của người chinh phụ. Nàng gượng đốt hương để kiếm tìm sự thanh thản thì lại rơi sâu hơn vào cơn mê man. Nàng gượng soi gương để chỉnh trang nhan sắc thì lại chỉ thấy những giọt sầu. Sự cô đơn ấy đã làm hao gầy cả hình dáng và héo úa cả tâm tư và người chinh phụ như đang chết dần trong cơn trọng bệnh. Qua ý niệm tình yêu là bệnh giúp ta cảm thông hơn với nỗi đau chờ chồng trong vô vọng của chinh phụ.
Tình yêu là ngọn lửa: Tôi yêu em đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai (Tôi yêu em – Puskin)
Nếu ngọn lửa có khả năng đốt cháy, tạo ra sức nóng, tỏa nhiệt, có khả năng thắp sáng, có khả năng làm con người bị thương thì tình yêu cũng có khả năng làm ấm cơ thể, có khả năng lây lan, có thể khiến những đôi lứa yêu nhau thăng hoa cảm xúc, nhưng cũng có thể làm con người bị tổn thương nghiêm trọng.
Bởi vậy, khi Puskin viết Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai thì tình yêu được xem như ngọn lửa. Trong đáy sâu tâm hồn, tình yêu của "tôi" dành cho em vẫn chưa hoàn toàn lụi tắt, vẫn dai dẳng cháy và vẫn còn được ấp iu. Thông thường, sau khi lửa bùng cháy thiêu đốt vật chất, lửa sẽ tàn và trải qua một quá trình âm ỉ cháy thì mới tắt hẳn. Thế nhưng, chỉ cần một ngọn gió, lửa có thể bùng lên, thậm chí cháy rất mạnh. Vậy nên, ngọn lửa chưa tàn phai trong lòng Puskin đó là ngọn lửa lòng. Lửa lòng âm ỉ cháy, biểu trưng cho tình yêu vẫn hiện hữu, nồng nàn, đắm say.
Cũng như Puskin, Xuân Diệu luôn thể hiện sự nồng cháy của cảm xúc khi yêu. Nếu như lửa muốn cháy thì phải có chất tạo lửa và tình yêu cũng vậy. Về bản chất, tình yêu nồng nàn, tỏa sáng, có khả năng đốt cháy như lửa.
Ví như, nói đến yếu tố tạo lửa của tình yêu, trong bài thơ Đơn sơ, Xuân Diệu viết: "Em tôi ăn nói vô duyên quá!/Em đốt lòng anh, em biết không ?". Cô gái trở thành một chất xúc tác đốt cháy tâm can nhà thơ. Lửa cháy là một hiện tượng thông thường nhưng sự kết hợp từ trong cụm từ "đốt lòng anh" là sự ý niệm hóa của tâm lý và cảm xúc. Đó là trạng thái tình yêu đang bùng cháy mãnh liệt trong lòng của chàng trai khi đứng trước cô gái.
Chính sự kết hợp giữa bản chất của lửa và yếu tố tạo ra chúng đã tạo nên một ẩn dụ ý niệm đẹp về tình yêu trong thơ.
Ý niệm thời gian
Ý niệm 'thời gian' trong bài thơ Vội vàng được Xuân Diệu tri nhận bằng hàng loạt ẩn dụ cấu trúc. Thời gian là vị giác, nước, vật chuyển động, cây cỏ, tài nguyên...
Khái niệm thời gian thường được diễn đạt bằng hình thức ẩn dụ, mượn các khái niệm của những phạm trù khác để phóng chiếu đến phạm trù chỉ thời gian, nhằm đạt được sự hiểu biết về thời gian. Các nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học tri nhận cũng cho rằng: thời gian là một khái niệm trừu tượng không thể tồn tại độc lập ngoài sự vận động của sự vật khách quan, đặc trưng của thời gian về bản chất là ẩn dụ và nếu không có sự hỗ trợ của ẩn dụ ý niệm thì rất khó để diễn đạt khái niệm về thời gian.
Giải mã ý niệm thời gian trong bài thơ Vội vàng: Của ong bướm này đây tuần tháng mật/ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần", "Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi.
Cách nói 'tuần tháng mật' – thời gian có vị ngọt; 'cặp môi gần' – hương tình yêu ngọt ngào; 'mùi tháng năm' – thời gian có mùi vị; 'rớm vị chia phôi' – thời gian là nước (rớm). Thiên nhiên như một bữa tiệc trần gian đầy những thực đơn quyến rũ. Ở đó có cảnh ong đưa và bướm lượn, tình tứ ngọt ngào như 'tuần tháng mật'.
Câu thơ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần là cách tri nhận rất riêng, rất táo bạo, đầy tình yêu đời nồng nhiệt. Nhà thơ thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Vậy nên, Xuân Diệu rất nhạy cảm khi nhìn thấy mùi vị và dòng nước mắt của thời gian trôi chảy một đi không trở lại. Cách ý niệm hóa này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục.
Không những thế, ý niệm thời gian còn được nhà thơ tri nhận thời gian là vật chuyển động: Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua. Dòng thời gian như một sự vật chuyển động ngược hướng với hướng đi tới của con người, tiếp đến thời gian chạm mặt người và cuối cùng thời gian bỏ lại con người sau lưng tạo khoảng cách xa dần.
