Hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học: Lãng phí và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học
Thạc sĩ Trần Nam cho biết, nhiều sinh viên chưa thực sự hiểu rõ về trường, ngành mình đang theo học, cảm thấy bản thân không phù hợp nên đã chuyển ngành, chuyển trường và thậm chí là bỏ học.
Mới đây, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định chính thức buộc thôi học 37 sinh viên chính quy vì có kết quả học tập yếu kém học kỳ 2 năm học 2021 - 2022. Ngoài ra, trường cũng cảnh báo học vụ lần 1 đối với 89 sinh viên.
Còn tại Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 đã có hơn 200 sinh viên bị xem xét buộc thôi học và hơn 800 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1.
Các trường kỹ thuật khác như Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có số lượng sinh viên phải bỏ dở việc học không ít hơn con số 700 - 800 sinh viên/năm do không đảm bảo được yêu cầu của nhà trường.
Ngoài khả năng trúng tuyển, cơ hội việc làm sau khi ra trường, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn và số sinh viên bị buộc thôi học cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Ngộ nhận và lao theo ngành "hot"
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thực tế hàng năm tại các trường đại học luôn có một tỉ lệ sinh viên nhất định nghỉ học vì nhiều lý do khác nhau.
Số sinh viên bị buộc thôi học tăng cao sẽ rất lãng phí và ảnh hưởng đến niềm tin của người học về chất lượng giáo dục đại học. Chính vì vậy, vấn đề này cần được các trường nghiên cứu, sau đó đưa ra các giải pháp thiết thực.
Dựa trên quan sát thực tế và trao đổi với sinh viên, Thạc sĩ Trần Nam nhận thấy có một số nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt sinh viên bị buộc thôi học, đó là:
Thứ nhất, công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông còn hạn chế. Mặc dù đã có những giải pháp được thực hiện nhằm cung cấp cho học sinh về kỹ năng chọn nghề, ngành học nhưng các giải pháp này đưa ra chủ yếu ở giai đoạn học sinh bước qua lớp 12 - một thời điểm khá trễ và gấp rút đối với các em.
Một số em chưa thực sự hiểu rõ về trường, ngành mình đang theo học, cảm thấy bản thân không phù hợp nên đã chuyển ngành, chuyển trường và thậm chí là bỏ học.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng chưa có sự định hướng, tư vấn cho con em mình trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Thứ hai, hiệu ứng truyền thông cũng là một vấn đề đáng lưu tâm và cần điều chỉnh. Nếu tìm hiểu về các nội dung truyền thông, nhiều trường đại học đang ra sức truyền thông cho các ngành "hot" kèm theo những lời hoa mỹ, cảm tính khiến học sinh ngộ nhận và nhận thức sai, không đưa ra chọn lựa dựa trên sự thấu cảm về xu hướng, năng lực, sở thích của bản thân.
Đến khi các em vào học thì phát hiện mình không phù hợp, việc đi học không còn là niềm vui, sự háo hức và tốt đẹp như đã được truyền thông nên sinh viên có xu hướng chán nản, bỏ học. Rõ ràng, truyền thông đại học cần phải có sự điều chỉnh.
Thứ ba, công tác định hướng, chăm sóc, hỗ trợ người học vẫn chưa được đầu tư đúng mực ở các trường đại học. Nguyên nhân đến từ quan điểm quản trị, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính của một số trường… Thực tế, có không ít sinh viên nghỉ học do điều kiện kinh tế khó khăn, nhà trường thiếu các chương trình hỗ trợ tài chính phù hợp.
Đỗ đại học chỉ là khởi đầu
Cũng trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, có rất nhiều lý do khiến sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ.
Cụ thể, sinh viên chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực và sở trường khiến bản thân không thể thích nghi với môi trường học tập, chương trình đào tạo.
Ngoài ra, nhiều sinh viên còn mải đi làm thêm hoặc không kiểm soát được đời sống cá nhân, dẫn đến sao nhãng việc học.
"Có bạn chọn được trường, ngành học mình yêu thích nhưng không tìm hiểu kỹ học phí của ngành, trường đó. Các bạn theo học một thời gian nhưng sau đó không kham nổi bởi ngoài học phí còn nhiều chi phí khác như tiền trọ, tiền sinh hoạt, ăn ở, đi lại... Cũng chính lý do này, không ít sinh viên lao vào làm thêm để có tiền chi tiêu mà quên mất việc học", Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ cho hay.
Điều chỉnh chương trình giúp sinh viên hứng khởi
Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, để tránh tình trạng học sinh "tụt dốc không phanh" khi bước vào đại học thì các em phải tìm hiểu thật kỹ các ngành nghề, hiểu sở thích, sở trường của bản thân để chọn trường, ngành học phù hợp. Ngoài ra, các em nên chọn trường, ngành học nằm trong khả năng kinh tế của gia đình.
"Đừng nghĩ đỗ đại học là một thành công lớn, đó chỉ là khởi đầu. Để vượt qua 4 năm đại học không hề đơn giản. Bên cạnh kết quả học tập, nhiều trường còn xét cả điểm rèn luyện, chứng chỉ Tiếng Anh, Tin học...
Do đó, sinh viên cần có kế hoạch học tập, rèn luyện cụ thể, xây dựng được niềm đam mê, hứng thú với ngành nghề mình theo đuổi", Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, các trường đại học cũng nên chủ động thiết kế chương trình đào tạo sao cho phù hợp, tăng mức độ hấp dẫn của các môn học để tạo hứng khởi cho sinh viên, đặc biệt là giúp sinh viên năm nhất dễ dàng hòa nhập với môi trường mới.
Để hạn chế việc sinh viên bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học, Thạc sĩ Trần Nam cho biết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện một số giải pháp như:
Có quan điểm rõ ràng về công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp là cung cấp thông tin khách quan, tư vấn về ngành học, cơ hội việc làm… để học sinh có cách nhìn tổng thể trước khi chọn lựa. Nhà trường không định hướng thông tin để kéo các em vào học bằng được mà cung cấp thông tin để học sinh tự lựa chọn;
Tổ chức chặt chẽ đội ngũ giảng viên là cố vấn học tập do các khoa phụ trách. Đội ngũ này thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu về tình hình học tập, đời sống của sinh viên, học viên để có sự hỗ trợ kịp thời;
Thành lập Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Hỗ trợ người học để tư vấn tuyển sinh cũng như có các giải pháp hỗ trợ người học;
Triển khai chương trình Khuyến học - Khuyến tài vận động các chương trình học bổng để hỗ trợ sinh viên, học viên khó khăn;
Có nhiều hoạt động tư vấn, giúp sinh viên, nhất là tân sinh viên trải nghiệm chương trình đào tạo, hoạt động xã hội; thực hiện các chương trình đưa sinh viên đến doanh nghiệp, đưa nhà quản lý, doanh nhân đến gặp gỡ sinh viên...
"Nhà trường luôn nỗ lực, dành sự quan tâm sâu sắc đến sinh viên, nắm bắt tâm lý cũng như hoàn cảnh của các em để kịp thời đưa ra sự tư vấn, hỗ trợ và định hướng giúp các em có những lựa chọn đúng đắn cho bản thân cũng như xây dựng được lộ trình học tập phù hợp trong tương lai", Thạc sĩ Trần Nam chia sẻ.