Hàng ngàn giáo viên bỏ việc mỗi năm: Nghề dạy học thực sự là một nghề cao quý?

11:47 - 29/07/2023

Ngày càng hiếm học sinh giỏi học ngành sư phạm và tình trạng giáo viên bỏ việc mỗi năm lên đến hàng ngàn người vì nhiều lý do khác nhau. Có phải học sinh lớp 12 không muốn vào sư phạm mà nhiều thứ ràng buộc, nhiều thứ bất cập đang hiện hữu khiến cho nhiều học sinh giỏi hững hờ với các trường sư phạm?


Hàng ngàn giáo viên bỏ việc mỗi năm: Nghề dạy học thực sự là một nghề cao quý? - Ảnh 1.

Hiện nay, khi mà xã hội, ngành giáo dục đã có nhiều thay đổi thì nghề dạy học có còn là nghề cao quý nữa không. Ảnh: Free/image

Nhớ về những câu thơ của cố nhà giáo Văn Như Cương

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng khẳng định: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo".

Sinh thời, Phó Giáo sư Văn Như Cương - người sáng lập trường Lương Thế Vinh - trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới đã từng khắc khoải với nghề dạy học, với tương lai ngành giáo dục bằng những câu thơ đầy trăn trở: "Các em vào đại học thầy vui/Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi/Ít em mong muốn vào sư phạm/Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi?".

Những câu thơ của một nhà giáo cả đời tâm huyết với nghề cho thấy một thực trạng từ nhiều năm qua không nhiều học sinh giỏi lựa chọn nghề sư phạm. Cho dù những năm gần đây ngành giáo dục luôn yêu cầu học lực trung học phổ thông phải đạt loại giỏi và định mức điểm sàn với các ngành học đào tạo sư phạm. Nhưng, giữa điểm số và thực lực thực sự có lẽ vẫn là một nỗi băn khoăn của nhiều người…

Bây giờ nhìn vào điểm số học bạ cấp trung học phổ thông, điểm chuẩn đầu vào đại học, điểm đầu ra đại học thì không có gì phải suy nghĩ vì đều là những điểm số đẹp long lanh. Tuy nhiên, những điểm số ấy có lẽ không phải đều phản ánh đúng năng lực của người học. Vì thế, nhiều trường phổ thông bây giờ khi tiếp nhận sinh viên sư phạm loại xuất sắc, loại giỏi nhưng những giờ dạy trên lớp không như kết quả đã đạt được trong tấm bằng tốt nghiệp của một số em đạt được.

Hai năm nay, số lượng giáo viên đã được tuyển dụng, được ký hợp đồng không xác định thời gian nhưng mỗi năm có hàng ngàn giáo viên bỏ việc. Năm học 2021-2022 có 16 ngàn giáo viên nghỉ việc; năm học 2022-2023 có 9.295 giáo viên nghỉ việc. Cả nước hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên vẫn là thách thức lớn trong bối cảnh các cấp học phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngày 21/7 vừa qua, bà Lê Thị Thùy Dung - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết thành phố này đang thiếu 688 giáo viên. Phân tích nguyên nhân không tuyển dụng được giáo viên như hiện nay, bà Dung cho rằng do chế độ tiền lương của giáo viên còn thấp. Hiện nay, giáo viên mới ra trường nếu chưa được nâng lương, tiền lương của họ chỉ nhận được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Từ tháng 7 được nâng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, giáo viên nhận được khoảng 4,2 triệu đồng/tháng". Với mức lương này, rất khó để thu hút các bạn học sinh giỏi, có năng lực chuyên môn tốt đam mê với nghề cầm phấn.

Làm sao để nghề dạy học thực sự là một nghề cao quý?

