Hành trình trở thành công dân toàn cầu: Bài 3 - Chương trình giáo dục phổ thông mới có tạo nên công dân toàn cầu?
Muốn có những thế hệ công dân toàn cầu, cần bắt đầu từ giáo dục. Trong đó, giáo dục phổ thông có ý nghĩa quan trọng trong định hình nhận thức, phẩm chất, năng lực cho thế hệ công dân thời kỳ hội nhập.
>>> Bài 1 - Chặng đường nào trải hoa hồng?
>>> Bài 2 - Điều gì ngăn người trẻ bước chân ra thế giới?
Giáo dục công dân toàn cầu trở thành một trong những trọng tâm giáo dục của nhiều quốc gia, hướng tới đào tạo các thế hệ công dân có khả năng tham gia tích cực, giải quyết các vấn đề toàn cầu, có phẩm chất, năng lực, kỹ năng để hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo một thế giới công bằng và phát triển bền vững.
Mục tiêu “Giáo dục có chất lượng” là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh: “Đến năm 2023, đảm bảo tất cả người học nhận được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua giáo dục về sự phát triển bền vững, lối sống bền vững, nhân quyền, bình đẳng giới; thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình, không bạo lực, toàn cầu; coi trọng sự đa dạng văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào phát triển bền vững”.
Giáo dục công dân toàn cầu là một cách tiếp cận trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn giáo dục để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Không nằm ngoài xu hướng chung của giáo dục thế giới, Việt Nam cũng xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu.
Ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, từ trang bị kiến thức sang hướng đến phát triển năng lực cá nhân của học sinh, từ dạy cho học sinh biết càng nhiều càng tốt sang mục tiêu dạy học sinh từ biết sang làm.
Ngày 26/6/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2161/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch này đề ra mục tiêu tất cả người học được giáo dục về lối sống bền vững, quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy nền văn hóa hòa bình, giáo dục công dân toàn cầu, thích ứng cao với sự đa dạng văn hóa nhưng vẫn giữ được bản sắc.
Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp
Chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khẳng định, “công dân toàn cầu” là một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục mới, việc đào tạo con người Việt Nam hình thành những phẩm chất, năng lực để phù hợp với bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa là vô cùng quan trọng.
Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tập trung hình thành, phát triển toàn diện các phẩm chất và năng lực cho học sinh phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng để triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà gốc là Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Do đó, triết lý giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính là triết lý giáo dục trong Nghị quyết 29-NQ/TW, đó là thực học, thực nghiệp và dân chủ.
Có thể hiểu thực học, thực nghiệp là dạy những điều thiết thực; học đi đôi với hành; người dạy, người học hiểu đúng mục đích của việc dạy và học; kiểm tra kết quả dạy và học phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục.
Người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục, sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để sống và làm việc. Dân chủ là để cho người học, người dạy được chủ động lựa chọn nội dung dạy và học, quyết định thời lượng dạy và học theo quy định của chương trình; được suy nghĩ, được nói, được làm theo những điều họ muốn phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
Như vậy, với sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục Việt Nam đang có sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người về đức, trí, thể, mỹ, tập trung vào 5 phẩm chất: Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ, Trung thực và Trách nhiệm và 3 năng lực chung là Tự chủ, Hợp tác, Sáng tạo, dần tiệm cận với tuyên bố của UNESCO - “Học để biết - Học để làm - Học để chung sống - Học để tự khẳng định mình”.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kế thừa ưu điểm của chương trình cũ và kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến
Chia sẻ về quá trình soạn thảo chương trình, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Để hình thành 3 năng lực chung gồm Tự chủ, Hợp tác, Sáng tạo và các năng lực đặc thù (gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất) ban soạn thảo chương trình đã tham khảo các tài liệu của OECD - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (năm 2005), EU - Liên minh châu Âu (năm 2006) và WEF - Diễn đàn Kinh tế thế giới (2015).
Ngoài ra, ban soạn thảo cũng tham khảo các chương trình tiên tiến của một số nước như Anh, Australia, Hàn Quốc… để xác định năng lực đặc thù của từng môn học”.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những chủ đề tích hợp xuyên môn và bắt buộc phải dạy đều có các nội dung liên quan đến vấn đề toàn cầu, được thế giới quan tâm như bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, quyền con người, trong đó có quyền trẻ em, giáo dục tài chính… Chương trình cũng chú trọng dạy các kỹ năng cần thiết cho hội nhập như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thảo luận, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin…
Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một chương trình mở, đặc biệt là mở cho các địa phương.
“Nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển thường có 3 cấp chương trình giáo dục gồm: chương trình quốc gia quy định những nội dung chung nhất; tiếp đến là chương trình của bang hoặc của tỉnh cụ thể hóa chương trình quốc gia; và chương trình nhà trường.
