Hành trình trở thành công dân toàn cầu: Bài 2 - Điều gì ngăn người trẻ bước chân ra thế giới?

08:57 - 07/08/2023

Trong một thế giới phẳng, người trẻ hiện đang có nhiều thế mạnh để hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hành trình để họ trở thành công dân toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn và rào cản.

Công dân toàn cầu là thuật ngữ được hiểu không chỉ bó hẹp là những người sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia hoặc tham gia vào các tổ chức quốc tế. Đó còn là cụm từ gọi chung cho những người có hiểu biết đa dạng về kiến thức toàn cầu, văn hóa của nhiều vùng lãnh thổ, sống và làm việc dựa trên nền tảng hiểu biết và kỹ năng toàn cầu.

Những công dân toàn cầu sẽ là cầu nối giữa các quốc gia, tôn vinh giá trị bản sắc riêng của đất nước, dân tộc mình, tạo nên giá trị cho cộng đồng quốc tế, kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai.

Thế hệ người Việt trẻ hiện nay, với những điều kiện thích hợp, đang bước ra sân chơi toàn cầu. Và hành trình ấy trước mắt vẫn đầy chông gai...

Người trẻ Việt Nam ở đâu trên hành trình hội nhập quốc tế?

Người trẻ Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là những công dân có tri thức, có sự cởi mở và không lùi bước trước những khó khăn. Đây là những lợi thế giúp thanh niên Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng phát triển của thế giới để có thể trở thành những công dân toàn cầu.

Trở thành công dân toàn cầu đồng nghĩa với việc bản thân mỗi cá nhân phải có tư duy cởi mở để sẵn sàng đón nhận những sự khác biệt của các hệ giá trị văn hóa cũng như tôn trọng sự đa dạng.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu: Bài 2 - Điều gì ngăn người trẻ bước chân ra thế giới? - Ảnh 2.

Nguyễn Bá Thịnh - du học sinh Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Nguyễn Bá Thịnh - cựu sinh viên xuất sắc giành học bổng của Chính phủ Nhật Bản khi tham gia kỳ thi EJU cho rằng, bản thân mỗi du học sinh cần phải có khả năng thích ứng, tôn trọng sự khác biệt và có khả năng thấu hiểu. Bởi khi đặt chân trên hành trình du học tức là chúng ta đặt chân đến những đất nước hoàn toàn mới lạ, nơi văn hoá và con người khác xa với môi trường sống trước đây.

Vì vậy, việc thích ứng, tôn trọng để hòa nhập là điều kiện quan trọng giúp sinh viên học tập tốt tại nước ngoài. Tuy nhiên, khả năng thích ứng không thể có ngay trong một sớm một chiều mà phải được trau dồi mỗi ngày thông qua trải nghiệm, qua tư duy và sự đúc kết của bản thân mỗi người khi sống ở môi trường quốc tế.

Để làm được điều đó, sinh viên quốc tế phải tìm hiểu kỹ, ngoài điểm mạnh, bản thân mỗi người còn phải nhìn thẳng vào điểm yếu của mình, từ đó trả lời cho câu hỏi làm thế nào để vượt qua được rào cản từ chính mình.

Bá Thịnh cho rằng, trước hết cần mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan để tiếp thu, đón nhận, học hỏi và hòa nhập với văn hoá của quốc gia khác.

"Trải qua gần 5 năm học tập tại Nhật Bản, tôi nhận ra điều tối kỵ khi đi du học đó là không nên phủ nhận, kì thị cách suy nghĩ, phong cách sống hay bất kỳ một nền văn hóa nào khác biệt với mình.

Có thể có những nét văn hóa không còn phù hợp với xã hội hiện đại, song không thể phủ định, không thể “thượng đội hạ đạp”. Thay vào đó, cần tìm hiểu lý do, nguồn gốc, xuất xứ và đứng trên lập trường của những người chịu sự tác động của nền văn hóa đó để có thể thấu hiểu và tôn trọng họ", Bá Thịnh chia sẻ.