Trong thời buổi kinh tế thị trường, những khái niệm "nghề cao quý" không chỉ đơn thuần là những lý thuyết mơ hồ, viển vông như trước đây. Dù không phải là tất cả nhưng nhiều năm qua không hiếm chuyện giáo viên xin việc phải mất một khoản chi phí khá lớn mới có thể được đứng trên bục giảng. Ngay cả chuyện thuyên chuyển công tác hiện nay cũng là một vấn đề khá nhạy cảm và tế nhị, chỉ có những người trong cuộc mới thấu cảm hết được nỗi vất vả này. Bởi vì, nếu chỉ thực hiện đơn thuần 1 cái đơn theo mẫu hướng dẫn rất khó đạt được nguyện vọng của mình.

Nghề cao quý - nghề truyền thụ tri thức, bồi dưỡng nhân cách cho học trò nhưng có những trường hợp ngay cả thầy cô muốn được đứng trên bục giảng cũng phải trải qua những "gian nan" chật vật thì tình yêu nghề, tâm huyết có còn được vẹn nguyên?

Nghề cao quý nhưng một số chính sách đổi thay của ngành có giúp cho một bộ phận giáo viên bình tâm để cống hiến cho nghề? Khi thiếu giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp tiểu học, một số địa phương chủ động tuyển dụng giáo viên các môn học khác dư thừa để bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho họ dạy hàng chục năm. Bây giờ, theo Luật Giáo dục 2019; Thông tư 02/2021 và Thông tư 08/2023 hướng dẫn việc xếp hạng, xếp lương giáo viên thì nhiều thầy cô thiếu chuẩn trình chuẩn độ và được yêu cầu đi học nâng chuẩn.

Nhiều thầy cô tốt nghiệp sư phạm và giảng dạy hàng chục năm nay đối với các môn Lịch sử; Địa lý; Hóa học; Sinh học; Vật lý nhưng khi thực hiện chương trình 2018 thì họ phải đi học chứng chỉ từ 20-36 tín chỉ để về dạy 2 môn học mới là Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên. Cho dù, có những lớp được ngân sách địa phương chi trả học phí nhưng chuyện đi học thì học phí cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chi phí học tập. Đó là chưa kể thời gian, công sức mà họ phải bỏ ra.

Rồi chứng chỉ tin học; ngoại ngữ; chức danh nghề nghiệp… trong những năm qua cũng khiến nhiều giáo viên lao tâm khổ tứ vì những chứng chỉ mà ngành yêu cầu qua từng thời điểm.

Khi vào ngành, áp lực về hồ sơ sổ sách, giấy tờ; hội họp; hội thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi; bồi dưỡng học sinh; sáng kiến kinh nghiệm; vô số những cuộc thi tìm hiểu, khảo sát… hàng năm khiến cho nhiều thầy cô cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Bên cạnh đó, học sinh bây giờ nhiều em cũng cá tính, phụ huynh thì đơn thư, đưa lên mạng xã hội… khiến cho nhiều thầy cô đang phải thu mình lại.

Trong khi, thu nhập hàng tháng của giáo viên mới vào nghề đang quá thấp, thấp hơn rất nhiều lao động phổ thông đơn thuần khác. Vì thế, nhiều học sinh giỏi lớp 12 nhìn thấy thầy cô vất vả, thấy người thân của mình khó khăn tìm kiếm việc làm, nhìn thấy thu nhập hàng tháng còn bất cập nên không thích đến với ngành sư phạm. Nhiều giáo viên vào nghề, cảm thấy áp lực, bất cập, và nhiều thứ bủa vây khiến họ muốn đi tìm những công việc mới, thử thách mới.

Rất nhiều điều cần thay đổi, đổi mới để giảm áp lực cụ thể, áp lực vô hình và cải thiện đời sống giáo viên thì ngành sư phạm mới thu hút được học sinh đăng ký vào học và giáo viên mới yên tâm, tâm huyết với nghề mà mình gắn bó. Nếu không, tình trạng giáo viên nghỉ việc sẽ còn xảy ra nhiều trong những năm tới đây.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hang-ngan-giao-vien-bo-viec-moi-nam-nghe-day-hoc-thuc-su-la-mot-nghe-cao-quy-179230729071906014.htm