Như vậy, nhà trường có thể chủ động xây dựng các nội dung, bài học phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, chương trình này không được trái với chương trình của quốc gia và chương trình của bang hoặc tỉnh.
Ở Việt Nam Luật Giáo dục chỉ có một chương trình, đó là chương trình giáo dục quốc gia. Vì vậy, ban soạn thảo đã bổ sung nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, các địa phương có quyền bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết vào trong chương trình đào tạo theo nhu cầu đào tạo nhân lực của địa phương đó”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương tích hợp với các môn học. Từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông, nội dung này được tách riêng thành một môn học với thời lượng 35 tiết/năm học. Nội dung giáo dục địa phương phải phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và không đơn thuần dừng lại ở những bài học lịch sử, địa lí.
Ví dụ như ở Tây Nguyên, nội dung giáo dục địa phương phần nào đó trang bị cho học sinh hiểu biết về lịch sử của Tây Nguyên, nhưng cũng phải nhấn mạnh Tây Nguyên là một vùng công nghiệp trọng điểm với các loại cây công nghiệp phục vụ xuất khẩu như cà phê, tiêu, điều, cao su, macca...
Học sinh lớn lên trong không gian ấy cần hiểu và tham gia phát triển công nghiệp, thương mại. Do đó, nội dung giáo dục địa phương phải giúp cho học sinh hiểu được về các loại cây công nghiệp, đất trồng cây công nghiệp, cách chế biến sản xuất, kinh doanh thương mại…
Hay Thành phố Hồ Chí Minh muốn xây dựng thành thành phố thông minh thì phải dạy học sinh về nếp sống thích ứng với thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ vào cuộc sống hằng ngày…
Từ chương trình đến thực tiễn là cả quá trình dài
Theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nhiều địa phương hiện vẫn chưa nắm rõ tinh thần của nội dung giáo dục địa phương. Tài liệu giáo dục địa phương chỉ xoay quanh những chủ đề lịch sử, địa lí, thiếu các kiến thức về văn hóa, xã hội và kinh tế.
Còn theo Thạc sĩ Bùi Thanh Xuân - Phó trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quan tâm đến phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp từ lớp 1 đến lớp 12.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không chỉ rèn luyện cho học sinh giá trị sống quan trọng mang tính phổ quát toàn cầu mà còn rất quan tâm đến việc xây dựng cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết để các em có thể hội nhập và đáp ứng những thay đổi của giai đoạn mới.
Mặc dù tạo rất nhiều cơ hội để học sinh trải nghiệm nhưng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp còn chưa được nhiều nhà trường coi trọng. Thậm chí nhiều trường còn coi đây là một môn học chứ không phải là một hoạt động mang tính toàn diện. Một số nơi chỉ tập trung tổ chức các hoạt động dã ngoại, du lịch và coi đó là toàn bộ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Nhưng điều này là hoàn toàn sai.
Theo Thạc sĩ Bùi Thanh Xuân, một trong những khía cạnh quan trọng của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là tạo điều kiện và khuyến khích cho học sinh có thể tham gia các hoạt động với cộng đồng địa phương, chẳng hạn khảo sát môi trường xung quanh, tham gia các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn chung, tuy nhiên, không thể đưa ra thiết kế nội dung hoạt động cụ thể phù hợp với tất cả các địa phương và nhà trường. Vì vậy, cần có sự sáng tạo, linh hoạt của mỗi nhà trường, mỗi địa phương.
Theo nghiên cứu về Công dân toàn cầu Việt Nam của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên cơ sở các tiêu chí giáo dục công dân toàn cầu cho thấy: vấn đề giáo dục công dân toàn cầu đã được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới, từ quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, kế hoạch, nội dung, tới phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.
Khảo sát tại 54 trường ở 6 tỉnh, thành trên cả nước, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thuật ngữ “công dân toàn cầu” và “giáo dục công dân toàn cầu” nhìn chung còn mới mẻ ở các trường phổ thông. Song, cùng với quá trình đổi mới giáo dục, các nội dung của giáo dục công dân toàn cầu đã được quan tâm nhiều hơn, qua đó góp phần hình thành cho các em những hiểu biết, năng lực, phẩm chất của công dân tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương, đất nước và toàn cầu.
Tuy nhiên, trong tổ chức hoạt động dạy học vẫn còn một số tình trạng như có những hoạt động ở một số nơi còn hình thức, chưa hiệu quả, tham tổ chức nhiều hoạt động mà chưa chú ý khai thác, phân tích sâu…
Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu
Để thúc đẩy triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như giáo dục công dân toàn cầu, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần lấy chương trình làm chuẩn, giáo viên dạy phải theo chương trình, giảm phụ thuộc vào sách giáo khoa, hãy coi sách giáo khoa chỉ là một bộ tài liệu tham khảo.