Một số chuyên gia cho rằng, không chỉ ra nước ngoài người trẻ Việt mới có “đất dụng võ” để trở thành công dân toàn cầu. Không ít người trẻ học đại học trong nước, có đầy đủ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức quốc tế, tham gia vào những hoạt động mang tính chất toàn cầu.

Hoặc cũng có nhiều bạn trẻ học tập tại nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, vận dụng những giá trị tri thức của quốc tế để làm giàu, làm đẹp cho quê hương. Đứng trước xu thế toàn cầu hóa, người trẻ Việt Nam có nhiều thế mạnh như có khả năng làm việc và dễ dàng thích nghi, đáp ứng được các yêu cầu làm việc quốc tế. Đồng thời luôn có tinh thần tự tôn dân tộc, hiểu được những giá trị bản sắc của bản thân nói riêng và người Việt nói chung.

Tự hào hai tiếng "Việt Nam"

Hiện làm ở một công ty lớn tại Nhật Bản chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin với vị trí kỹ sư dịch vụ giải pháp, Bá Thịnh cho rằng, tôn chỉ lớn nhất mà anh luôn khắc ghi khi học tập và làm việc tại nước ngoài đó là: “Tôi là công dân Việt Nam”.

Với niềm tự hào dân tộc, Bá Thịnh luôn “tự ý” cho rằng, mình chính là một đại diện về trí tuệ và phẩm chất của người Việt. Kết quả học tập hay thành quả lao động của bản thân sẽ là “hoa tiêu" để người Nhật nhìn nhận, đánh giá và công nhận về con người Việt Nam.

Do đó, Bá Thịnh luôn ý thức mình phải cố gắng gấp 10, 20 lần người Nhật để đạt kết quả tốt nhất trong mọi lĩnh vực từ khi còn là sinh viên hay đến khi là một kỹ sư của một công ty công nghệ tại Nhật Bản. Đối với Bá Thịnh, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc chính là “kim chỉ nam”, là sức mạnh giúp người trẻ có thêm động lực để khẳng định mình trên “đấu trường quốc tế".

Rào cản ngăn bước người trẻ Việt trở thành công dân toàn cầu

Rào cản về ngôn ngữ

Chia sẻ về rào cản khi học tập tại nước ngoài, Bá Thịnh cho biết, 3 điều khiến anh gặp khó khăn nhất đó là: Rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và con người.

Việc tiếp thu tri thức bằng ngoại ngữ không phải tiếng mẹ đẻ luôn là thách thức lớn nhất đối với du học sinh. Đặc biệt khi học ở bậc đại học tức là phải học chuyên sâu về một ngành, một lĩnh vực nhất định thì đòi hỏi phải có vốn từ vựng dồi dào mới có thể lĩnh hội được kiến thức.

Vì vậy, theo Bá Thịnh, ngoại ngữ phải được trau dồi thường xuyên, liên tục mới giúp tạo phản xạ tự nhiên. Bên cạnh đó, khi học tập một ngôn ngữ mới, việc vận dụng mọi giác quan sẽ giúp ghi nhớ từ vựng và giao tiếp sẽ giúp phát âm chuẩn xác.

Không có một định lượng cụ thể nào về thời gian bao lâu mới thành thạo được ngoại ngữ. Vậy nên học tập là việc suốt đời, không chỉ ở phương diện ngôn ngữ mà muốn giỏi trong bất kỳ môn học nào cũng phải luôn mang trong mình tinh thần muốn học và chủ động học tập, rèn luyện từng ngày.
Nguyễn Bá Thịnh - du học sinh Trường Đại học Shinshu, Nhật Bản

"Ngoài việc học tập lý thuyết về ngôn ngữ trên các lớp học truyền thống thì cần phải chủ động học hỏi ngay trong cuộc sống thường ngày. Đó có thể là chủ động giao tiếp hay lắng nghe người bản xứ nói chuyện với nhau. Từ đó giương mọi giác quan để thẩm thấu, để cảm nhận, để ghi nhớ cách sử dụng ngôn ngữ trong những tình huống giao tiếp, hoàn cảnh thực tế một cách tự nhiên và hiệu quả nhất", Bá Thịnh nói thêm.

