Hà Nội: Xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo giả danh Công an tinh vi
Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận những phản ánh của người dân về việc nhận được cuộc gọi Zalo của các đối tượng giả danh Công an để lừa kích hoạt định danh tài khoản ngân hàng; hay “sập bẫy” các đối tượng mạo danh cán bộ an ninh mạng hỗ trợ thực hiện thu hồi tiền bị lừa đảo.
Giả danh Công an, lừa đảo kích hoạt định danh tài khoản ngân hàng
Theo Cổng Thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội, gần đây xuất hiện các đối tượng lừa đảo thực hiện cuộc gọi có hình (video call) và yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích lấy định danh tài khoản.
Không chỉ vậy, trong các cuộc gọi này, đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an với bảng tên, phù hiệu, ảnh Bác Hồ, bằng khen; lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như công an thật.
Vụ việc xảy ra gần đây, người dân - chủ tài khoản Facebook Đ.H.V đã nhận được cuộc gọi Zalo có hình của 1 đối tượng tự nhận là Công an.
Người này cho biết Đ.H.V có đăng ký 1 số điện thoại tại Đà Nẵng, sau đó lên Facebook kêu gọi từ thiện và thu được 58.976.000 đồng nhưng không sử dụng số tiền đó đúng mục đích từ thiện. Vì vậy, "Công an" đã gọi điện để hỗ trợ online, chuyển cuộc gọi của người dân đến tòa án để báo án. Đối tượng yêu cầu Đ.H.V gọi video từ Zalo, khi nghe cuộc gọi thì nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, ai cũng có thể mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử trực tuyến (online).
Những đối tượng xấu lợi dụng việc này, dùng phần mềm hỗ trợ để chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh cá nhân - KYC. Sau khi tài khoản ngân hàng (sử dụng hình ảnh cá nhân của bị hại) được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo, nạn nhân cũng rất khó chứng minh được mình vô can.
Về định danh cá nhân để kích hoạt tài khoản ngân hàng, chuyên gia của Ngân hàng Sacombank giải thích: “Nếu mọi người đã từng mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online, sẽ biết cần phải có 1 bước gọi là KYC (định danh cá nhân) để kích hoạt tài khoản. Định danh bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống".
Giả danh Công an hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook cũng xuất hiện nhiều tài khoản giới thiệu là Cục/Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao để hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Nhiều nạn nhân đã bị lừa nay lại tiếp tục “sập bẫy” các đối tượng mạo danh là cán bộ an ninh mạng hỗ trợ việc thực hiện thu hồi số tiền đã mất.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội cho biết mới nhận được trình báo của chị H bị lừa đảo với thủ đoạn như trên.
Chị H cho biết, trước đó chị có làm cộng tác viên online trên mạng để hưởng hoa hồng nhưng bị lừa 100 triệu đồng. Sau đó, chị có liên hệ với một tài khoản facebook giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để giúp lấy lại số tiền trên.
Chị được hướng dẫn thu hồi tiền bằng cách truy cập vào đường link của một trang web chơi cờ bạc online và an ninh mạng sẽ hack vào 2 khung giờ, đảm bảo đóng tiền đặt lệnh sẽ thu được lãi. Sau một vài lần thực hiện thành công, các đối tượng thông báo chị phải nạp thêm nhiều tiền hơn. Thấy chị H đã mắc bẫy và chuyển 300 triệu đồng, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.
Chủ động cảnh giác với tội phạm mạng, không để trở thành nạn nhân bất đắc dĩ
Qua những vụ việc như trên, Công an thành phố Hà Nội đề nghị cáo người dân nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn lừa đảo tương tự, tránh mắc bẫy các đối tượng xấu.
Để phòng, tránh các đối tượng lừa đảo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…), tài khoản ngân hàng, mã OTP qua điện thoại, email hay tin nhắn, kể cả với người xưng là luật sư, Công an.
Lực lượng Công an đã nhiều lần khuyến cáo, cơ quan Công an không làm việc trực tuyến; không mời, triệu tập, làm việc qua điện thoại hay yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Để làm việc với người dân, Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương.
Khi đối diện với những tình huống bất ngờ, người dân cần hết sức bình tĩnh, dùng nhiều cách kiểm chứng lại thông tin. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc có bất cứ một nghi ngờ nào, người dân cần thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-xuat-hien-nhieu-hinh-thuc-lua-dao-gia-danh-cong-an-tinh-vi-17923070817334046.htm