Hàn Quốc phát triển robot phi công điều khiển máy bay bằng công nghệ AI

17:28 - 07/09/2023

Nhóm kỹ sư và nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đang phát triển một robot hình dạng con người có thể điều khiển máy bay với độ chính xác cao mà không cần sửa đổi bất kỳ bộ phận nào trong buồng lái máy bay.

robot phi công

Phi công vốn là một nghề nghiệp phức tạp với những yêu cầu khắt khe về thể lực, kiến thức và kỹ năng điều khiển máy bay. Liệu công việc này có "nguy cơ" bị thay thế bởi công nghệ? Ảnh: Planeandpilotmag

Robot phi công hình dạng giống con người đầu tiên trên thế giới

Một nhóm kỹ sư và nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đang phát triển một robot phi công có tên là "PIBOT" hình dạng giống con người với cánh tay và ngón tay linh hoạt, có thể vận hành khéo léo các thiết bị bay với độ chính xác cao ngay cả khi máy bay bị rung lắc mạnh.

Giáo sư David Shim tại KAIST - chủ trì dự án cho biết, với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), PIBOT có điều khiển tất cả các bộ điều khiển trong buồng lái, vốn được thiết kế dành riêng cho con người. Đây là điểm khác biệt cơ bản giúp phân biệt công nghệ này với các chức năng lái tự động hiện có hoặc máy bay không người lái.

PIBOT có camera trên mặt, cánh tay và mặt trước thân máy để giúp xác định, điều khiển các công tắc khác nhau và phát hiện tình huống bên trong và bên ngoài của máy bay. Robot phi công có thể ghi nhớ các hướng dẫn sử dụng phức tạp được trình bày bằng ngôn ngữ tự nhiên, giúp nâng cao khả năng thích ứng của nó trên nhiều loại máy bay khác nhau.

Cận cảnh robot phi công PIBOT. Ảnh: KAIST

Tiềm năng của robot phi công PIBOT

Theo nhóm nghiên cứu, bộ nhớ của robot lớn đến mức có thể lưu trữ tất cả các biểu đồ điều hướng Jeppesen (bộ dữ liệu khổng lồ về hàng không như biểu đồ khởi hành, biểu đồ định tuyến, thông tin về sân bay, đường băng,...) trên khắp thế giới, điều mà các phi công - con người không thể làm được. 

Giáo sư Shim cho biết, PIBOT "hiểu" và ghi nhớ các sách hướng dẫn được viết cho con người nhờ những tiến bộ gần đây trong mô hình trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ lớn (LLM). "Chúng tôi đã có robot phi công tiền thân vào năm 2016. Vào thời điểm đó, công nghệ AI chưa phát triển mạnh nên thứ chúng tôi chế tạo chỉ là một robot đơn giản. Chúng thực sự không thể học được điều gì từ tài liệu hoặc sách hướng dẫn. Nhưng gần đây, với ChatGPT và các hệ thống mô hình ngôn ngữ lớn khác, công nghệ đã đạt được tiến bộ vượt bậc" - ông giải thích thêm.

Nhờ LLM, PIBOT dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay không có lỗi, đồng thời phản ứng nhanh hơn nhiều so với con người trong các tình huống khẩn cấp. Nó đã "thuộc lòng" sổ tay hướng dẫn vận hành máy bay trong trường hợp khẩn cấp và sẽ phản hồi ngay lập tức; đồng thời tính toán lộ trình an toàn trong thời gian thực dựa trên trạng thái của máy bay trên không trung với tốc độ cực nhanh.

Bên cạnh sử dụng ChatGPT, nhóm nghiên cứu cũng đang phát triển và thử nghiệm mô hình ngôn ngữ tự nhiên riêng để PIBOT có thể thực hiện các thao tác truy vấn mà không cần dựa vào kết nối Internet.

Mô hình ngôn ngữ được điều chỉnh sẽ xử lý thông tin riêng về việc thí điểm và lưu trữ trong một máy tính nhỏ có thể mang theo trên máy bay.

PIBOT cũng có thể được thiết kế trên máy bay để kích hoạt trong trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng mà phi công không thể thực hiện nhiệm vụ của mình.

Robot phi công này cũng có thể giao tiếp với nhân viên kiểm soát không lưu và buồng lái bằng cách sử dụng tính năng tổng hợp giọng nói, cho phép nó hoạt động như một phi công hoặc cơ phó.

PIBOT có tính ứng dụng cao vì không yêu cầu sửa đổi các máy bay hiện có và có thể được áp dụng ngay lập tức cho các chuyến bay tự động.

Hơn thế nữa, theo nhóm nghiên cứu, tiềm năng thích ứng của PIBOT vượt xa lĩnh vực hàng không. Với chiều cao 160cm và cân nặng 65kg, thiết kế với hình dáng giống người của PIBOT cho phép nó thay thế con người một cách linh hoạt trong các vai trò như lái ô tô, vận hành xe tăng hoặc thậm chí chỉ huy tàu trên biển. Theo Giáo sư Shim, công nghệ này có thể được sử dụng ở bất kỳ nơi nào mà con người hiện đang "ngồi và làm việc". 

Robot phi công vẫn đang được phát triển và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026. Nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch thử nghiệm PIBOT với một chiếc máy bay hạng nhẹ ngoài đời thực để xác minh khả năng của nó; đồng thời xem xét các chiến lược thương mại hóa cho cả mục đích quân sự và dân sự.


Nguồn: Euronews, KAIST

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/han-quoc-phat-trien-robot-phi-cong-dieu-khien-may-bay-bang-cong-nghe-ai-179230907172201913.htm