Cùng quan điểm với Bá Thịnh, Khánh Ly (du học sinh tại Liên bang Nga) nhận định, bất kể đi du học ở đâu, thử thách đầu tiên mà du học sinh nào cũng gặp phải đó là phải sử dụng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu: Bài 2 - Điều gì ngăn người trẻ bước chân ra thế giới? - Ảnh 4.

"Muốn giỏi một ngôn ngữ nào đó, phải luôn có ý thức tự học, siêng năng, kiên trì sẽ đạt được mục tiêu mình đã đặt ra", Khánh Ly - du học sinh tại Liên bang Nga chia sẻ. Ảnh: NVCC

Nếu kém ngoại ngữ khi đi du học sẽ khiến sinh viên quốc tế gặp nhiều khó khăn cũng như mất thời gian và cơ hội trong học tập cũng như nhiều việc khác. Bởi theo Khánh Ly, đặc trưng của chương trình giáo dục nước ngoài là đều có các tiết thực hành, thảo luận đan xen với lý thuyết. Và để có thể trình bày quan điểm cá nhân, tranh biện hay thuyết trình thì bắt buộc phải thành thạo ngôn ngữ mới có thể làm được.

"Tiếng Nga là một ngôn ngữ khó học nhưng rất thú vị. Mỗi người cần phải tìm hiểu cho mình một phương pháp học hợp lý và phù hợp cho bản thân để có kết quả tốt nhất", Khánh Ly chia sẻ.

Đồng thời, Khánh Ly cho rằng, khi gặp khó khăn về ngôn ngữ, cần phải dũng cảm đối mặt, vượt qua rào cản thay vì lẩn tránh. Khi có cơ hội, hãy tự tin giao tiếp, không rụt rè, xấu hổ khi mình phát âm sai hay đọc không đúng. Bởi học bất kỳ điều gì, đặc biệt là ngôn ngữ, phải trải qua quá trình luyện tập thì kỹ năng mới dần được hoàn thiện.

Ngoài ra, Khánh Ly cũng "mách nước" rằng, hãy tận dụng cơ hội học tập trong môi trường giao lưu quốc tế để cố gắng làm quen với nhiều người, tham gia các hoạt động xã hội để tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, trau dồi khả năng giao tiếp để tiến bộ lên từng ngày.

Rào cản về văn hóa

Theo cảm nhận của Bá Thịnh, việc rời xa vòng tay gia đình khi mới tốt nghiệp cấp 3 để đặt chân đến một vùng đất mới làm cho các bạn trẻ vô cùng háo hức.

Tuy nhiên, khi tự mình trải nghiệm văn hoá của một đất nước khác, nhiều bạn đã "vỡ mộng" vì cuộc sống nơi xứ người không phải hoàn toàn màu hồng như trong tưởng tượng, thậm chí chứa đựng trong đó rất nhiều gian nan và thử thách.

“Khi ở nhà, có thể bạn không biết về những quy tắc bất thành văn của người nước ngoài và vì thế, những điều bạn vẫn thường làm hàng ngày ở nhà lại có thể không quen thuộc với người nước ngoài”, Bá Thịnh cho hay.

Vậy nên theo Bá Thịnh, dù là sống ở đâu, ở bất kể quốc gia nào, thì luôn phải nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh để đánh giá một cách khách quan nhất. Bởi môi trường sống khác nhau sẽ hình thành nên tư duy và văn hóa khác nhau.

Đối với một du học sinh, không nên áp đặt suy nghĩ, độc tôn văn hóa của đất nước mình và phủ nhận văn hóa của đất nước bạn. Thay vào đó, phải học hỏi để tiếp thu, nhìn nhận vấn đề theo nhiều góc độ để hiểu văn hóa của họ, hiểu văn hóa của mình và cùng hiểu cho nhau.

Cũng theo Khánh Ly, mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ, chắc chắn sẽ có những tiêu chuẩn văn hóa khác nhau về cách ứng xử, ẩm thực hay trang phục… Chính vì vậy, là một du học sinh thì cần chuẩn bị tâm lý thật vững vàng để nhanh chóng làm quen và hòa nhập với một nền văn hóa mới, một cuộc sống mới để không bị "sốc văn hóa".