Thời gian như cây cỏ: Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già. Lí thuyết của ẩn dụ ý niệm cho biết, miền nguồn và miền đích không đồng nhất tuyệt đối các thuộc tính ánh xạ mà chỉ là sự đồng nhất bộ phận. Cây lớn lên rồi cây sẽ già và chết, tương tự, thời gian đi thì không trở lại.
Cũng như mùa xuân mới chớm nở nhưng theo dòng chảy thời gian, mùa hạ sẽ đến. Cho nên Xuân Diệu rất quý thời gian vì thơi gian là nguồn tài nguyên hữu hạn: Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất. Thời gian qua đi thì xuân cũng hết.
Những cấu trúc ẩn dụ ý niệm về thời gian trong bài thơ Vội vàng cũng là những thông điệp mà nhà thơ Xuân Diệu muốn gửi gắm: tâm trạng nuối tiếc thời gian và cuộc đời của một nhà thơ vốn khao khát sống, sống mãnh liệt hết mình; trân trọng quan niệm nhân sinh tích cực, cảm xúc chân thành của một tâm hồn nghệ sĩ. Hãy trân trọng tuổi trẻ - mùa xuân cuộc đời. Chính nhờ cách tri nhận thời gian rất mới mẻ mà Xuân Diệu được xem là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, ngôn từ sáng tạo, độc đáo, hấp dẫn người đọc.
Ẩn dụ bản thể
Theo các nhà tri nhận luận, các ý niệm luôn gắn với sự trải nghiệm từ cơ thể con người, hay nói cách khác sự trải nghiệm của chúng ta mang tính nghiệm thân. Evans và Green (2007) cho rằng, 'tri thức về sự hiểu biết của con người được hình thành thông qua trung gian là các bộ phận cơ thể người'. Sharifian, Dirven, Yu và Niemeier (2008) quan niệm: 'lí thuyết hiện thân luận không chỉ thừa nhận hiểu biết của con người hình thành qua các bộ phận cơ thể người là khời nguồn của quá trình tri nhận mà còn khẳng định rằng, những miền tri nhận đích có tính trừu tượng cao'. Trong khi đó, Lakoff và Jonson (1980) nhấn mạnh tính nghiệm thân trong hệ thống ý niệm của con người là 'sản phẩm của sự trải nghiệm của con người và trải nghiệm đó xuất phát từ cơ thể của con người. Không có sự kết nối trực tiếp nào giữa con người và thế giới khi nó tồn tại bên ngoài của sự trải nghiệm của con người'.
Ẩn dụ bản thể trong thơ ở chương trình trung học phổ thông thể hiện qua ý niệm bộ phận cơ thể người là bầu chứa cảm xúc. Lí thuyết ẩn dụ trong ngôn ngữ học hiện đại cho rằng, con người là một vật chứa và thể hiện sự trải nghiệm thế giới vào ngôn ngữ. Phẩm chất đạo đức, tâm trạng và tình cảm của người Việt định vị ở 'lòng' – là nơi biểu hiện thế giới nội tâm của con người. Tất cả mọi tình cảm, tâm trạng của con người đều được thể hiện qua 'lòng' (bụng, dạ), và cho dù tình cảm tích cực hay tiêu cực cũng đều được thể hiện ở mức cao nhất.
Lòng người là vật chứa: Đèn có biết dường bằng chẳng biết/ Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi… Lòng này gửi gió đông có tiện/ Nghìn vàng xin gửi đến non Yên (Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn)
Chinh phụ một mình chờ chồng đi chiến trận trong vô vọng, không có tin tức, không rõ ngày về. Nỗi buồn của chinh phụ chất chứa, sâu thẳm, dường như mất hết sự sống thể hiện qua cụm từ 'lòng thiếp' kết hợp với tính từ 'bi thiết'. Không còn cách nào khác, chinh phụ đành mượn ngọn gió đông mang tấm lòng thương nhớ của mình (lòng này) gửi đến chinh phu đang chinh chiến ở nơi biên ải xa xôi. Nhờ ý niệm 'lòng' ta tri nhận được tình cảm của chinh phu dành cho chinh phụ là sâu sắc (nặng lòng), thủy chung.
Ý niệm 'lòng' cũng là 'tiếng lòng' mà Xuân Quỳnh dành cho người mình yêu qua bài thơ Sóng: Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước/Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ con thức.
Xuân Quỳnh dùng từ 'lòng' thật chính xác để diễn tả tình cảm của người phụ nữ với tình yêu. Lòng là chốn sâu kín nhất của tâm hồn, lòng là kết tinh của tình cảm được chưng cất trong một thời gian dài qua biết bao thử thách. Vì vậy mà tấm lòng ấy không chút hời hợt mà là gan, là ruột của người phụ nữ rồi. Lòng em nhớ đến anh là câu nói giản dị, chân thành mà nồng nàn, da diết.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hieu-ve-an-du-y-niem-trong-tac-pham-tho-o-chuong-trinh-trung-hoc-pho-thong-179220822162620776.htm