Hiện nay, học sinh cả nước học chủ yếu 3 bộ sách là: bộ sách Cánh diều, bộ Chân trời sáng tạo và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Và có thể, trong tương lai sẽ có nhiều bộ sách hơn.
Thạc sĩ Bùi Thanh Xuân nhận định, các cấp quản lý phải nhận thức đúng, thực hiện tốt để các cấp dưới vận hành tốt. Còn nếu nhận thức duy ý chí, đặt ra những mục tiêu không căn cứ vào thực tiễn, không tính đến những khó khăn thì chương trình đổi mới sẽ khó thành công.
Liên quan đến hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, theo thiết kế của chương trình, một tuần có 3 tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đó là tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và tiết giáo dục theo chủ đề của chính hoạt động này.
Tuy nhiên, phần lớn các trường mới chỉ đang thực hiện tiết giáo dục theo chủ đề, còn lúng túng trong việc sắp xếp thời lượng phù hợp của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong thời lượng hiện tại của các tiết sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp.
Bởi hiện nay các tiết này đều dành phần lớn thời gian cho các hoạt động thường quy như phát động phong trào, khen thưởng, kỷ luật, duy trì nền nếp… Những hoạt động đó đã chiếm phần lớn thời lượng của tiết sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp. Vì vậy, nhiều giáo viên và nhà trường không biết sẽ tổ chức tiếp phần trải nghiệm, hướng nghiệp như thế nào.
Bên cạnh đó, nhận thức của lãnh đạo nhà trường là rất quan trọng. Khi lãnh đạo nhà trường hiểu đúng về công dân toàn cầu, các trường vẫn triển khai và đào tạo học sinh rất chuẩn chỉ.
Giáo dục kỹ năng sống là một phần của trải nghiệm, hướng nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà trường còn đang loay hoay, chưa biết thực hiện phần này như thế nào.
Ví dụ có những nơi thuê khoán một doanh nghiệp chuyên về giáo dục kỹ năng sống để dạy học sinh, có nơi dựa vào các mối quan hệ hiện có để mời chuyên gia giảng dạy… Các trường rất cần một hướng dẫn mang tính tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Một trong những yếu tố cản trở việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nói riêng là vấn đề sĩ số lớp.
Sĩ số đông khiến giáo viên rất khó triển khai, đổi mới hoạt động dạy và học. Một lớp học lý tưởng để thực hành các phương pháp giáo dục mới chỉ có tối đa là 30 học sinh và lý tưởng nhất là 20-25 học sinh.
Còn ở trường công hiện nay, để giải quyết tình trạng đông học sinh, Nhà nước đã cho phép một lớp học ở trường công tại một số thành phố lớn có thể nhận đến 45-50 học sinh. Như vậy, với không gian nhỏ, học sinh khó được tham gia các hoạt động như trao đổi, làm việc nhóm, đóng kịch, thuyết trình…
Ngoài ra, các trường và học sinh còn gặp khó khăn về tài liệu, dụng cụ, máy móc hỗ trợ giảng dạy, các phương tiện giúp bài học trở nên sinh động hơn. Ngay việc trang bị những dụng cụ nhỏ như giấy A0, bút màu cũng rất hạn chế đối với trường công lập.
“Các khối trường tư và trường quốc tế có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai những nội dung, hoạt động trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Bởi họ có nguồn lực, giáo viên nắm rất chắc các phương pháp trải nghiệm, sáng tạo; học sinh đã quen với cách học như vậy. Còn các trường công sẽ gặp khó khăn hơn”, Thạc sĩ Bùi Thanh Xuân nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu về Công dân toàn cầu Việt Nam của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, để triển khai giáo dục công dân toàn cầu một cách hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần biên soạn và ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện ở phổ thông. Trong đó gồm những nội dung như khái niệm và tiêu chí, hướng dẫn thực hiện giáo dục công dân toàn cầu qua các môn học (gợi ý các địa chỉ, phương pháp giáo dục, phương thức đánh giá..).
Giáo dục công dân toàn cầu là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trước hết cần các cán bộ quản lý nhận thức đúng về công dân toàn cầu, sau đó lan tỏa đến nhân viên, giáo viên trong trường. Từ đó, giáo viên sẽ tìm cách truyền thông giáo dục công dân toàn cầu đến phụ huynh để phụ huynh sẽ có cách hiểu đúng. Cuối cùng, khi phụ huynh hiểu đúng sẽ là mắt xích quan trọng gắn kết với nhà trường trong giáo dục con trẻ.