Bên cạnh đó, khi tới một đất nước xa lạ sinh sống, Khánh Ly cũng lưu ý rằng, hãy quan sát người dân bản địa và hòa mình vào văn hóa của họ. Theo thời gian, bạn sẽ dung hòa được cách ứng xử của bản thân sao cho hợp lý, không tạo sự khác biệt nhưng cũng không "hòa tan".

Rào cản về con người

Khi đi du học, Bá Thịnh luôn khao khát thầy cô giáo tại trường đại học sẽ công nhận mình là một sinh viên bình thường chứ không phải là sinh viên quốc tế và bạn bè xem mình như một người bạn chứ không phải một người ngoại quốc. Và theo Bá Thịnh, đây cũng chính là một trong những rào cản khi đi du học.

Tất nhiên không xảy ra tình trạng phân biệt giữa các quốc gia khi đi du học Nhật Bản. Song, Bá Thịnh bày tỏ, sẽ có đôi lúc vì là du học sinh nên bản thân luôn được nhìn nhận và đánh giá là người ngoại quốc. Điều này sẽ có thể giúp bản thân nhận được "sự ưu ái đặc biệt", nhưng đôi lúc cũng mang lại hạn chế.

Bá Thịnh lấy ví dụ, khi thầy cô, bạn bè tại trường học ở Nhật coi mình là một du học sinh, thông cảm về việc mình chưa thông thạo tiếng Nhật và chưa hiểu sâu về văn hóa của người Nhật, họ có thể bỏ qua hoặc tha thứ cho những lỗi lầm của mình. Đây chính là sự ưu ái đặc biệt.

Trái lại, khi tìm cá nhân xuất sắc để đại diện phát biểu cho sinh viên toàn trường, du học sinh có thể không có cơ hội thực hiện điều đó. Bởi giáo viên sẽ cân nhắc, đánh giá kỹ năng giao tiếp của du học sinh sẽ có những hạn chế nhất định và vì vậy, bài diễn văn sẽ được dành cho một sinh viên khác. Đây chính là hạn chế khi được mọi người nhìn nhận là sinh viên quốc tế, là người ngoại quốc.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu: Bài 2 - Điều gì ngăn người trẻ bước chân ra thế giới? - Ảnh 5.

Theo Nguyễn Bá Thịnh, rào cản về con người là một trong những khó khăn mà du học sinh có thể gặp phải trên hành trình trở thành những công dân toàn cầu. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, Bá Thịnh cũng cho rằng, rào cản về con người cũng có thể khiến du học sinh khó kết nối hay tìm được một người bạn đồng điệu khi học tập tại nước ngoài.

Bởi lẽ, khi rời xa quê hương và dành 4-5 năm thanh xuân để "phiêu lưu" tại một xứ sở xa lạ, đôi khi điều mà một du học sinh cần kiếm tìm hơn cả là "một tình bạn không biên giới", một người bạn hiểu mình và đồng điệu được với mình mà không phải tìm một người bạn ngoại quốc với mục đích chơi để được mở rộng thế giới quan.

Hành trang để người trẻ Việt bước ra thế giới

Điều kiện xã hội hiện nay cho phép người trẻ tiếp cận môi trường quốc tế, giao lưu hội nhập một cách dễ dàng hơn bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử. Trên hành trình trở thành những công dân toàn cầu, người trẻ Việt có nhiều lợi thế.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu: Bài 2 - Điều gì ngăn người trẻ bước chân ra thế giới? - Ảnh 6.

Thạc sĩ Bùi Thanh Xuân - Phó trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo Thạc sĩ Bùi Thanh Xuân - Phó trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, những điểm mạnh của người trẻ Việt đã được thực tế chứng minh: “Về cơ bản, các du học sinh của chúng ta đều hòa nhập rất tốt với quốc gia họ đến. Bên cạnh đó, nhờ chương trình giáo dục phổ thông trang bị kiến thức tương đối đầy đủ và kỹ các môn khoa học, học sinh từ phổ thông, đại học và sau đại học của Việt Nam hầu như đều bắt kịp rất nhanh chóng, thậm chí xuất sắc chương trình học ở nước bản địa.

Bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giúp học sinh có nhiều con đường, nguồn học liệu hơn để tự học, được tiếp cận công nghệ từ sớm. Bên cạnh đó, mức sống chung tăng lên, các bậc cha mẹ, nhất là ở những vùng đô thị, quan tâm hơn đến phát triển kỹ năng, kiến thức cho các con nên khoảng cách năng lực giữa người trẻ Việt Nam và các quốc gia phát triển trên thế giới được thu hẹp lại”.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Bùi Thanh Xuân cũng chỉ ra, học sinh Việt Nam khi bước ra quốc tế cũng lộ ra hạn chế về kỹ năng mềm và kỹ năng sống.

Dù phương pháp dạy học hiện nay đã đổi mới nhưng chưa đủ, các học sinh vẫn tương đối thụ động trong học tập. Các trường công lập hơi nặng về kiến thức chuyên môn, học thuật và hơi yếu về kỹ năng mềm, kỹ năng sống. 

Hệ quả là khả năng giao tiếp, thấu cảm, kỹ năng làm việc nhóm, thương lượng, tự nhận thức bản thân, kỹ năng hòa nhập cộng đồng trong môi trường mới… dường như không mạnh bằng những học sinh trong môi trường cởi mở hơn như những trường quốc tế, trường tư tốt tại Việt Nam hay rộng hơn là trường học tại những nước phát triển.

Phương pháp giảng dạy của nhà trường Việt Nam, đặc biệt là ở những trường công hiện nay, mặc dù được hô hào cải thiện rất nhiều nhưng chưa được thay đổi về mặt bản chất, bởi nhiều vấn đề trong quản lý, sĩ số lớp, vấn đề về tài liệu, dụng cụ, máy móc hỗ trợ giảng dạy, các phương tiện để khiến bài học sinh động hơn như giấy A0, bút màu còn rất hạn chế đối với trường công…

Việt Nam chưa có những nghiên cứu mang tầm quy mô quốc gia để đánh giá mức độ kỹ năng mềm của học sinh phổ thông đạt được. Nhưng nhiều tổ chức khác đã có những nghiên cứu liên quan về vấn đề này.

Năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 350 công ty tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần ở người lao động và nhận xét của họ về nhân lực hiện tại của công ty.

Kết quả cho thấy hầu hết các công ty không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, đặc biệt là kỹ sư và kỹ thuật viên. Các nhà tuyển dụng đòi hỏi ở nhân viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cần năng lực nhận thức, xã hội và hành vi. 

Theo ông Christian Bodewig - Điều phối viên Phát triển Con người của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, kết quả này cho thấy Việt Nam không nên chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn, đào tạo nghề và giáo dục đại học mà còn cần đào tạo tư duy phản biện và làm việc nhóm, các kỹ năng mềm nói chung cho công dân từ tiểu học, phổ thông cơ sở và trung học. Còn trường đại học, trường nghề và chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn để thực hiện công việc.

Muốn bước ra thế giới để khẳng định và phát triển bản thân, hành trang của mỗi người phải thật đủ đầy cả về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng. Nền giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện đất nước sẽ giúp cá nhân vươn xa hơn trên hành trình hội nhập quốc tế. 

Trước khi đến giai đoạn ấy, ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam phải có những bước đổi mới thực chất mang tính bước ngoặt. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu chuyển mình đó.

Và tất nhiên, hệ thống giáo dục chính quy không phải là điều kiện duy nhất và đi du học cũng không phải độc đạo để đào tạo nên những công dân toàn cầu. Những người trẻ năng động có nhiều con đường để tiếp xúc với môi trường quốc tế. Cùng với lực đẩy của những chính sách phù hợp, người trẻ Việt sẽ trở thành thế hệ công dân toàn cầu, không chỉ kiến tạo, phát triển đất nước mà còn góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hanh-trinh-tro-thanh-cong-dan-toan-cau-bai-2-dieu-gi-ngan-nguoi-tre-buoc-chan-ra-the-gioi-179230804195017085.htm